An ninh nguồn nước và nghịch lý cung - cầu
Nói về tầm quan trọng của an ninh nguồn nước, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã trích dẫn câu nói của nguyên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon: “Nước là nguồn tài nguyên thứ hai của mỗi quốc gia sau tài nguyên con người”. Và nói đến an ninh nguồn nước, thì hai vấn đề quan trọng nhất là quản trị nguồn nước và cân bằng nước.
Tại Việt Nam, tổng lượng nước mặt trung bình của tất cả các con sông vào khoảng 843 tỷ m3 (trong đó 62% sản sinh ở bên ngoài lãnh thổ, còn lại là nguồn nước nội sinh). Tuy nhiên, nguồn nước phân bố không đồng đều trong lãnh thổ dẫn đến tình trạng căng thẳng về nước theo mùa với sự bất cân đối giữa cung, cầu và có xu hướng gia tăng.
Điều này làm cho công tác điều phối, phân bổ nguồn nước cho các mục đích phát triển kinh tế rất khó khăn. Việt Nam cũng dễ bị tổn thương do sự thàn phá nặng nề của nước. Nguồn nước dưới đất khá dồi dào, nhưng phân bố rất không đồng đều theo không gian.
Ngoài nước mặt, niềm năng nguồn nước dưới đất của Việt Nam là tương đối lớn, ước khoảng 63 tỷ m3/năm, tập trung chủ yếu ở các khu vực đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên.
Theo một báo của Viện Quy hoạch Thủy lợi năm 2010, lượng nước đã khai thác, sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam hàng năm trên lãnh thổ Việt Nam hàng năm khoảng 100 tỷ m3/năm, dự báo đến năm 2030 sẽ cần khoảng 111 tỷ m3/năm. Tỷ trọng nhu cầu nước của ngành nông nghiệp chiếm khoảng 83-85%.
Hơn 70% dân số có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các thiên tai liên quan đến nước. Việt Nam là một trong các quốc gia hứng chịu thiên tai nhiều nhất trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, với xu hướng lũ lụt và hạn hán gia tăng.
Một báo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố thông tin, chỉ hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hàng ngày thải ra môi trường khoảng 900.000m3 nước, khiến nguồn nước mặt tại nhiều con sông, điển hình như sông Nhuệ, sông Đáy bị ô nhiễm từ trung bình đến nặng.
Ô nhiễm nguồn nước rất đáng báo động
Còn theo thống kê của Bộ Y tế, trong các bệnh truyền nhiễm gây dịch ở Việt Nam thì bệnh tiêu chảy (là bệnh có liên quan tới ô nhiễm môi trường nước) đứng đầu danh sách về tổng số ca bệnh bị mắc trên toàn quốc. Thậm chí đã xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước cung cấp cho các nhà máy nước sinh hoạt, làm gia tăng chi phí sản xuất nước sạch. Một số nhà máy không đủ khả năng xử lý đã phải dừng hoạt động.
Ô nhiễm nguồn nước cũng gây thiệt hại không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản. Thống kê sơ bộ cho thấy, trong giai đoạn 2014 - 2018, những vụ tôm, cá chết hàng loạt do chất lượng nước nuôi không đảm bảo dẫn đến dịch bệnh, gây ra thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế, từ đó nảy sinh các mâu thuẫn, xung đột trong xã hội.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2019, lượng nước mặt bình quân đầu người của nước ta chỉ đạt 3.840m3/người/năm, thấp hơn chỉ tiêu 4.000m3/người/năm của Hội Tài nguyên Nước quốc tế. Hiệu quả sử dụng nước của Việt Nam hiện tại thấp, với mỗi đơn vị (m3) nước chỉ tạo ra 2,37 đô la GDP, khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 đô la.
Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công, tăng giá trị kinh tế của các loại cây, con. Hệ số quay vòng đất đang tăng (2 vụ lên 2,5 - 3 vụ thậm chí có nơi 4-5 vụ). Đồng thời với đó là yêu cầu cấp thoát nước không chỉ cho lúa mà cho cả hoa màu, cây công nghiệp, cây ăn quả sẽ tăng lên.
Trong khi hạ tầng thủy lợi nhiều nơi đang xuống cấp, lạc hậu, chưa được đầu tư nâng cấp tương xứng để đáp ứng kịp nhu cầu phát triển nền nông nghiệp hàng hóa. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản, diện tích cây trồng cạn có thế mạnh, có thị trường như cà phê, hồ tiêu... đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây, đòi hỏi phải bổ sung hệ thống công trình thủy lợi, thì vốn đầu tư cho hạ tầng thủy lợi lại có xu hướng giảm xuống trong thời gian gần đây.
Hoạt động phát triển thủy điện thượng nguồn, hoạt động khai thác cát (hút cát) trên các con sông có thể là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở bờ, lòng sông, các khu dân cư ven kênh rạch vùng ĐBSCL, hạ thấp lòng dẫn sông tại Đồng bằng sông Hồng, dẫn đến một số công trình cấp nước bị “treo”, vì cao trình mực nước không đáp ứng.
Tại Trung bộ, vụ hè thu năm 2019, toàn vùng thiệt hại hơn 44.700ha cây trồng do hạn hán, thiếu nước và gây ảnh hưởng việc cấp nước sinh hoạt cho khoảng 139.000 hộ dân. Vụ đông xuân năm 2019 - 2020 có 2.800 ha diện tích cây trồng bị thiệt hại, khoảng 23.500ha phải điều chỉnh giãn, dừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và hơn 31.400 hộ dân bị khó khăn về nguồn nước.
An ninh nguồn nước - vấn đề cấp bách
Còn tại Đồng bằng sông Cửu Long, từ sau năm 2012, các hồ chứa lớn phía Trung Quốc trên sông Lan Thương và các thủy điện dòng nhánh hoạt động đã có tác động lớn đến dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long, gây nên biến đổi quy luật xâm nhập mặn.
Phạm vi xâm nhập mặn cũng tăng so với trước đây, ranh mặn 4g/l xuất hiện thường xuyên hơn tại vị trí cách cửa sông Cửu Long 60km thay vì chỉ xảy ra vào những năm cao điểm như thời kỳ trước năm 2012. Đặc biệt, kỳ xâm nhập mặn năm 2015 - 2016 gây thiệt hại 405.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng việc cấp nước sinh hoạt cho khoảng 210.000 hộ dân.
Việc các quốc gia ở thượng nguồn các sông quốc tế triển khai đầu tư xây dựng, hoặc có kế hoạch xây dựng các hồ thủy điện, công trình lấy nước, công trình chuyển nước liên lưu vực sông, dự báo sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến vùng hạ du tại Việt Nam.
Ủy hội sông Mê Kông:
Phù sa về ĐBSCL có thể giảm 97%
Theo nghiên cứu của Hội đồng Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế, khi các công trình thủy điện hoàn thành xây dựng, đi vào vận hành sẽ tác động bất lợi vô cùng lớn đến chế độ dòng chảy, phù sa, chất dinh dưỡng, môi trường, sinh kế của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long của nước ta (dự kiến lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long có thể giảm 97% ở thời điểm năm 2040).