| Hotline: 0983.970.780

Ân nhân của gia đình ngư dân Trung Quốc trên đảo Hoàng Sa

Thứ Tư 10/01/2018 , 14:30 (GMT+7)

Những ngày ở Hoàng Sa vào năm 1973, ông Trần Hòa và những người giữ đảo đã phải hứng chịu những trận bão lớn, rồi ra tay cứu nạn cả gia đình ngư dân Trung Quốc. Nhưng ấn tượng khó quên nhất được ông nhắc lại, đó là:

“Chim trên đảo nhiều vô kể, cả triệu, triệu con chim. Chim thấy người không thèm bay, nhưng khi đánh động thì trở thành đám mây che kín đảo”.
 

Ra tay cứu người

Tại đảo Hoàng Sa, chiếc tàu của ngư dân Trung Quốc vào đánh cá trái phép đã bị lực lượng giữ đảo bắt giữ, sau đó nhắc nhở và thả về. Nhưng khi chiếc tàu này ra biển thì gặp bão. Buổi chiều hôm đó, sóng biển xung quanh đảo bắt đầu cồn lên thành những gò lớn.

Ông Hòa và một số anh em leo lên tháp canh ở Trạm khí tượng Hoàng Sa để ngắm sóng. Khi bão bắt đầu nổi gió lớn, những người giữ đảo phát hiện ra chiếc thuyền chở cả gia đình ngư dân Trung Quốc đang chật vật tìm cách quay ngược vào đảo và có nguy cơ sắp chìm. “Tui thấy cái tàu nó trồi lên rồi trụt xuống thê thảm lắm. Vậy là anh em hô nhau ra cứu”, ông Hòa nhớ lại.

15-05-49_4_trm_thu_pht_song_di_rdio_tren_do_hong_s_nh_chup_nm_1940
Trạm Thu phát sóng radio trên đảo Hoàng Sa (Ảnh chụp năm 1940)

Anh em trên đảo ra hiệu cho tàu chạy vào hướng Tây kín gió và nước sâu sát bờ. Còn nếu chạy vào hướng Đông thì tàu sẽ chìm ngay tại rạn san hô. Khi con tàu Trung Quốc tấp vào đảo, những người trên đảo ào ra kéo dây neo buộc vào gốc cây và đón xuồng chở người. Tiếng mưa, tiếng gió bắt đầu trút xuống ầm ầm. Từ mái tháp canh có đường hứng nước luồn xuống hầm để lưu trữ. Tiếng nước réo ầm ầm dưới chân. Chỉ sau vài phút, sóng biển bắt đầu ùn lên cao và quét vào đảo. Theo ông Hòa thì “nếu chỉ chậm chân một chút thì cả gia đình ngư dân Trung Quốc đều bỏ mạng”.

Thời đó, người dân Trung Quốc rất nghèo khổ, lam lũ. Trên chiếc tàu gỗ này là 8 người trong một gia đình. Một cặp vợ chồng già, vợ chồng con trai và đôi vợ chồng trẻ con trong nhà và 2 cháu nhỏ. Cả gia đình ngư dân Trung Quốc chạy vào đảo, không mang được thứ gì, chỉ có cô con dâu xách theo một túi đựng quần áo, cậu con trai mang được chiếc dao cạo râu chạy pin mua của ngư dân Đài Loan. Gia đình ngư dân Trung Quốc được anh em trên đảo chăm sóc, bố trí cho nơi ở riêng trong căn phòng. Ông Hòa nhờ ông Hiệp chỉ cho vài tiếng Trung Quốc để nói chuyện và chỉ nhớ được mỗi từ mời ăn cơm là “xà phành”.

Khi bão tan, cả hòn đảo xơ xác, cây cối bay trụi lá, còn chiếc tàu gỗ của ngư dân Trung Quốc thì biến mất, chỉ còn dính lại sợi dây neo. Kể từ ngày đó, những người giữ đảo phải nhường cơm để nuôi gia đình ngư dân Trung Quốc.

