| Hotline: 0983.970.780

Thảm cảnh ở các cơ sở y tế Hà Tĩnh

‘Ăn đong’ vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm

Thứ Tư 10/05/2023 , 13:45 (GMT+7)

Hà Tĩnh Các bệnh viện không thiếu tiền mua vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, nhà sản xuất không khan hiếm nguồn hàng. Bản chất nằm ở việc đấu thầu tập trung không thành công.

Bệnh viện “ăn đong” trong khi quầy thuốc dư nguồn cung

Trở lại trường hợp bệnh nhân T.Q.H, ở phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh, điều trị nhiễm trùng do tháo phương tiện kết hợp xương tại Bệnh việt đa khoa (BVĐK) Hà Tĩnh hồi tháng 3/2023, theo xác nhận của ông Bùi Hoàng Dương, Trưởng khoa dược (BVĐK Hà Tĩnh), ở thời điểm đó, bệnh viện không chỉ thiếu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm mà ngay một số loại thuốc điều trị cũng không có để điều trị cho bệnh nhân.

BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đang tìm mọi cách dự trữ vật tư y tế để phục vụ điều trị cho bệnh nhân trong thời gian chờ kết quả đấu thầu lại 11/17 phần đấu gần nhất chưa thành công. Ảnh: Thanh Nga.

BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đang tìm mọi cách dự trữ vật tư y tế để phục vụ điều trị cho bệnh nhân trong thời gian chờ kết quả đấu thầu lại 11/17 phần đấu gần nhất chưa thành công. Ảnh: Thanh Nga.

“Rất nhiều thời điểm, thậm chí hiện tại, các vật tư y tế như Sonde Foley 2 nhánh, Canyn ngáng lưỡi, nội khí quản, vòng thắt tĩnh mạch thực quản, túi đựng máu, Acid Citric hay thuốc Solu Medrol… trong kho bệnh viện đang thiếu. Để điều trị, các bác sỹ phải kê đơn cho người nhà bệnh nhân ra mua ngoài nếu bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đồng ý hoặc chuyển viện cho bệnh nhân.

Đáng nói, phần lớn các loại vật tư và thuốc nêu trên bệnh nhân có thể mua ở bất kỳ quầy thuốc lớn trên địa bàn TP Hà Tĩnh”, ông Dương chia sẻ.

Thực tế cho thấy, việc thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm tại các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Tĩnh hoàn toàn không phải vì các bệnh viện thiếu nguồn lực hay nhà sản xuất khan hiếm nguồn hàng. Vấn đề nằm ở chỗ việc đấu thầu không thành công 11/17 phần của 2 gói thầu năm 2022.

Rõ ràng “cú sốc” từ các vụ việc sai phạm trong mua sắm trang thiết bị trên toàn quốc thời gian qua hoặc giá thẩm định của Nhà nước thấp hơn giá thị trường rất nhiều đã khiến các nhà thầu không mặn mà, thậm chí sợ bán hàng cho Nhà nước.

Đây là một thực trạng đáng lo ngại và báo động, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền được khám chữa bệnh của người dân tham gia BHYT. Nếu cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh không đưa ra giải pháp căn cơ, kịp thời, e rằng công tác khám chữa bệnh và quyền lợi của người dân tham gia BHYT sẽ ảnh hưởng rất lớn.

Bài liên quan

Hệ lụy nhãn tiền là người bệnh vừa không được chăm sóc y tế đầy đủ tại các bệnh viện vừa phải gánh thiệt kép vì mua vật tư, thuốc điều trị với giá cao tại các quầy thuốc bên ngoài.

Dẫn chứng là trường hợp bệnh nhân mua thuốc Vancomycin 500mg. Theo người nhà bệnh nhân, dù cùng một loại thuốc, cùng một nhà sản xuất, mua cùng thời điểm nhưng có quầy bán giá 85.000 đồng/lọ, có quầy 90.000 đồng/lọ, thậm chí có quầy bán 135.000 đồng/lọ.

Một loại thuốc khác là Solu Medrol 40mg. Theo khảo sát, Nhà thuốc BVĐK Hà Tĩnh bán với giá 45.000 đồng/lọ nhưng Nhà thuốc Long Châu bán với giá 65.000 đồng/lọ; một số quầy thuốc khác bán trên dưới 90.000 đồng/lọ. Còn BHYT chi trả khi điều trị tại bệnh viện thường ở mức trên dưới 44.000 đồng/lọ.

Rất nhiều vật tư tiêu hao trong bệnh viện thiếu trầm trọng nhưng bệnh nhân có thể mua ở bất cứ quầy thuốc lớn ở trên địa bàn TP Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Rất nhiều vật tư tiêu hao trong bệnh viện thiếu trầm trọng nhưng bệnh nhân có thể mua ở bất cứ quầy thuốc lớn ở trên địa bàn TP Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Bà Trần Thị Bình Hà, nhân viên Nhà thuốc BVĐK Hà Tĩnh cho hay, thời gian vừa qua rất nhiều loại vật tư y tế và một số loại thuốc điều trị trong bệnh viện thiếu thì Nhà thuốc của bệnh viện và các quầy thuốc bên ngoài cơ bản có để cung cấp cho người bệnh.

Bệnh nhân kêu, bệnh viện kêu - Ai trả lời?

Trong bài viết trước, trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, lãnh đạo Sở Tài chính cho hay, trong khi đang chờ kết quả đấu thầu lại 11/17 phần chưa đấu thành công (dự kiến giữa tháng 7/2023 có kết quả), Sở Tài chính, Trung tâm tư vấn và dịch vụ tài chính Hà Tĩnh tiếp tục phối hợp Sở Y tế báo cáo, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý. Giải pháp trước mắt là đề nghị UBND tỉnh đồng ý cho phép các đơn vị tự tổ chức mua sắm để đảm bảo vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Giải pháp này dù là tạm thời nhưng cũng được xem như “phao cứu sinh” cho các cơ sở y tế.

