Các quan chức Ấn Độ hôm 5/1 cho biết ít nhất 6 bang đã và đang tăng cường nỗ lực ngăn chặn hai chủng cúm H5N1 và H5N8 đe dọa gia cầm và chim hoang dã.
Các quan chức ở bang Himachal Pradesh, miền bắc nước này cho biết hàng nghìn con chim chết đã được phát hiện vào tuần trước xung quanh một hồ nước ở Himalaya, khu vực có bầy chim di cư đi qua để tránh mùa đông.
“Tại Hồ Pong, báo cáo cho thấy 2.400 con chim di cư đã chết vào tuần trước. Tới đầu tuần này, hơn 600 con chim lại tiếp tục chết”, Archana Sharma, người đứng đầu khu bảo tồn thiên nhiên bang, cho biết.
Chủng virus H5N1
Các mẫu đã được gửi để phân tích đến Viện An toàn cao về Dịch tễ Thú y Quốc gia (NIHSAD), xác nhận rằng những con gia cầm đã mắc bệnh cúm H5N1. Hầu hết các loài chim hoang dã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là ngỗng hổ từ các vùng núi cao của Trung Á, hàng ngàn con di cư đến Nam Á vào mỗi mùa đông.
Chính quyền địa phương đã cấm buôn bán và xuất khẩu gia cầm trong khu vực và tăng cường kiểm soát trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus.
Ngoài ra ở phía bắc, Punjab cũng bị ảnh hưởng và các nhà chức trách của bang Haryana đang báo động sau cái chết bí ẩn của gần 150.000 con gà tại một số trang trại ở quận Barwala.
Hơn 20 trang trại cho biết đàn gia súc của họ đã bị xóa sổ bởi một “căn bệnh chưa rõ” trong khi kết quả xét nghiệm đang chờ xử lý.
Chủng virus H5N8
Ở bang Kerala, miền nam nước này, 35.000 con gia cầm đã bị tiêu hủy sau khi phát hiện khoảng 12.000 con vịt chết vì virus H5N8. Các nhà chức trách cho biết việc lệnh tiêu hủy đã được ban bố trong vòng một km tính từ nơi bùng phát để ngăn chặn dịch lây lan.
Được biết, gần 600 con quạ đã chết vì H5N8 vào tuần trước ở Rajasthan (phía tây), nơi đã có khoảng 4.500 con quạ và diệc chết vì dịch cúm gia cầm trong những tháng gần đây. Các quan chức ở Madhya Pradesh cho biết 160 con quạ được tìm thấy đã chết ở thị trấn Indore.
H5N8 đã hoành hành ở một số quốc gia kể từ đầu năm 2020, bao gồm cả Nhật Bản, nơi có khoảng 150.000 con gia cầm bị giết chết vào tháng 12.
Ấn Độ đã trải qua các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm trong những thập kỷ gần đây, trong đó nghiêm trọng nhất là vào năm 2008 với chủng virus H5N1, khiến hàng triệu con gia cầm bị tiêu hủy.