Tính đến nay, toàn tỉnh An Giang đã đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP được 138 sản phẩm đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên, có 2 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 13 sản phẩm 4 sao và 120 sản phẩm 3 sao của 99 chủ thể kinh tế (8 HTX, 1 tổ hợp tác, 24 doanh nghiệp, 66 là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh).
Trong đó, có 111 sản phẩm còn thời hạn chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên: gồm có 2 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 7 sản phẩm 4 sao và 99 sản phẩm 3 sao của 83 chủ thể kinh tế: 4 HTX, 1 tổ hợp tác, 21 doanh nghiệp, 57 là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh). Có 25 sản phẩm hết hạn công nhận 36 tháng và đang thực hiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lại theo quy định mới của Trung ương và 2 sản phẩm ngừng hoạt động sản xuất.
Ông Trần Thanh Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết, sau khi sản phẩm được công nhận OCOP, tỉnh đã tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá trên các phương tiện thông tin thị trường như: Bản tin thị trường nông sản, bản tin xúc tiến thương mại nông sản, bản tin khuyến nông An Giang. Cập nhật thường xuyên thông tin sản phẩm OCOP để tăng tin, bài trên cổng thông tin điện tử của các sở, ngành và bản tin của ngành Công thương, NN-PTNT, trên sàn thương mại điện tử, cổng nông thôn mới của tỉnh…
Đồng thời hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại TP Long Xuyên, TP Châu Đốc, các điểm dừng chân du lịch trên địa bàn các huyện. Vận động các chủ thể có sản phẩm OCOP tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP hội chợ triển lãm OCOP tại tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Quảng Ninh. Hội chợ sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024 tại huyện Thanh Oai, Hội chợ Thương mại Quốc tế - Tịnh Biên… Theo kế hoạch, đến cuối năm 2024, An Giang có thêm hơn 70 sản phẩm đánh giá, phân hạng Chương trình OCOP được công nhận.
Với chương trình Chợ phiên OCOP “Hương vị An Giang”, các cấp, ngành đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong kinh doanh, quảng bá sản phẩm đẩy mạnh hoạt động bán hàng trên TikTok. Từ đó giúp doanh nghiệp, HTX tiếp cận khách hàng giàu tiềm năng trên nền tảng mạng xã hội để bán các sản phẩm OCOP.
Đến tham gia chương trình, mới thấy không khí rộn ràng của Chợ phiên OCOP “Hương vị An Giang” trên nền tảng TikTok rất hấp dẫn. Những KOL nổi tiếng trên nền tảng TikTok, như: Hằng Du Mục (@hangkat6668), Thiện Nhân (@thiennhanreview), Phương Oanh Daily (@phuongoanhdaily), Huỳnh Bảo (@swatchesbybaobao), Huyền Phi (@huyenphi_97), Tạ Công Bằng (@tacongbang2000), Đan Chi (@danchi22_)… đã mang hơn 100 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của hơn 20 DN An Giang đến với người dùng TikToK trên cả nước.
Các sản phẩm nổi bật, gồm: Trà kim ngân hoa, mật hoa thốt nốt, đường thốt nốt, mắm cá linh chưng, cá linh kho mía, thốt nốt lon, bắp non đóng hộp, tương hột thốt nốt, tương xay, siro atiso đỏ (hoa bụp giấm), nấm linh chi, bánh hạnh nhân Tiến Anh, trà mãng cầu Thanh Nam, mật ong hoa tràm nguyên chất rừng tràm Trà Sư, mắm chao cá mè vinh... lần lượt được giới thiệu đến khách hàng trên cả nước thông qua khả năng hoạt ngôn, kỹ năng dẫn dắt của các KOL nổi tiếng.
Bà Lý Hứa Thị Lan Phương, đại diện Công ty TNHH Yến sào Bảy Núi chia sẻ, rất vui khi được tạo điều kiện trải nghiệm, tiếp cận với cách thức bán hàng, kinh doanh sản phẩm trên TikTok. Đây là trải nghiệm bổ ích, giúp các DN, chủ thể có thêm kỹ năng, kinh nghiệm bán hàng trên nền tảng mạng xã hội. Bà Lan Phương mong muốn tiếp tục được hỗ trợ kiến thức, kỹ năng để có thể khai thác hiệu quả cách bán hàng trên TikTok, bởi khách hàng hiện nay rất quan tâm đến việc mua sản phẩm thông qua nền tảng mạng xã hội này.
Chương trình OCOP tỉnh An Giang sẽ tiếp tục tập trung vào các chính sách, giải pháp hỗ trợ để thúc đẩy các chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm, tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng của địa phương. Chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất, từng bước tiếp cận thị trường gắn với chuỗi giá trị, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP đặc sắc, tăng giá trị. Ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản có lợi thế và có giá trị truyền thống, đặc thù của các địa phương trên cơ sở bảo tồn và phát huy ngành nghề nông thôn nhằm phát huy sức sáng tạo của người dân nông thôn.