Tuy nhiên, tại mục 15, thông báo Kết luận của UBND tỉnh Hà Tĩnh, ngày 27/4 thì UBND tỉnh này giao: “Sở Y tế chịu trách nhiệm kiểm tra, chỉ đạo cơ sở y tế tổ chức thực hiện mua sắm kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, phục vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh”.

Ngay thuốc điều trị này bệnh viện thiếu buộc bệnh nhân phải ra mua ngoài với giá cao. Ảnh: Thanh Nga.

Ngay thuốc điều trị này bệnh viện thiếu buộc bệnh nhân phải ra mua ngoài với giá cao. Ảnh: Thanh Nga.

Một lãnh đạo bệnh viện sau khi tiếp nhận thông báo này thở dài rằng, chỉ đạo của UBND tỉnh đã không đưa ra được hướng giải quyết cho thực trạng thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm đã và đang diễn ra hơn 9 tháng nay. Mấy từ đúng quy định, đúng pháp luật, chịu trách nhiệm ấy cứ ám ảnh trước những việc cụ thể trong thực tiễn cạnh những văn bản chung chung.

Một bệnh nhân điều trị tại BVĐK thành phố Hà Tĩnh bức xúc: “Chúng tôi mua BHYT nhưng khi nằm viện thuốc men, các xét nghệm đều phải đi mua và làm ngoài. Cứ kéo dài như thế này không khéo mai mốt bệnh nhân điều trị chỉ được hưởng BHYT mỗi tiền giường!”.

Hiện nay thỏa thuận khung đã hết hiệu lực vào ngày 28/4, các bệnh viện không thể ký hợp đồng tự mua sắm. Giả sử bây giờ bệnh viện tự mua sắm (gói dưới 100 triệu đồng) cũng vi phạm vì các mặt hàng vật tư, hóa chất, sinh phẩm thiếu đều thuộc danh mục mua sắm tập trung.

"Trong thời gian hơn 2 tháng chờ kết quả đấu thầu lại, nguy cơ thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm phục vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên toàn tỉnh khó tránh khỏi. Chưa kể, trường hợp đấu thầu lại không thành công, thực trạng thiếu hụt này chưa biết còn kéo dài đến bao giờ”, vị này nói.

Tại BVĐK Hà Tĩnh, việc huy động nguồn máu tình nguyện tại các địa phương là việc làm thường xuyên để phục vụ cấp cứu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện đơn vị chỉ còn 50 túi đựng máu, trong khi nhu cầu mỗi tháng bình quân trên dưới 600 túi.

“Để có vật tư phục vụ đợt hiến máu tình nguyện sắp tới, chúng tôi phải huy động mọi mối quan hệ để xin tài trợ. Hiện mới chỉ xin được 200 túi, con số này quá khiêm tốn. Chúng tôi rất lo nếu sắp tới đấu thầu không thành công, hoặc tỷ lệ thành công thấp như lần đấu thầu gần nhất thì bệnh viện không biết lấy nguồn vật tư, hóa chất, sinh phẩm đâu để điều trị cho bệnh nhân”, ông Bùi Hoàng Dương, Trưởng khoa dược nói.

Nhà thuốc Long Châu đang bán Solu Medrol 40mg với giá 65.000 đồng/lọ, thậm chí một số quầy khác bán với trên dưới 90.000 đồng/lọ. Còn BHYT chi trả khi điều trị tại bệnh viện thường ở mức trên dưới 44.000 đồng/lọ.

Nhà thuốc Long Châu đang bán Solu Medrol 40mg với giá 65.000 đồng/lọ, thậm chí một số quầy khác bán với trên dưới 90.000 đồng/lọ. Còn BHYT chi trả khi điều trị tại bệnh viện thường ở mức trên dưới 44.000 đồng/lọ.

Việc thực hiện đúng quy định pháp luật trong đấu thầu tập trung vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm là cần thiết nhưng trong bối cảnh công tác đấu thầu tập trung gặp nhiều khó khăn như hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh cần một giải pháp cụ thể, rõ ràng để các sở ngành và cơ sở y tế có căn cứ thực hiện, đảm bảo nguồn cung cho công tác khám, chữa bệnh, bảo vệ quyền lợi cho người dân tham gia BHYT.

Theo tìm hiểu, tại Hà Tĩnh do chưa có viện huyết học truyền máu riêng nên Ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện tỉnh giao BVĐK Hà Tĩnh là đơn vị duy nhất thu gom máu nhân đạo, sản xuất, cung cấp máu nhân đạo cho tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn.

Với thực trạng thiếu vật tư tiêu hao như hiện nay, nếu không dự trữ được nguồn máu thì một lúc nào đó bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân mất máu cấp khó tránh khỏi nguy cơ tử vong.

Xem thêm
Chọn phương án tối ưu để Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước dừng hoạt động

Chiều 6/1, Thủ tướng chủ trì phiên họp thảo luận việc kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nông nghiệp Bình Dương đóng góp từ 18.000-19.000 tỷ đồng/năm

Năm 2024, ngành NN-PTNT tỉnh Bình Dương đạt nhiều thành tựu nổi bật, duy trì đóng góp từ 18.000-19.000 tỷ đồng/năm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Về xứ Tuyên ở nhà trên núi

Nông thôn xứ Tuyên đang dần tìm lại bóng dáng làng xưa với niềm tự hào kiêu hãnh, cũng bởi lẽ đó nhiều khách phương xa muốn tìm về!