Agribank cho biết ngân hàng này cùng Bộ NN-PTNT cùng thống nhất ký kết Bản ghi nhớ triển khai chương trình hợp tác cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng thuộc Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (Đề án).
Mục tiêu của Đề án là hình thành 1 triệu ha vùng lúa chuyên canh chất lượng cao phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu quả thu nhập và đời sống của người trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội, nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới và hướng tới một ngành hàng lúa gạo minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Đối tượng, địa bàn và thời gian thực hiện Đề án là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân; cán bộ nông nghiệp/ kỹ thuật về quy trình sản xuất, đo đạc, kiểm kê phát thải khí nhà kính …
Địa bàn triển khai Đề án tại các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long. Thời gian triển khai Đề án từ năm 2024 đến năm 2030.
Tổng mức đầu tư cho diện tích vùng chuyên canh một triệu héc-ta lúa: khoảng 800 triệu USD, tương đương 19.000 tỷ đồng (Suất đầu tư trung bình cho mỗi héc-ta: 800 USD/ ha). Vốn thực hiện Đề án được huy động từ 3 nguồn: các tổ chức quốc tế, vốn tài trợ không hoàn lại từ Quỹ chuyển đổi tài sản cacbon (TCAF) và các Quỹ Tài chính cacbon trên thế giới, vốn vay ODA ưu tiên để ứng phó biến đổi khí hậu và giảm phát khí thải.
Nguồn vốn đầu tư từ các Doanh nghiệp, nông dân, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước, nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư công và chi thường xuyên hàng năm, lồng ghép nguồn lực trong các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án đầu tư công của Trung ương và địa phương giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết Bộ sẽ tổ chức giới thiệu nội dung thuộc Đề án và kế hoạch triển khai để Agribank xây dựng kế hoạch và phối hợp thực hiện. Cụ thể, cung cấp, chia sẻ thông tin và danh sách các đối tượng tham gia Đề án và Ban Quản lý dự án liên quan. Phối hợp với Agribank trong quá trình triển khai, xây dựng, cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng tham gia Đề án.
Bộ NN-PTNT cũng là đầu mối kết nối với các cơ quan, chính quyền địa phương phối hợp với Agribank tại nơi triển khai Đề án để thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển ngành lúa gạo. Hỗ trợ, phối hợp với Agribank truyền thông, quảng bá các sản phẩm dịch vụ ngân hàng của Agribank đến các đối tượng tham gia Đề án. Giới thiệu, ủng hộ và hỗ trợ Agribank tiếp cận các nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện Đề án.
Về phía Agribank, ngân hàng này sẽ tư vấn, hỗ trợ, cung cấp sản phẩm dịch vụ cho các đối tượng tham gia Đề án. Thông báo cho các Chi nhánh Agribank trên địa bàn thuộc phạm vi Đề án thực hiện các nội dung của Biên bản ghi nhớ. Đồng thời nắm bắt nhu cầu, hướng dẫn các doanh nghiệp, cá nhân tham gia Đề án sử dụng các sản phẩm dịch vụ theo quy định của Pháp luật và Agribank.
Cung cấp các sản phẩm dịch vụ của Agribank phù hợp với mục tiêu của Đề án. Bao gồm các sản phẩm, dịch vụ sau: Dịch vụ tiền gửi: Mở tài khoản, dịch vụ tiền gửi, dịch vụ quản lý tài khoản, quản lý vốn tập trung, đầu tư tự động. Dịch vụ tiền vay: Cung cấp các khoản cấp tín dụng phù hợp cho nhu cầu của các tác nhân trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo chất lượng cao, giảm phát thải. Dịch vụ tài chính. Dịch vụ thanh toán: Thanh toán trong nước, thanh toán quốc tế. Sản phẩm dịch vụ ngoại hối. Sản phẩm dịch vụ khác: Thấu chi, thẻ tín dụng, bảo hiểm …