Cây rừng hàng trăm năm bị đốn hạ
Trên lâm phần quản lý của Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Hướng Hóa, Quảng Trị) vừa xảy ra vụ việc phá rừng quy mô lớn gây rúng động dư luận. Càng đặc biệt hơn khi hiện trường vụ án được xác định là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng.
Được biết, trên địa bàn huyện Hướng Hóa có trên 40.530ha rừng tự nhiên, riêng Ban quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa được giao quản lý 21.473,29ha thuộc địa phận các xã Hướng Sơn, Hướng Lập, Hướng Phùng, Hướng Linh và Hướng Việt. Bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, phục hồi rừng, phát triển du lịch sinh thái… thì bảo vệ rừng là nhiệm vụ quan trọng nhất. Bởi thế, vụ việc lần này chẳng khác nào hồi chung báo động cho ngành lâm nghiệp Quảng Trị.
Tại Công văn số 428/BC-SNN ngày 29/11/2021, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị khẳng định: “Năm 2021 tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn tỉnh xảy ra các đợt mưa lớn kéo dài liên tục, gây sạt lở và chia cắt các tuyến đường tuần tra bảo vệ rừng, nhất là vùng núi cao, có độ dốc lớn, điều này gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng ở khu vực rừng tự nhiên, bao gồm rừng ở Khu BTTN Bắc Hướng Hóa. Người dân thiếu việc làm, hoặc mất việc làm lợi dụng khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm tra rừng của lực lượng chức năng để khai thác gỗ trái luật là rất cao”. Bám vào đây, có thể hiểu việc xâm phạm rừng tự nhiên tại Quảng Trị có thể xảy đến bất kỳ lúc nào.
Ngày 8/12/2021, ông Nguyễn Tân Hiếu, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa xác nhận: Sau khi nhận định thấy dấu hiệu khả nghi có khai thác, ngày 25/10 đơn vị đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, qua đó phát hiện tại tiểu khu 645 thuộc lâm phần khu bảo tồn, địa điểm tiếp giáp với 2 thôn Cát, Trĩa, xã Hướng Sơn tổng cộng 36 gốc cây bị chặt hạ.
Liên quan đến các đối tượng tham gia phá rừng, ông Hiếu cho hay chỉ mới nắm bắt thông tin bước đầu, cơ bản chỉ là dự đoán, chưa có cơ sở để khẳng định chắc chắn(?!).
36 gốc cây mà ông Hiếu đề cập đến có đường kính từ 25 - 90cm, ước tính khối lượng gỗ là 22,651m3, số lâm sản này được phát hiện nằm rải rác ở lô 1, 2 khoảnh 4 và lô 1 khoảnh 2 tiểu khu 645 thuộc phân khu “bảo vệ nghiêm ngặt của Khu BTTN Bắc Hướng Hóa. Tại hiện trường ghi nhận 2 cây gỗ còn nguyên cành nhánh; 13 lóng gỗ đường kính từ 20 - 50cm, chiều dài từ 2,5 - 6m; 8 hộp gỗ. Qua phân loại, có 1 cây nhóm I (gõ lau), 19 cây nhóm III, số còn lại là nhóm V, nhóm VII. Thời gian khai thác khoảng từ tháng 9 đến giữa tháng 10/2021.
Sau “sự cố”, Ban quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đã tiến hành tổ chức họp kiểm điểm, xác định trách nhiệm đối với ông N. V. P., phụ trách tiểu khu 645 và ông N. N. T. phụ trách Trạm Quản lý bảo vệ rừng Trĩa. Đồng thời điều chuyển ông N. N. T. phụ trách Trạm lên phòng Khoa học kỹ thuật và Hợp tác quốc tế, bố trí ông Trần Văn Hùng, Phó phòng về phụ trách...
Càng mở rộng, càng rúng động
Để đánh giá toàn diện, qua đó xác định rõ tính chất, quy mô, mức độ tàn phá trái phép rừng tự nhiên tại Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, Sở NN-PTNT đã ban hành văn bản chỉ đạo, yêu cầu Chi cục Kiểm lâm cùng các đơn vị liên quan rà soát trên diện rộng. Kết quả thu về thật đáng báo động.
Thực tế chỉ rõ, địa điểm khai thác không chỉ gói gọn trong tiểu khu 645 mà “lan” cả sang tiểu khu 635. Chi tiết hơn, từ ngày 28/11 - 6/12 cơ quan chuyên ngành đã phát hiện thêm 53 cây gỗ bị đốn hạ trái phép, đường kính từ 30 - 110cm, khối lượng khoảng 54,847m3. Trong số này có 7 cây thuộc nhóm IIA, khối lượng 12,595m3. Tại hiện trường chỉ còn sót lại 16 cây gỗ còn nguyên cành nhánh, 10 lóng gỗ, 36 hộp, khối lượng 27,182m3. Cơ quan chức năng nhận định, thời gian khai thác từ khoảng tháng 9 đến giữa tháng 10/2021.
Như vậy sau 8 đợt “tổng động viên” ra quân, ngành chức năng tỉnh Quảng Trị đã phát hiện tổng cộng 89 cây gỗ bị khai thác trái phép trên lâm phần của Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, đáng chú ý có đến 8 cây Gụ lau thuộc nhóm IIA quý hiếm.
Điều đáng quan ngại là trong số gỗ khai thác trái phép nói trên, phía Hạt kiểm lâm Hướng Hóa và Ban quản lý chỉ phối hợp phát hiện, bắt giữ được 20 hộp với khối lượng 3,907m3; Đoàn Kiểm tra của Chi cục bắt giữ 4 hộp, khối lượng 0,937m3; Đội Kiểm lâm cơ động & PCCCR bắt giữ 2,972m3, gỗ còn tại hiện trường trên 35m3. Số còn lại (33,570m3 – PV) do các hộ dân ở thôn Trĩa, thông Cát sử dùng làm nhà, đồng thời vận chuyển ra khỏi địa bàn. Đưa ra để thấy công tác quản lý và bảo vệ rừng tại địa bàn Hướng Hóa, cụ thể là Khu BTTN Bắc Hướng Hóa còn không ít mối lắm mối tơ vò.
Vụ việc được thể hiện rõ qua trần tình của ông Hồ Văn Hanh, Phó Chủ tịch xã Hướng Sơn: Bước đầu đã khoanh vùng các đối tượng đều ở thôn Cát, trong danh sách có 14 - 15 người, đều là dân địa phương. Đa số thuộc thành phần hộ nghèo, họ tận dụng mưa lũ, khi cán bộ không ở trong chốt thì chặt lấy gỗ làm nhà.