| Hotline: 0983.970.780

Ăn nên làm ra nhờ chanh không hạt

Thứ Ba 05/11/2019 , 13:15 (GMT+7)

Bà Nguyễn Thị Huệ, 62 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Trường Thành, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ đã đạt thành tích xuất sắc về phát triển mô hình hợp tác xã, giúp nhiều hội viên thoát nghèo và vươn lên khá giả.

09-39-24_1_b_nguyen_thi_hue_dng_thu_gom_chnh_gio_cho_cong_ty_thu_mu
Bà Nguyễn Thị Huệ thu gom chanh giao cho công ty thu mua.

Bà Huệ là một cựu chiến binh từng nhận huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. Sau ngày nghỉ hưu, bà cùng chồng chăm sóc vuờn cây ăn trái, phát triển kinh tế gia đình. Nhân một lần đi thực tế tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, bà thấy mô hình trồng chanh không hạt mang lại hiệu quả cao. Từ đó bà mạnh dạn cải tạo vườn tạp, khởi nghiệp từ giống chanh này.

Theo bà Huệ, chanh không hạt có nguồn gốc từ Hoa Kỳ. Cây trưởng thành 4 năm tuổi có thể cho 3 - 4 tấn trái/công/năm. Trái to, vỏ mỏng, vị chua và thơm hơn nhiều giống khác nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Nguyễn Văn Mười Một, chồng bà là người hưởng ứng tích cực nhất. Tuy chân bị thương tật nhưng ông đã mở rộng diện tích trồng từ 400 cây ban đầu, nay lên đến 1.200 cây, xen sầu riêng. Ông phấn khởi cho biết, cây chanh không hạt lúc đầu là cây xóa đói giảm nghèo, bây giờ là cây ăn nên làm ra. Người trồng ít công chăm sóc, ít sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Sau vài đợt thu hoạch, bà Huệ thấy cây chanh không hạt dễ trồng, đạt năng suất cao, đầu ra ổn định nên bà có ý tưởng thành lập hợp tác xã để nhân rộng mô hình.

09-39-24_2_ong_nguyen_vn_muoi_motchong_b_hue_gioi_thieu_cy_chnh_khong_ht
Ông Nguyễn Văn Mười Một (chồng bà Huệ) giới thiệu cây chanh không hạt.

Được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh về kỹ thuật ghép, kinh nghiệm sản xuất, đặc biệt là sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phong Điền, tháng 11/2015 Hợp tác xã Chanh không hạt ấp Trường Thành được thành lập do bà làm giám đốc.

HTX hiện có 25 thành viên với vốn điều lệ 300 triệu đồng, diện tích canh tác 13,5ha. Ngoài ra, trong xã còn rất nhiều hộ trồng chanh không hạt ngoài HTX.

Bà Huệ cho biết, từ ngày thành lập đến nay, HTX đã tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân phát triển cây trồng, cung cấp giống tốt và sạch bệnh, bảo đảm đầu ra ổn định với mức thu nhập bình quân 30 triệu/công/năm. Bình quân mỗi xã viên có 5 công, sau khi trừ hết các chi phí (20%) còn lời trên 120.000 triệu đồng/năm. Có 7 xã viên thu lãi trên 200 triệu đồng/năm. Người thấp nhất cũng được 70 triệu.

Nhiều xã viên còn trồng xen rau màu dưới tán cây để lấy ngắn nuôi dài. Hiện nay các xã viên đã tích cực đăng ký trồng theo quy trình VietGAP, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

HTX không những sản xuất chanh thương phẩm mà còn bán cây giống cho nông dân trong và ngoài xã. Năm 2018 HTX thu hoạch trên 300 tấn trái, doanh thu trên 4 tỷ đồng, chưa kể tiền bán 10.000 cây giống với giá 12.000 đồng/cây.

09-39-24_3_chnh_do_x_vien_htx_chnh_khong_ht_p_truong_ho_sn_xut
Chanh không hạt do hợp tác xã của bà Huệ sản xuất.

Bà Huệ cho biết, giống chanh không hạt chỉ trồng sau 20 tháng là bắt đầu có trái chín, cây ít khi bị bệnh vàng lá, gân xanh, cũng ít bị sâu bọ, bọ chét, bọ xít đục trái như các loài cây có múi khác.

Tuy nhiên, để cây phát triển bền vững, năng suất, chất lượng cao, người trồng phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc, nhất là khâu chọn giống, xuống giống và phòng bệnh. Tuy là cây ít bị sâu bệnh nhưng cũng phải phòng ngừa bệnh vàng lá thối rễ.

Trần Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trường Long đánh giá, bà Huệ rất năng động, nhiệt tình, tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình, đặc biệt là phụ nữ thoát nghèo và vươn lên khá giả từ cây chanh không hạt. Ngoài ra, bà còn tích cực hỗ trợ người nghèo, vận động xây cất nhà tình thương cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn...

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.