| Hotline: 0983.970.780

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Ai đã di dân vào Quảng Nam (I)

Ai đã di dân vào Quảng Nam (I)

Lịch sử có ghi nhận những cuộc di dân, lẻ tẻ hoặc có tổ chức, nhưng chỉ là những thông tin thoáng qua và mô tả cũng mơ hồ kiểu như 'dân xiêu dạt'.

LTS: Khi tình cờ “va” phải một số đặc trưng của giọng Quảng Nam trên đất Nghệ Tĩnh và Thanh Hóa trong vài thổ ngữ ở những vùng xa ngái, nhà khoa học hình thành nên giả thiết rằng giọng Quảng Nam đã được các di dân buổi đầu đem từ những địa phương này vào. Nhưng như thế là chưa đủ, nó cần được chứng minh bằng các chứng cứ và lập luận về di dân.

Tiếc thay, khác với hình dung có phần đơn giản lâu nay, “các ghi chép về di dân chẳng những đã hiếm trong các bộ chính sử, khi có thì lại chỉ ghi vắn tắt một hai câu nên không phải lúc nào cũng rõ ràng” nên tác giả Andrea Hoa Pham đã dồn tất cả các nỗ lực vào chương này để đi đến một nhận định quan trọng: đại đa số họ đều là người từ Thanh Hóa và Nghệ Tĩnh.

Bài dưới đây trích từ Chương 3 của cuốn sách "Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam”.

Các tài liệu lịch sử thường bận rộn nói về bối cảnh và những cuộc chiến tranh Nam tiến. Hiếm có tài liệu nào ghi chi tiết về điểm xuất phát và nơi đến của các đợt di dân lớn trong suốt thời kỳ dài đằng đẵng nhiều thế kỷ này. Đa số những tài liệu về công cuộc Nam tiến từ thời nhà Lê đến thời Trịnh - Nguyễn thường hoặc chú trọng đến các sự kiện, nhân vật, nguyên nhân và kết quả của các cuộc chiến tranh, hoặc về tình hình kinh tế, ruộng đất tô thuế, và các quan hệ ngoại giao của các chúa Nguyễn.

Điểm xuất phát của di dân trước thế kỷ 15 thì càng mờ mịt. Còn trong các nghiên cứu về sau này, khi nhận định về số lượng, thân phận, nơi xuất phát hoặc điểm đến của di dân, dù bị ép buộc hay tự nguyện, các từ “có lẽ”, “chắc là”, “có thể là” xuất hiện thường xuyên vì vắng bóng nguồn tư liệu.

Trong lịch sử mấy trăm năm chiến tranh qua lại giữa Đại Việt và Chiêm Thành, hẳn có một số người Đại Việt đã sống ở đất Chiêm trong thời kỳ đó. Họ có thể thuộc số những người bị Chiêm Thành bắt về, hoặc là những di dân lẻ tẻ.

Minh họa cuộc chiến Đại Việt - Chiêm Thành.

Minh họa cuộc chiến Đại Việt - Chiêm Thành.

Điều này sẽ được bàn thêm ở Chương 6. Ở đây chúng ta chú trọng vào những đợt di dân được ghi lại trong lịch sử, đặc biệt những đợt có liên quan đến Quảng Nam. Chỉ tiếc là như đã nói, ngay cả "Phủ biên tạp lục", nguồn sử liệu được xem là sớm nhất và quan trọng nhất ghi chép tỉ mỉ về Đàng Trong, lại không có thông tin gì về những người dân vào lập nghiệp nơi này. Mỗi khi nói đến việc khai khẩn ruộng hoang ở đất mới thì thường thấy cụm từ “chiêu mộ dân xiêu dạt”, nhưng xiêu dạt từ phương nào đến thì không thấy nói.

