| Hotline: 0983.970.780

Ấm lòng nơi phên dậu Tổ quốc

Thứ Hai 24/12/2012 , 10:16 (GMT+7)

Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.

Trở lại cao nguyên đá Đồng Văn (địa giới hành chính 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc với diện tích hơn 2.350 km2) lần này, chúng tôi mang trong mình một cảm giác lâng lâng tự hào, bởi nơi đây đã được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.

Đây là Công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam và là công viên thứ hai ở khu vực Đông Nam Á.

Nâng bước cho học sinh dân tộc

Đường lên xã Hữu Vinh (Yên Minh, Hà Giang) chẳng khác nào chiếc thang bắc lên giữa lưng trời. Ngồi trên xe của tay lái “lụa” nhất Agribank (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam), chúng tôi phải “gồng mình” bám vào thành ghế vì đường cheo leo, uốn khúc quanh co. Trải qua một đoạn đường dài đến xã Hữu Vinh, mệt và khát, đó là cảm giác của mọi người trong đoàn công tác, nhưng tuyệt nhiên không ai than vãn một lời.

Mọi mệt mỏi sau hơn 10 tiếng bị “tra tấn” từ tờ mờ sáng trên chuyến xe từ Hà Nội lên xã Hữu Vinh dường như tan biến khi chứng kiến những nụ cười tươi rói của các em học sinh dân tộc Trường Tiểu học Hữu Vinh. Trường Tiểu học Hữu Vinh “bừng sáng” như bông hoa giữa bốn bề núi đá tai mèo xám xịt. Tiếng hát, điệu khèn của một nhóm học sinh đang tập văn nghệ tại một góc sân trường, như hoà quện với thiên nhiên, đất trời.

Nâng bước cho các em học sinh dân tộc, “ươm mầm” cho thế hệ tương lai của trẻ em vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Nguyễn Ngọc Bảo đã trao tặng số tiền 3 tỉ đồng là tấm lòng của cán bộ Agribank cho thầy, trò Trường Tiểu học Hữu Vinh huyện Yên Minh để xây dựng lớp học.


Chủ tịch HĐTV Agribank trao tặng 15 tỉ đồng chương trình an sinh xã hội cho lãnh đạo huyện Đồng Văn (Hà Giang)

Nước mắt ngấn lệ, không nói thành lời bởi sự cảm kích trước tấm lòng của Agribank giúp đỡ các em học sinh thân yêu của mình có thêm những lớp học kiên cố để tránh cái nắng, mưa, và những cơn gió mùa đông bắc lạnh buốt ở miền cao nguyên đá này, cô giáo Hoàng Thị Quỳnh, hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Đây là một món quà đầy ý nghĩa với thầy, trò chúng tôi. Với sự giúp đỡ của Agribank, trường sẽ có thêm 6 phòng học mới, những lớp học này cộng với những phòng học cũ sẽ đáp ứng đủ cho nhu cầu học tập của gần 550 học sinh”.

“Agribank tài trợ thêm 6 phòng học, đồng nghĩa với việc các lớp học tạm của trường sẽ được xóa bỏ. Lớp học đã khang trang, nhưng khu nhà cho các em ở nội trú cũng đã xuống cấp, hy vọng trong thời gian tới sẽ có đơn vị nào đó hỗ trợ để các em học sinh ở xa phải sống nội trú có nới ăn, chốn ở tốt hơn”, cô Lý tâm sự.

Niềm vui và hạnh phúc như vỡ òa, em Chảo Củ Tẻ dân tộc Dao, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Hữu Vinh nói mà như chực khóc, giọng nghẹn lại: “Sắp tới khi lớp học mới hoàn thành, chúng em không phải học ở trong những phòng học tạm bợ nữa. Nhà em có ba anh thì tất cả đều được đi học. Mơ ước của em sau này sẽ trở thành cán bộ khuyến nông, mang kỹ thuật về giúp bà con chăn nuôi, trồng trọt, góp phần giúp dân bản xóa đói giảm nghèo bền vững...".

Hòa chung niềm vui với các em học sinh, cô giáo Tống Thị Lý, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A Trường Tiểu học Hữu Vinh, cho biết, 30 năm gắn bó với sự nghiệp “gieo chữ” cho các em học sinh vùng cao nguyên đá Đồng Văn, từ những lớp học tạm bợ không đủ che mưa, nắng, nay tôi đã mãn nguyện phần nào khi được cùng các em học sinh thân yêu của mình được học tập trong các lớp học kiên cố, khang trang mà nhiều lúc có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến.

