Nhiều năm qua ở ĐBSCL khi mùa lúa hè thu (HT) vừa thu hoạch cũng là lúc nông dân vào mùa làm nấm rơm. Trồng nấm rơm bây giờ đã thành nghề.
Bên cạnh nấm tươi tiêu dùng trong nước, nấm rơm xuất khẩu (XK) hút hàng quanh năm. Năm nay nấm rơm trên đà lên hương. Đi qua những làng xóm trồng nấm đâu đâu cũng làm ăn nhộn nhịp, xôm tụ.
Cách làm mới
Vào những ngày này làng nấm rơm xã Tân Hòa, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) vẫn đông đúc ghe bán rơm tới lui nườm nượp trên sông. Trên bến dưới thuyền làm ăn nhịp nhàng. Từ dân chất nấm trên bờ tới thương lái chạy vỏ lãi buôn bán nấm tươi, nấm muối xuôi ngược dưới sông. Không ít người khá giàu lên nhờ nghề làm nấm rơm ở xã này.
Trong khi đó, ở Hậu Giang - một tỉnh thuần nông vừa chia tách cách đây 5 năm, nông dân trong tỉnh bây giờ rất mặn mà với cách trồng nấm rơm mới như một phương cách thoát nghèo. Đó là những hộ không đất, chỉ một khoảng sân nhỏ trước nhà hay bên lề đường họ đã trồng nấm thu bạc triệu. Vụ nấm HT năm nay nhờ vào dự án VIE/020 Bèo lục bình (sản xuất nông thủy sản bền vững và năng lượng tái tạo) do Trường Đại học Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang phối hợp thực hiện mô hình, trợ giúp kỹ thuật mới - trồng nấm cho năng suất cao gần gấp đôi so cách làm trước đây.
Hai anh em Phạm Văn Tám, Phạm Văn Tư nhà ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành (Hậu Giang). Trên nền sân trước họ làm nhà trồng nấm chỉ rộng 25m2, nhưng vụ nấm này anh Tư đã thu 6 đợt được 100kg nấm tươi, bán 12.000đ/kg, thu được 1,2 triệu đồng. Đó là chưa nói tới thu hoạch thêm 4 lần nữa mới hết.
Kỹ Sư Đỗ Văn Hùng, cán bộ khuyến nông huyện Châu Thành A – người tận tình hướng dẫn kỹ thuật và theo dõi mô hình nói: “Kỹ thuật trồng nấm rơm mới chủ yếu là cải tiến lót vỉ tre khi ủ rơm, bón lót vôi, đảo rơm, cách che đậy…, hiệu quả năng suất nấm tăng gấp đôi so cách trồng nấm trước đây và lãi sau khi trừ chi phí thu được hơn 50%".
Xuất khẩu nấm
Bây giờ ở vùng nông thôn ĐBSCL nông dân đã biết giá trị tận dụng từ rơm rạ. Trồng nấm đơn giản, dễ làm. Gia đình nông thôn nghèo nào dù có đất hẹp, vốn ít cũng làm được. Mùa nấm rơm năm nay dân trồng nấm cho biết trúng giá là nhờ hàng XK ăn mạnh.
Chị Trần Thị Bé, ở ấp Tân Hòa, xã Tân Phú, huyện Long Mỹ, Hậu Giang cho biết, giá nấm hiện thời 11.000-12.000đ/kg, tăng hơn gần gấp đôi năm ngoái. Bà con nông dân ở Long Mỹ hồi trước trồng nấm rơm cực nhọc lắm, còn nay đã có điện, có nước sạch nên thuận tiện cho việc trồng nấm, bơm tưới. Nấm rơm trồng bán chợ ngày rằm ăn chay hay giỗ, cưới, nhưng có trồng nấm hàng hóa nhiều cũng không lo. Sức ăn hàng mạnh từ các nhà máy chế biến nấm rơm XK trong vùng đều tới mua hết.
Nấm rơm VN bắt đầu XK từ cuối những năm 80 thế kỷ trước, sản lượng ban đầu 2.500 tấn/năm. Đến năm 2002 XK tăng lên 40.000 tấn, đạt kim ngạch 40 triệu USD. Hiện nay nhu cầu tiêu dùng thế giới cần hơn 20 triệu tấn nấm/năm, tốc độ tăng 3,5%. Thị trường tiêu thụ cao nhất là Mỹ, Nhật, Đài Loan và các nước EU. Dự kiến vào năm 2010 nước ta sẽ có sản lượng 1 triệu tấn nấm các loại với mức tổng doanh thu 7.000 tỉ đồng, trong đó nấm chế biến XK chiếm 50% và kim ngạch khoảng 200 triệu USD/năm.
Một DN chế biến XK nông sản ở Cần Thơ cho biết, trước đây ở ĐBSCL chỉ có Xí nghiệp chế biến thực phẩm Meko (LD Meko) “một mình một chợ” thu mua chế biến đóng hộp XK. Còn nay các tỉnh trong vùng đã có hơn 14 DN có nhà máy chế biến mặt hàng nấm rơm rau quả XK. Trong đó, riêng tại Long Mỹ có thêm hai nhà máy XK nấm rơm.
Ông Trần Minh, chủ DN tư nhân chế biến nông sản XK Trần Minh, huyện Long Mỹ cho hay, nấm rơm nước ta XK gặp “đối thủ” cạnh tranh lớn là nấm rơm Trung Quốc trên các thị trường nhập khẩu từ các nước. Tuy nhiên, nhờ chất lượng chế biến đảm bảo ngon, ngọt, hơn nữa phân loại chọn lọc theo từng size (cỡ) nên vẫn được khách hàng ưng ý. Mặt khác, nấm rơm Việt Nam trụ vững trên thương trường ở các nước EU, Mỹ… còn nhờ vào mùa vụ làm nấm không trùng với những những nước có sản lượng nấm rơm lớn trong khu vực. Quan sát thị trường nấm rơm XK nhiều năm qua cho thấy không ít lần biến động thăng trầm, song nhu cầu tiêu dùng thực phẩm rau quả từ các nước nhập khẩu vẫn không hề sút giảm. Hơn nữa, lợi thế kỹ thuật chế biến bây giờ đã yểm trợ người trồng nấm. Dù cho thị trường bất lợi, giá cả giảm sút, nấm rơm vẫn có thể dự trữ, chờ cơ hội tốt hơn.