Thống kê số dân cốt để thu thuế, mộ phu và lấy lính. Những người không có đất đai của cải, không tiền nộp thuế, phải đi lang thang phiêu bạt, nhất là vào mỗi đợt chính quyền kiểm tra dân số để làm hộ tịch bắt đinh, định thuế, thì không có căn cước, không được ghi vào sổ bộ, không được ghi xuất xứ, gốc gác. Ngay cả những người tứ tán (vãng lai) đến lập nghiệp thành công cũng không chỉ được nói đến một cách chung chung là “dân miền núi”, “khách hộ”.

Ví dụ khi nói về một số xứ, xã trong các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn và Quảng Ngãi, "Phủ biên tạp lục" nhận định “đất đều gần sông, đất nước tốt lành, đồn điền rộng rãi, cao mà bằng, ước hơn nghìn mẫu, cũng gọi là Tiểu Đồng Nai, họ Nguyễn trước lập 72 trại, chiêu tập dân miền núi và khách hộ đến ở làm ruộng, được thóc rất nhiều” (PBTL, 154). Những người “miền núi” này thuộc dân tộc gì, hay “khách hộ” từ đâu tới thì không có chi tiết. Họ đều không được ghi vào sổ thống kê dân số.

Từ giữa thế kỷ thứ 16 chúng ta cũng không được biết gì nhiều hơn về nơi xuất phát và/hoặc nơi đến của di dân vào vùng đất Quảng Nam ngoài những gì đã ghi trong sử sách và gia phả của một số dòng họ. Phần di dân vào vùng đất Quảng Nam chiếm chưa đầy 4 trang trong công trình nhắc ở trên.

Năm 1996, Huỳnh Công Bá trong luận án tiến sĩ về công cuộc khai khẩn Bắc Quảng Nam (nay là Hòa Vang, Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn, và đông bắc Thăng Bình) khoảng từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 18, nhận định rằng khác với những quan niệm từ trước đến nay, số di dân từ Nghệ An vào đông hơn di dân từ Thanh Hóa. Ông dựa vào các tư liệu thực địa tìm được ở 102 làng địa phương. Những số liệu này sẽ được dẫn ở phần dưới.

Ảnh TL

Ảnh TL

Chúng tôi quay sang những nghiên cứu về phương ngữ và lịch sử vùng đất Quảng Nam, hi vọng tìm được thêm thông tin về những người đầu tiên tay xách nách mang đến vùng đất này lập nghiệp. Công trình kỹ lưỡng nhất gần đây về tiếng Quảng Nam phải kể đến tập sách “Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ” do một nhóm giáo sư tiến sĩ ngữ học biên soạn, Nhà xuất bản Quảng Nam in năm 2006. Tóm tắt lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ, lịch sử và địa lý Quảng Nam, các di tích khảo cổ tìm được ở vùng đất này, việc sáp nhập các vùng đất Chăm pa vào Đại Việt (các châu Ô, Rí ở thế kỷ thứ 11, các châu Thuận và Hóa đầu thế kỷ thứ 14, và vùng đất Chiêm Động và Cổ Lũy vào đầu thế kỷ thứ 15) được nghiên cứu và trình bày công phu. Các tên gọi địa phương và đơn vị hành chính cũng được ghi chép rất tỉ mỉ. Tiếc là vấn đề dân số và di dân thì cũng không có thêm thông tin gì ngoài những điều sơ lược đã ghi trong các bộ chính sử, và từ một số gia phả dòng họ.

Mặc dù với sự giúp sức của bạn bè trong và ngoài Việt Nam, những tài liệu chi tiết về nơi xuất phát và nơi đến của các đợt di dân lớn, không biết có hay không, nhưng chúng tôi cũng không may mắn tìm thấy. Vì vậy những điều trình bày dưới đây là gom góp từ những gì ghi rải rác trong sử liệu và giả định trong các tài liệu nghiên cứu của các tác giả đi trước. Chúng tôi miêu tả lại bối cảnh các sự kiện về di dân, đặt những câu hỏi gợi mở, và chia sẻ một số suy nghĩ về vấn đề này.

