Sáng 31/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024. Hội nghị có trên 4.500 đại biểu dự trực tiếp và trực tuyến, hưởng ứng chủ đề “Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vững tin bước vào kỷ nguyên mới”.
Phát huy tư duy liên vùng, lợi thế đất đai, thổ nhưỡng
Tại Hội nghị, các đại biểu nông dân đã đặt câu hỏi về chính sách khuyến khích xây dựng vùng nguyên liệu tập trung. Ông Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc HTX nấm Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) - Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023, nhấn mạnh, cần có chính sách ưu đãi đủ mạnh nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản hiện đại gắn với vùng nguyên liệu tập trung.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Thương Huyền - Giám đốc HTX chè Thịnh An (thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, về quy hoạch đất, hiện Nhà nước đã ban hành các quy hoạch theo cấp quốc gia, vùng và tỉnh, nhưng lại thiếu quy hoạch liên vùng, liên tỉnh. Điều này dẫn đến bất cập trong việc hình thành chuỗi sản xuất lớn, nhất là khi các vùng sản xuất nông nghiệp tương đồng ở hai tỉnh giáp ranh lại chịu ảnh hưởng từ các quy hoạch khác nhau.
Trả lời các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói: “Quy hoạch liên vùng, liên tỉnh sẽ khai thác hiệu quả lợi thế đất đai, thổ nhưỡng. Điều này sẽ giảm thiểu xung đột và tăng cường sự đồng bộ giữa các tỉnh, nhất là những khu vực có điều kiện sản xuất nông nghiệp tương đồng".
Theo Bộ trưởng, các cấp chính quyền cần lưu ý rằng ranh giới hành chính không nên là rào cản trong việc hình thành vùng sản xuất tập trung, liên kết tỉnh, liên kết vùng. Do đó, Bộ NN-PTNT đang đẩy mạnh nâng cao năng lực và chuyên môn cho các HTX, không chỉ dừng lại ở việc tích tụ đất mà còn phải tạo ra giá trị gia tăng thông qua chế biến sâu và phát triển thị trường.
Trước khi thành lập HTX, tổ hợp tác, người dân cần chủ động lập kế hoạch, xác định nhu cầu vốn, quy mô sản xuất và định hướng thị trường (xuất khẩu sản phẩm thô hay chế biến). Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ về đất đai và tiếp cận thị trường, nhưng bà con cũng cần tự chủ trong các khâu phù hợp.
Bộ trưởng lấy ví dụ về Câu lạc bộ Đại điền ở Hải Phòng đã tập hợp thành công 3.000ha đất từ quỹ đất của 108 thành viên. Nhờ đó, địa phương không chỉ giải quyết vấn đề đất đai mà còn tăng giá trị lợi nhuận trên một diện tích đất.
Cũng bàn về vấn đề quy hoạch đất, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đỗ Đức Duy thông tin: Luật Đất đai 2024 đã giải quyết được các vướng mắc, tồn tại của luật cũ, góp phần tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thi hành các chính sách về đất nông nghiệp tại Luật Đất đai năm 2013.
Những cải cách này tạo cơ hội cho các tổ chức và cá nhân tập trung, tích tụ đất đai một cách hiệu quả. Luật mới hướng đến việc khắc phục tình trạng manh mún trong sử dụng đất, tạo điều kiện thu hút đầu tư, áp dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.
Qua đó, giúp các tổ chức, cá nhân thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp nhằm khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, làm ra sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng cao, gắn với bảo vệ môi trường…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy lưu ý, các quy định này chỉ mới có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, do đó người dân có thể chưa có đủ thời gian để nghiên cứu và nắm bắt đầy đủ. Vì vậy, ông đề nghị chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai 2024, giúp bà con hiểu rõ và áp dụng các quy định của luật, đặc biệt trong việc tích tụ và tập trung đất đai quy mô lớn phục vụ sản xuất.
Về các vùng giáp ranh, Luật Quy hoạch và Luật Đất đai đều đã có quy định rõ ràng. Dựa trên cơ sở đó, các địa phương cần cụ thể hóa các định hướng trong quy hoạch sử dụng đất để giải quyết các vấn đề bà con quan tâm. Đồng thời, cần đảm bảo các khu vực giáp ranh có thể hình thành vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tạo ra sản phẩm đặc trưng, phù hợp với quy hoạch ngành và đáp ứng nhu cầu phát triển chung.
Quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với nhu cầu thị trường
Lắng nghe ý kiến từ các đại biểu và nhà quản lý tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng: Chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
“Nông nghiệp cần có một hệ sinh thái riêng, trong đó các yếu tố như công nghiệp hóa nông thôn, sự tham gia của doanh nghiệp và mối liên kết với các ngành nghề khác đều đóng vai trò quan trọng”, Thủ tướng phân tích, “Các ngành khác cũng cần nông nghiệp để tạo nên sự gắn kết đa chiều trong phát triển kinh tế”.
Chuyển trạng thái từ sản xuất đơn lẻ sang xây dựng một hệ sinh thái bền vững, tạo cộng hưởng giữa các yếu tố như đất đai, khoa học công nghệ, chính sách hỗ trợ và phát triển bền vững theo định hướng nông nghiệp xanh. Việc quy hoạch phải đảm bảo tính cộng hưởng: hiệu quả sử dụng đất, phù hợp với điều kiện khí hậu, cộng hưởng với chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Chỉ khi đó, nông dân mới thực sự giàu lên từ nông nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu, phát triển nông nghiệp phải dựa trên quy hoạch rõ ràng, xác định chiến lược vùng nguyên liệu theo từng sản phẩm như lúa gạo, cây ăn quả, ngô, khoai, sắn, cà phê, sầu riêng… Quy hoạch vùng nguyên liệu không chỉ dựa trên điều kiện tự nhiên mà còn phải gắn liền với nhu cầu thị trường, không để hiện tượng sản xuất ồ ạt làm giảm giá thành nông sản trên thị trường.
Theo đó, người đứng đầu Chính phủ chỉ ra một số giải pháp chính đề phát triển kinh tế nông nghiệp. Đầu tiên, tích tụ đất đai sẽ tạo điều kiện để các HTX, tổ hợp tác có quỹ đất đủ lớn áp dụng cơ giới hóa và quy hoạch vùng nguyên liệu chiến lược. Ứng dụng khoa học công nghệ sẽ thúc đẩy đổi mới trong sản xuất và giảm phát thải khí nhà kính từ trồng trọt và chăn nuôi.
Nhà nước cần xây dựng các cơ chế tín dụng phù hợp, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong các nỗ lực phát triển nông nghiệp bền vững. Chính quyền địa phương có vai trò trong đánh giá hiệu quả thi hành chính sách.
“Nông dân, cấp ủy và chính quyền địa phương cần thường xuyên rà soát, kiểm tra xem chính sách đã đi vào thực tế hay chưa, có tạo ra hiệu quả thực sự hay không”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng khẳng định, phát triển kinh tế nông nghiệp không chỉ là nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn là thay đổi toàn diện tư duy, cách làm và cách quản lý để nông nghiệp, nông dân và nông thôn cùng phát triển.