Ông Võ Vĩnh Hiệp vui tính ở trạm khí tượng tiếp tục làm phiên dịch vì biết nói tiếng Quảng Đông. Ngày nào cha con lão ngư dân cũng đi vòng quanh đảo, cứ thấy tàu cá Trung Quốc ở phía xa thì vẫy liên tục, nhưng chưa con tàu nào chịu dừng. Suốt nửa tháng ròng, gạo trên đảo thì cũng sắp cạn nhưng không có tàu cá Trung Quốc nào dám vào gần đảo, vì sợ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Trước tình hình trên, ông Hòa và anh em thuyết phục ngư dân Trung Quốc chịu khó chèo chiếc xuồng ra xa đảo để chặn đầu tàu cá Trung Quốc. Đứng trong bờ, ông Hòa thót tim vì thấy chiếc xuồng nhỏ chập chờn trên sóng. Sau này, tàu cá Trung Quốc vào vớt người nói rằng, thấy trong đảo vẫy nhưng sợ vào vi phạm và bị bắt. Trước khi gia đình người Trung Quốc rời đi, họ đã ứa nước mắt, bịn rịn nhờ ông Hiệp phiên dịch lại rằng: “Suốt đời chúng tôi không quên những người Việt Nam đã cứu vớt tính mạng”.

Ông Hòa trầm ngâm cho biết: “Thời đó chiến tranh loạn lạc, sống nay chết mai nên không ai nghĩ ra việc hỏi tên, quê quán của những ngư dân Trung Quốc. Bây giờ chỉ hồi tưởng lại và mong cho họ sống yên bình. Nhưng nghĩ đến họ mà lại căm tức cách hành xử của lính Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam bây giờ. Hồi đó mình cứu dân họ, nhưng bây giờ họ lấy tàu đâm chìm thuyền của ngư dân mình là điều không thể nào chấp nhận được".
 

Chim chơi với người

Đảo Hoàng Sa vào thời điểm đó có thể gọi là đảo chim. Ông Hòa không thể quên hình ảnh chim nhiều đến mức bay đen cả bầu trời đảo. Khắp mặt đất, chỗ nào cũng có tổ chim hải âu. Chim nằm la liệt trên mặt đất, trên cây, trên tảng đá để ấp trứng. Người thành động vật vô hại đối với chim.

Có lần, tàu hộ tống hạm Chí Linh đi tuần tiễu và cập vào đảo. Do trên tàu thiếu lương thực nên mọi người tính đến chuyện bắt thêm hải sản và chim để cải thiện bữa ăn. Những người giữ đảo đề nghị được cho đi qua thăm đảo chim. Vì sống ở đảo Hoàng Sa mấy tháng nhưng không đặt chân lên đó được. Thuyền trưởng hộ tống hạm Chí Linh đồng ý đưa ông Hòa và anh em sang đảo bên cạnh để thu trứng chim. Tại hòn đảo này, mọi người có cảm giác như bước đi trên cõi thiên đường. Hòn đảo tuyệt đối hoang sơ, tinh khiết, sạch sẽ. Cát quanh đảo trắng xóa và không vương cộng rác nào. Chim trên đảo dày đặc, bay trên bầu trời như một đám mây di động và phát ra âm thanh ầm ĩ như rừng chim U Minh. Chỉ khoảng một tiếng đồng hồ, anh em giữ đảo đã nhặt đầy một xô trứng chim.

Những ngày cuối cùng ở đảo, ngoài khơi tự dưng trôi vào những đám dầu cục như dầu hắc ín. Anh em trên đảo đi dạo và nhặt về trộn với dầu rồi mang ra viết khẩu hiệu khắp nơi, ghi lại bút tích của người trẻ ra giữ đảo Hoàng Sa. Khi Tết Nguyên Đán năm 1974 chỉ còn cách vài ngày, chiếc tàu chở người ra đổi quân giữ đảo. Món quà từ Hoàng Sa được ông Hòa mang về cho gia đình, đó là cá khô, ốc gân.

Khi những người giữ đảo ra thay thế vào đầu năm 1974 và ở đảo chưa được bao lâu thì xảy ra trận hải chiến Hoàng Sa, Trung Quốc đánh chiếm đảo. Thời điểm đó, ông Hòa và tất cả những người từng đi quân dịch và từng ra đảo Hoàng Sa đều được đưa vào danh sách bổ sung quân sẵn sàng ra tái chiếm đảo, tinh thần, không sợ hy sinh.

Sau giải phóng, ông Hòa trở về với đời thường, vẫn thường xuyên trị bệnh cứu người. Gia đình ông sinh sống tại khối phố Long Xuyên 1, thị trấn Nam Phước, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã  'Sóng ngầm' ở vùng biên: [Bài 2] Cận cảnh gã 'đồ tể' xẻ thịt thú rừng

Người đàn ông bóp 'cò' chiếc khò ga, một ngọn lửa xanh lè phun lên mình con voọc chà vá đang nằm co quắp, cứng đơ trên tấm ván gỗ. Mùi lông cháy khét lẹt…

Bình luận mới nhất