Nếu lấy cái mốc năm 1069 khi vua Chiêm Chế Củ cống nạp ba châu Bố Chính, Ma Linh và Địa Lý (Quảng Bình và bắc Quảng Trị ngày nay), thì vùng đất này kể như đã thuộc về Đại Việt, nhưng có lẽ chưa có mấy người Việt vào lập nghiệp. Ba châu này sau đó còn bị Chiêm Thành lấy lại và giữ một thời gian.

Năm năm sau đó, vào năm 1075 sau trận vua Chiêm sang đánh phá ở biên giới Đại Việt, vua Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt vào chinh phạt Chiêm Thành. Dù Lý Thường Kiệt thua trận này nhưng đã vẽ được bản đồ ba châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh. Với tấm bản đồ, lúc này phần đất được Chế Củ nhường lúc trước khiến những dự định của vua Đại Việt có cơ hội trở nên “thật” hơn, từ việc tìm hiểu về dân cư để phân vùng địa lý, áp đặt thuế khóa, đến việc xây dựng phòng thủ, tính toán việc di dân…

Vua Lý Nhân Tông đổi tên châu, tổ chức lại việc cai trị. Và vì phải có dân thì mới giữ được đất, vua xuống chiếu mộ dân vào vùng đất mới. Đó là cuộc di dân đầu tiên của người Đại Việt vào vùng đất vốn thuộc Chiêm Thành. Chiếu mộ dân này đã trở thành tiền lệ cho các đợt di dân trong các thế kỷ sau đó.

Đại Việt lúc này đã có bản đồ sông núi rõ ràng của vùng đất mới, nên các cuộc di dân có thể tổ chức ở mức độ ít nhiều kiểm soát được. Nó cũng khiến việc bổ nhiệm các quan nhỏ địa phương trông coi giúp đỡ di dân lúc đầu, và các việc thu thuế, nộp đinh sau đó dễ dàng hơn.

Theo Phan Khoang, lúc ấy vua Lý đã thấy rằng xâm lược bằng quân sự không hiệu quả bằng việc đưa dân vào sinh sống, tuy chậm nhưng chắc. Trong đợt di dân lớn đầu tiên này, những người ở vùng nào đã nghe theo chiếu mộ dân vào sinh sống ở vùng đất mới? Bao nhiêu dân đã di cư? Khi vào thì họ sống ở đâu? Không thấy tài liệu nào nói đến những điều này. Toàn thư không chép về sự kiện di dân năm 1075. Còn Cương mục (140) chỉ ghi vắn tắt “(Vua) đổi Địa Lý làm châu Lâm Bình, Ma Linh làm châu Minh Linh, mộ dân đến ở”. Chỉ bốn chữ “mộ dân đến ở” miêu tả đợt di dân đầu tiên và chính thức theo chiếu vua ban.

Một câu hỏi quan trọng nữa nhưng tất nhiên không có tài liệu nào nói đến, là những di dân lúc đó vào lập chòm xóm với người thân quen, hay sống rải rác dọc sông bãi, đan xen với người Chăm bản địa? Có thể suy diễn rằng do đặc trưng văn hóa, người Việt nếu phải di cư thì thường đi theo gia đình, dòng họ, làng xóm.

Phan Khoang đoán rằng “đa số di dân chắc từ miền Nghệ An ở gần đấy, bắt đầu đến đất này khai khẩn, làm ăn. Trong số những người di dân ấy, những người cùng một họ (tộc) thường tụ tập một nơi, rồi lập thành một làng (xã)” (Phan K., 1967:56). Căn cứ theo việc tên làng được đặt theo các họ tộc (ví dụ họ Phan, Hoàng, Ngô, Vũ...) thì miền nam tỉnh Quảng Bình và miền bắc tỉnh Quảng Trị là nơi các di dân này đến lập nghiệp đầu tiên, vì đất đai ở đó phì nhiêu hơn đất ở bắc Quảng Bình (châu Bố Chính).

Giả thiết của Phan Khoang không phải là không có lý. Lúc ấy Chiêm Thành liên miên đánh Nghệ An, tỉnh giáp biên giới. Có những năm Chiêm Thành và Chân Lạp còn liên kết đánh cướp Nghệ An mấy bận (năm 1128, 1132). Nhiều người Đại Việt bị bắt đem về Chiêm Thành. Sau chiếu di dân, do gần gũi về địa lý, hẳn phần lớn trong số ít ỏi những người vào sống ở Quảng Bình, Quảng Trị từ trước đó là người từ Nghệ An. Những người đồng hương này là một khích lệ cho di dân mới, đi sau khi có chiếu mộ dân. Dù sao, có vài đồng hương nơi đất mới cũng đã là món quà vô giá cho những người đến sau. Có thể nói đợt di dân đầu tiên ở thế kỷ thứ 11 đến lập nghiệp ở vùng Quảng Bình và Quảng Trị là những người đi từ Nghệ An, tỉnh giáp ranh với Chiêm Thành. Sau này trong số những di dân đi sâu hơn về phía nam, có nhiều người Đại Việt từ vùng Quảng Bình, tức cũng là những người gốc gác vùng xứ Nghệ.

 

Đến giữa thế kỷ thứ 12, năm 1152, vua Lý sai Lý Mông đem 5 ngàn quân Thanh - Nghệ hộ tống đưa Ung Minh Tạ Điệp về làm vua Chiêm Thành (Cương Mục, 170). Các tác giả Đặng et al (1994:43) nhận định rằng 5 ngàn quân Thanh - Nghệ đó hẳn vào tận Trà Bàn, Bình Định và trong đó có nhiều người ở lại sinh sống, “cộng cư với người bản địa”. Nếu điều đó đã xảy ra, thì thời gian ở tận giữa thế kỷ thứ 12, hầu như không thể nào còn tìm được chứng cứ, nhất là việc những người ở lại này đã sống ở đâu ở Chiêm Thành.

Hơn hai thế kỷ sau, đất Chiêm Thành lại co cụm thêm về phía nam, nhưng lần này là vua Chiêm Thành tự nguyện hiến làm của sính lễ. Cuối năm 1306, Chế Mân dâng nộp hai châu Thuận và Hóa (tức một phần của Quảng Trị, toàn bộ tỉnh Thừa Thiên và phần bắc tỉnh Quảng Nam) để xin đón về công chúa Huyền Trân.

Vậy đầu thế kỷ thứ 14 này ai đã theo chân công chúa vào đất mới? Đặng et al (1994) cho rằng khi công chúa Huyền Trân về Chiêm Thành hẳn có đem theo một số người Việt. Có lẽ là nhiều cung nữ và lính hộ vệ đã tháp tùng cô công chúa bé nhỏ về quê chồng. Con số này ước hàng trăm. Nhưng liệu có dân thường đi theo không, chẳng hạn vợ con của những người lính và người nhà của các cung nữ? Không thấy chính sử nói gì về di dân người Việt vào hai châu Thuận và Hóa trong thời kỳ này.

Rồi sau đó, có thêm đợt di dân nào vào vùng đất được hiến tặng này không? Cuốn Địa lý của Nguyễn K. N. và Phạm Đ. T. (1987) dành hẳn một mục nói về vấn đề di dân, từ lúc Chiêm Thành dâng đất hai châu Ô và Rí đến tận thế kỷ thứ 20. Thế mà về giai đoạn này, các tác giả cũng ghi vắn tắt rằng người Chàm lúc ấy “bỏ đi, đi vào phía nam đèo Hải Vân (tức ra khỏi phạm vi hai châu Thuận và Hóa), nên nhà Trần phải đưa người Việt vào lập nghiệp ở hai châu này” (tr. 195). Các tác giả cũng không dẫn nguồn tài liệu, và không nói đưa người Việt từ đâu vào.

Huỳnh C. B. (1996) nhận định rằng ít nhất sau đám cưới của công chúa Huyền Trân khoảng 10 năm đã có người Việt vào khai khẩn ở Bắc Quảng Nam. Đất Quảng Nam trở lại hoang hóa khi quan hệ Việt - Chiêm trở nên căng thẳng thời Chế Bồng Nga và sau khi quân Minh chiếm Đại Việt. Quảng Nam lúc ấy bị Chiêm Thành kiểm soát.