Giải cơn khát cho 92 hộ gia đình

Thôn Má Lầu, xã Ma Lé, huyện Đồng Văn nằm trong tổng thể vùng cao nguyên đá Đồng Văn ở độ cao trên 1.200 m so với mực nước biển. Thiên nhiên ở nơi đây thật hùng vĩ, hiểm trở, trùng điệp với những vách đá dựng đứng, những mũi đá tai mèo sắc nhọn do sự bào mòn của nắng, gió khắc nghiệt.

 Những ngọn núi đá không giữ nổi những giọt “vàng trắng” cho bà con dân bản. Mưa bao nhiêu, nước lại ngấm qua những khe đá nứt nẻ “chạy” mất tăm. Nguồn nước sinh hoạt được dân bản lấy từ những mó nước, hốc đá, khe suối hoặc lu chứa nước. Nhưng mùa khô đến, nước ở những hốc đá, khe suối cũng bị khô kiệt. Để có nước dùng cho sinh hoạt, bà con ở thôn Má Lầu có khi phải vượt bộ hàng chục cây số đồi núi, mới gùi nổi một can nước mang về.

Thấu hiểu sự vất vả của bà con dân tộc thôn Má Lầu, Agribank đã hỗ trợ 15 tỉ đồng để xây hồ treo, giúp “giải khát” cho 92 hộ gia đình với gần 500 nhân khẩu có nước phục vụ cho sinh hoạt. Được chứng kiến niềm vui của bà con dân bản nơi đây khi biết tin thôn mình sắp có hồ treo chứa những giọt “vàng trắng” phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày, chúng tôi mới cảm nhận hết được giá trị của món quà an sinh xã hội mà Agribank hỗ trợ.


Một hồ treo ở cao nguyên đá Đồng Văn

Ông Sùng Cháy Ly thôn Má Lầu cười tươi nói: “Vui quá! Bà con dân bản mình sẽ không còn phải vất vả đi lấy nước hàng chục cây số nữa rồi. Bao đời nay, mùa khô đến gia đình tôi phải thay nhau đi lấy từng can nước về để dùng cho sinh hoạt mất rất nhiều thời gian. Nếu hồ treo xây dựng xong, mùa khô đến nỗi lo thường trực đi lấy nước sẽ không còn”.

Cùng chung niềm vui với ông Ly, ông Sùng Sìa Sá thôn Má Lầu cho biết, đây là ước mơ bao đời nay của người Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn. Đi lấy nước là một việc cực nhọc nhất, vất vả hơn cả việc đi làm nương. Nhiều khi một gùi nước lấy về đến nhà bị hao hụt mất một nửa, có khi phải xếp hàng cả buổi mới đến lượt ở các mó nước, hốc đá nơi nước ngầm chảy ra.

Công nghệ hồ treo được tiến hành thử nghiệm thành công với dung tích khoảng 3.000 m3 được xây dựng năm 2002 tại bản Xà Phìn B (xã Xà Phìn, Đồng Văn). Giờ đây trên địa bàn 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn có 77 hồ chứa nước đã, đang thi công và đưa vào sử dụng, với tổng dung tích 477.497 m3, tổng vốn đầu tư trên 810 tỉ đồng, cung cấp nước cho gần 50.000 người.

Năm 2011 Agribank đã tài trợ hơn 200 tỉ đồng cho công tác an sinh xã hội, năm 2012 dự kiến chi cho công tác này khoảng 400 tỉ đồng đồng.

Những giọt nước mát trên cao nguyên đá Đồng Văn chứa đựng trong hồ treo sẽ quý hơn vàng mỗi khi mùa khô về. Và con đường đưa nước về bản để "giải cơn khát" sẽ bớt đi nỗi nhọc nhằn của bà con dân tộc ở cực Bắc của Tổ quốc.

Tại buổi tiếp và làm việc với lãnh đạo Agribank, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông cho biết, hiện nay tỉ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn là 30 lít/người/ngày, đến năm 2020 nâng tỉ lệ này lên 50 lít/người/ngày. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có tổng số 219 hồ treo sẽ làm dịu cơn khát nước sinh hoạt cho người dân 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, ổn định cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng cao.

Năm 2011, tỉ lệ hộ nghèo của Hà Giang là 35,38%. Riêng 6 huyện thuộc nhóm những huyện nghèo nhất nước, tỉ lệ hộ nghèo là 53,21%. Năm 2012, Hà Giang đặt mục tiêu là giảm trên 5% số hộ nghèo toàn tỉnh, riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm tỉ lệ hộ nghèo 7%. Với các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Đảng, Nhà nước và các DN, trong đó có sự hỗ trợ của Agribank, hy vọng người dân vùng biên giới cực Bắc của Tổ quốc sẽ có thêm động lực vượt qua đói nghèo.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm