| Hotline: 0983.970.780

Không phát triển chăn nuôi khi chưa kiểm soát được an toàn dịch bệnh

Thứ Sáu 31/05/2024 , 17:41 (GMT+7)

Theo ông Lê Quốc Thanh, nếu không kiểm soát được an toàn dịch bệnh sẽ tạo ra những rủi ro cho hộ sản xuất, ngành chăn nuôi, sức khỏe cộng đồng, môi trường.

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, muốn phát triển chăn nuôi không có con đường nào khác ngoài sản xuất an toàn. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, muốn phát triển chăn nuôi không có con đường nào khác ngoài sản xuất an toàn. Ảnh: Trung Quân.

Sáng 31/5 tại Hà Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NN-PTNT Hà Nam tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, tạo sản phẩm an toàn thực phẩm nhằm phát triển chăn nuôi bền vững”.

Xu thế tất yếu

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn (trên 25%) trong cơ cấu ngành nông nghiệp, là sinh kế quan trọng của hơn 10 triệu hộ gia đình nông thôn.

Năm 2023, với tổng đàn lợn hơn 30 triệu con, gần 9 triệu con trâu, bò, hơn 500 triệu con gia cầm, ngành chăn nuôi đã tạo ra lượng sản phẩm thịt, trứng, sữa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu (năm 2023, xuất khẩu sản phẩm động vật trên cạn của Việt Nam đạt trên 515 triệu USD).

Tuy nhiên, hoạt động chăn nuôi đã và đang đối diện với nhiều mối đe dọa từ các bệnh động vật xuyên biên giới, bệnh lây truyền từ động vật sang người, bệnh mới và tình trạng kháng kháng sinh, bệnh lây truyền qua thực phẩm...

Bên cạnh đó, với đặc điểm chăn nuôi, giết mổ động vật nhỏ lẻ còn phổ biến, hạ tầng hạn chế, an toàn sinh học chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất, nguy cơ môi trường ô nhiễm rất cao, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đường biên giới dài với nhiều đường mòn, lối mở, khó kiểm soát buôn bán động vật, sản phẩm động vật. Việc hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện các hiệp định thương mại với nhiều quốc gia trên thế giới, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam ngày càng gia tăng, nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm, lây lan nhanh ở phạm vi rộng là rất lớn.

Do đó, chăn nuôi an toàn sinh học là một xu thế tất yếu để đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả và bền vững.

Đại diện Cục Chăn nuôi chia sẻ, mục tiêu của Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 là công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.

Sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.

Để đạt được mục tiêu này, việc phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững, chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật được xem là biện pháp an toàn nhất để bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi, tạo sản phẩm an toàn thực phẩm.

Trong đó, người chăn nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc chung của an toàn sinh học, thực hiện đầy đủ 3 nội dung: cách ly, làm sạch và khử trùng. Thực hiện kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm (giống, thức ăn, quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, công tác thú y, kiểm soát trang trại, ghi chép, thu gom xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng, khí thải, vận chuyển kiểm soát ra vào trại…).

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, muốn phát triển chăn nuôi không có con đường nào khác ngoài sản xuất an toàn. Nếu không kiểm soát được an toàn dịch bệnh không nên chăn nuôi. Bởi lẽ, khi mất kiểm soát trong chăn nuôi không chỉ tạo ra những rủi ro cho chính hộ sản xuất mà còn tạo rủi ro cho cả một nền sản xuất, sức khỏe cộng đồng, môi trường.

Mặt khác, thị trường trong nước và thế giới ngày càng có những đòi hỏi cao hơn, không chỉ mua sản phẩm mà mua cả quy trình tạo ra sản phẩm nên hoạt động chăn nuôi không tự nâng tầm để theo kịp thị trường chắc chắn sẽ thụt lùi.

Sớm tháo gỡ khó khăn

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận, chỉ rõ những khó khăn và giải pháp về chính sách ưu đãi, kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, thông tin, tuyên truyền, liên kết sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm phát triển chăn nuôi an toàn sinh học hiệu quả.

Nhiều đại biểu cho rằng, hiện tại chăn nuôi an toàn sinh học chỉ được thực hiện tốt tại các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại. Phần lớn cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ, nhỏ lẻ việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong quá trình chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, chuồng trại, điều kiện cách ly không đáp ứng.

Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học đang đối diện với nhiều khó khăn, cần sớm có giải pháp cụ thể tháo gỡ. Ảnh: Trung Quân.

Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học đang đối diện với nhiều khó khăn, cần sớm có giải pháp cụ thể tháo gỡ. Ảnh: Trung Quân.

Tại các vùng chăn nuôi tập trung với mật độ cao, nguy cơ ô nhiễm môi trường, dễ phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm. Nhận thức của một bộ phận người chăn nuôi về an toàn sinh học còn hạn chế.

Việc kiểm soát buôn bán động vật, sản phẩm động vật, vận chuyển, giết mổ, đặc biệt là giết mổ nhỏ lẻ tại các chợ truyền thống còn nhiều khó khăn, nguy cơ lan truyền mầm bệnh là rất cao… Đây là những rào cản cần sớm được tháo gỡ để mở đường cho chăn nuôi an toàn sinh học nhân rộng.

Đại diện Sở NN-PTNT Thái Bình cho biết, các địa phương cần thực hiện rà soát, quy hoạch ngành chăn nuôi, khu giết mổ tập trung; bổ sung quy hoạch vùng chăn nuôi, đối tượng vật nuôi chủ lực hợp lý, ưu tiên vật nuôi có thị trường và khả năng chống chịu dịch bệnh.

Song song đó, khuyến khích cá nhân, tổ chức đầu tư chăn nuôi tại các vùng, khu quy hoạch, chăn nuôi áp dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm môi trường theo quy định để có sản phẩm an toàn. Tạo quỹ đất để thu hút các doanh nghiệp hạt nhân tham gia đầu tư các trang trại “lõi” vào chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Đại diện Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ, thông qua các mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, theo hướng hữu cơ Tập đoàn triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước cho thấy, tuy giá cả lợn hơi bấp bênh nhưng lợn nuôi theo quy trình tuần hoàn, khép kín và liên kết với Tập đoàn luôn tiêu thụ ổn định. Người nuôi có lãi 500.000-1 triệu đồng/con/lứa (cao hơn so với lợn nuôi thông thường).

Bên cạnh đó, các hộ còn thu được phân đệm lót để sử dụng cho trồng trọt hoặc bán thu được 70.000-100.000 đồng/con/lứa (4 tháng). Ngoài ra, mỗi con lợn hàng ngày chỉ dùng nước để uống, vừa giúp tiết kiệm được 85% lượng nước dùng, tiết kiệm tiền điện vừa giảm được việc xả thải 2.500 lít nước bẩn ra môi trường/4 tháng của 1 con lợn. Trang trại không có mùi hôi, thồi, hạn chế tối đa bệnh dịch.

Xem thêm
Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.