Sử chép sau sự kiện này, người các thôn La Thủy, Đà Bồng không chịu thần phục nên vua Trần phải dùng quan là người Chiêm và cấp ruộng đất cho dân “như cũ”. Có lẽ chỉ có ruộng của người Chiêm thì mới bị thu rồi cho lại, còn di dân Việt chân ướt chân ráo vào lập nghiệp, thì được cấp ruộng đất canh tác, nhưng chắc số này còn ít cho nên sử không nhắc. Sự kháng cự của dân các thôn La Thủy, Tác Hồng và Đà Bồng chứng tỏ rằng người Chiêm ở các châu đó cũng không vui vẻ gì chuyện sáp nhập vào Đại Việt, và di dân Việt không được đón tiếp vồn vã. Vùng đất này do đó vẫn chưa yên ổn cho nên số người Việt sống tại những châu này, bao gồm cả các huyện phía bắc tỉnh Quảng Nam hiện nay, lúc ấy có lẽ còn rất ít.

Còn các ghi chép hiện nay thì thi thoảng có những bài báo của các chính quyền địa phương có nhắc đến nguồn gốc tổ tiên, ví dụ như ông bà tổ tiên của người dân ở huyện Triệu Phong, Quảng Trị phần lớn đã từ Thanh - Nghệ - Tĩnh di cư vào lập nghiệp. Nhưng các ghi chép này cũng chỉ căn cứ vào gia phả của một số gia đình còn giữ được.

 

Năm 1402, một thế kỷ sau khi nhận được quà sính lễ là hai châu Thuận và Hóa, Đại Việt lại lấy thêm đất mới của Chiêm Thành và đưa dân vào khai phá. Đó là khi nhà Hồ chiếm được Chiêm Động (phần phía nam tỉnh Quảng Nam ngày nay) và ép Chiêm Thành dâng luôn cả đất Cổ Lũy (châu Tư và Nghĩa, phần phía bắc tỉnh Quảng Ngãi ngày nay). Sau khi mất Chiêm Động và Cổ Lũy, người Chiêm đưa dân cận tiệm về nước, số người ở lại thì dùng làm quân lính.

Theo Phan Khoang, binh lính này có lẽ cho đóng ở biên giới. Điều này có nghĩa là binh lính người Chăm đồn trú ở nơi ít có tiếp xúc với dân chúng. Khi quan Đại Việt đến cai trị, Chiêm Thành đã “dời hết dân đi nơi khác mà bỏ đất không” ("Cương mục", XII, tr. 309), nghĩa là ít nhất ở vùng bắc Quảng Ngãi không còn người Chiêm ở lại, hoặc rất ít. Những di dân Việt lúc này vào khai phá đất đai ở Chiêm Động và Cổ Lũy, làm nhà cửa ở bất cứ nơi nào họ có thể, hoặc được phân chia.

Cũng dễ thấy là đường biên giới hành chính tỉnh ngày nay không dùng để phân biệt giọng nào là Quảng Nam giọng nào là (bắc) Quảng Ngãi. Cũng như ở các giọng địa phương khác, giọng Quảng Ngãi cũng có nhiều thổ ngữ khác nhau ở vài vần, nhưng những từ như "cá, sắn, bán" thì người vùng bắc Quảng Ngãi nói giống như người Quảng Nam. Vì chúng tôi không có tư liệu Quảng Ngãi trong tay nên chỉ đưa ra nhận xét về nguyên âm này sau khi phỏng vấn vài người dân ở Quảng Ngãi.

Vậy ai đã là những di dân Đại Việt sớm nhất vào Chiêm Động và Cổ Lũy vào đầu thế kỷ thứ 15, điền vào khoảng trống đây đó người dân Chiêm để lại?

Andrea Hoa Pham
Xem thêm