Nghiên cứu của các nhà khoa học (Đại học Penn) đã tiến hành đối với 17 loại ung thư khac nhau từ năm 1966 đến năm 2020, phân tích các chỉ số từ hơn 19.500 người bệnh ung thư. Kết quả cho thấy, mặc dù nấm hương, nấm sò, nấm maitake và nấm sò vua có hàm lượng axit amin ergothioneine cao hơn nấm nút trắng, nấm cremini và nấm portobello. Tuy nhiên, những ai dùng gộp bất kể loại nấm nào vào chế độ ăn hàng ngày của họ, cũng đều có tác dụng giảm nguy cơ mắc ung thư.
Trong suốt nhiều thế kỷ, các nhà y học thực hành Trung Hoa đã sử dụng nấm- loại thực vật giàu hàm lượng vitamin, chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa, như một phương pháp điều trị nhiều loại bệnh, trong đó phổ biến nhất là bệnh về phổi. Một số hợp chất hóa học trong nấm được cho là có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch.
Nghiên cứu của Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) vừa được công bố trên tạp chí Advances in Nutrition.
Djibril Ba, nghiên cứu sinh Đại học Penn cho biết: “Nấm là nguồn cung cấp ergothioneine (một hợp chất axit amin có trong tự nhiên) cao nhất trong chế độ ăn, là một chất chống oxy hóa và bảo vệ tế bào tốt nhất. Nó cũng có thể giúp cơ thể kháng lại sự mất cân bằng oxy hóa- là nguyên nhân gây ra các bệnh nguy hiểm và giảm nguy cơ ung thư”.
Đồng tác giả John Richie, giáo sư khoa học sức khỏe cộng đồng cho biết: “Nhìn chung, phát hiện này cung cấp những bằng chứng quan trọng về tác dụng bảo vệ của nấm chống lại bệnh ung thư”. Ông John nói thêm, cần có các nghiên cứu trong tương lai để xác định rõ hơn các cơ chế liên quan và các bệnh ung thư cụ thể có thể bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng khuyến khích nên thận trọng trong việc giải thích nghiên cứu, và bước đầu nên chỉ đơn giản gọi những phát hiện mới này là "thú vị".
Helen Croker, trưởng nhóm nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới, cho biết: “Điều quan trọng là phải xem xét việc ăn nấm trong bối cảnh rộng hơn của các hành vi liên quan đến chế độ ăn uống và hoạt động thể chất của mỗi cá nhân. Các đánh giá của chúng tôi là những bài kiểm tra toàn diện nhất về tác động của các yếu tố lối sống đối với nguy cơ ung thư, tìm thấy một số bằng chứng cho thấy tiêu thụ trái cây và rau quả có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư và chúng cũng có thể làm giảm khả năng tăng cân quá mức- chỉ số nguy cơ cao đối với một số bệnh ung thư.
Bà Helen Croker nói, điều quan trọng là phải ăn nhiều loại trái cây và rau quả khác nhau để có được nhiều lợi ích nhất.
Sam Miller, trưởng bộ phận dinh dưỡng của Pure Nutrition tại Hồng Kông cũng đồng nhất quan điểm, nên ăn nhiều trái cây và rau quả hơn và không nên “đặt kỳ vọng sức khỏe vào một hoặc hai loại thực phẩm thần kỳ nào”.
Ông Miller nói: “Sức nặng của bằng chứng cho thấy chúng không tồn tại và không có một loại thực phẩm nào giúp bạn thực sự khỏe mạnh”.
Chuyên gia dinh dưỡng Fareeha Jay có trụ sở tại Anh, chuyên về chế độ ăn của người Nam Á, cho biết “Đây là kết quả đầy hứa hẹn, chúng ta nên bổ sung nấm trong chế độ ăn uống hàng ngày của mình - nhưng đồng thời bao gồm cả ngũ cốc nguyên hạt, chất xơ, rau và trái cây, vì chúng cũng có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại một số bệnh ung thư”.
Đặc tính dược liệu tiềm năng của nấm
Nấm hương được đánh giá cao trong một số nền văn hóa như một chất chống ung thư và toàn bộ các loại nấm, mộc nhĩ khô đều được sử dụng trong các bài thuốc thảo dược.
Hợp chất đường phức tạp beta glucan, một thành phần tích cực của lentinan, là một chiết xuất của nấm hương được cho là có tác dụng kích thích hệ thống miễn dịch và kích hoạt một số tế bào và protein trong cơ thể tấn công các tế bào ung thư. Trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nó dường như làm chậm sự phát triển của một số tế bào ung thư.
Ở Trung Quốc, một bộ tài liệu đồ sộ về 12 nghiên cứu đã xem xét chất lentinan được dùng trong hóa trị liệu ung thư phổi. Họ phát hiện ra rằng lentinan hoạt động trên hệ thống miễn dịch và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư phổi.
Ngoài ra nấm maitake đều được Nhật Bản và Trung Quốc dùng để điều trị bệnh tiểu đường và tăng huyết áp. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng chiết xuất maitake có thể kích thích hệ thống miễn dịch, giảm lượng đường trong máu và làm chậm sự phát triển của một số khối u.
Chiết xuất nấm Phellinus linteus đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ trong y học phương Đông vì nó được cho là có tác dụng thanh lọc cơ thể và kéo dài tuổi thọ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nó làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư vú trong phòng thí nghiệm. Nó cũng đã được chứng minh là có tác dụng chống ung thư đối với các tế bào ung thư da, phổi và tuyến tiền liệt.