| Hotline: 0983.970.780

Cơ sở an toàn dịch bệnh làm bệ đỡ cho chăn nuôi

Thứ Hai 03/06/2024 , 09:00 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Huyện Bố Trạch đang tích cực triển khai các giải pháp xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh để tạo đà cho phát triển chăn nuôi bền vững.

Huyện Bố Trạch đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh để giảm thiểu thiệt hại trong chăn nuôi. Ảnh: T. Phùng.

Huyện Bố Trạch đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh để giảm thiểu thiệt hại trong chăn nuôi. Ảnh: T. Phùng.

Những năm gần đây, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã triển khai một số  chính sách hỗ trợ ngành chăn nuôi nên tạo đà phát triển số lượng tổng đàn gia súc cũng như chất lượng ngày càng được nâng lên.

Tổng số đàn trâu, bò trong nông hộ được duy trì và phát triển, tổng đàn lợn tăng so với cùng kỳ. Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch, đến nay, tổng đàn trâu bò có trên 24.500 con (trong đó đàn bò có gần 19.000 con), đàn lợn gần 63.000 con, và đàn gia cầm 960.000 con. Không chỉ phát triển về tổng đàn mà các mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, an toàn sinh học tiếp tục được đẩy mạnh ở các trang trại, hộ chăn nuôi.

Tuy nhiên, trong năm 2023, một số bệnh như dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục trâu bò, lở mồm long móng và cúm gia cầm… vẫn xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn huyện, gây ra những thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi.

Đặc biệt, bệnh dại tiềm ẩn nguy cơ phát sinh trong thời gian tới, do công tác quản lý đàn chó, mèo chưa được quan tâm. Kết quả tiêm phòng vacxin gia súc gia cầm và bệnh dại năm 2023 đạt thấp, chưa bảo đảm miễn dịch phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

Để phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi có hiệu quả, huyện Bố Trạch đã chỉ đạo các địa phương trích ngân sách mua hóa chất phục vụ cho nhiệm vụ phát triển chăn nuôi. Các trang trại chăn nuôi chủ động mua thêm các loại hóa chất, vôi bột, thực hiện vệ sinh, tiêu độc môi trường chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cho hay: “Công tác tiêm phòng cho gia súc gia cầm ở các trang trại thực hiện tốt. Các chủ trang trại chủ động tiêm phòng theo từng lứa nuôi và đạt tỷ lệ tiêm 100% tổng đàn”.

Chủ trương của huyện Bố Trạch là từng bước xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh và xác định đây là một trong những giải pháp cơ bản trong phòng, chống dịch, đồng thời là cơ sở để chuyển dần sang hình thức chăn nuôi an toàn sinh học.

Người chăn nuôi tại các địa phương ở huyện Bố Trạch chủ động trong việc tiêm phòng vacxin cho đàn trâu bò theo định kỳ. Ảnh: T. Phùng.

Người chăn nuôi tại các địa phương ở huyện Bố Trạch chủ động trong việc tiêm phòng vacxin cho đàn trâu bò theo định kỳ. Ảnh: T. Phùng.

Để triển khai tốt chủ trương này, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật huyện đã đưa ra các giải pháp, như nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thú y cơ sở để tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả.

Các ngành, địa phương liên quan tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Khuyến cáo người chăn nuôi không bán chạy, không vứt xác động vật ra môi trường. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch theo quy định.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thủy, để xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh thì công tác tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi là giải pháp tốt nhất và chi phí thấp nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh. “Do đó, huyện đã yêu cầu các địa phương phải thực hiện sớm công tác này và phải đạt được tỷ lệ tiêm phải trên 80% tổng đàn gia súc, gia cầm tại thời điểm tiêm phòng từng đợt”, ông Thủy nói thêm.

Bước vào đợt tiêm phòng đầu năm nay, huyện Bố Trạch hỗ trợ vacxin viêm da nổi cục tiêm phòng cho đàn trâu, bò của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Hỗ trợ 100% tiền mua vacxin dại để tiêm phòng cho đàn chó nuôi theo nhu cầu đăng ký của các địa phương. Nhiều địa phương đã nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi để tăng hiệu quả sản xuất.

Anh Lê Quốc Bảo, Tổ trưởng Tổ hợp tác Chăn nuôi vịt Vạn Lộc (xã Vạn Trạch), cho chúng tôi hay, Tổ hợp tác của đang nuôi khoảng 3.000 con vịt đẻ trứng. Để bảo đảm đàn vịt được sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, các thành viên luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.

“Định kỳ 6 tháng, chúng tôi tiêm vacxin phòng dịch cho đàn vịt 1 lần và thường xuyên phun thuốc khử trùng trong, ngoài chuồng. Đồng thời, bổ sung các loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng và vitamin C để tăng sức đề kháng cho vịt…”, anh Bảo chia sẻ.

Cho đến nay, huyện Bố Trạch là địa phương đứng đầu tỉnh Quảng Bình về xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Hiện, toàn huyện đã có 26 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh. Trong đó, có 21 cơ sở cấp trang trại, 2 cơ sở loại hình công ty, 1 cơ sở loại hình hợp tác xã và 2 cơ sở an toàn cấp xã”.

Xem thêm
Hàng nghìn con gà chết do nước bùn

LÀO CAI Mưa lớn, giông lốc khiến những hộ chăn nuôi gia cầm không bị trở tay. Hàng nghìn con gà của những hộ dân này đã bị chết do ngập nước, bùn vùi lấp.

Bắc Giang phấn đấu 1ha trồng trọt đạt 150 - 160 triệu đồng

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược Phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lê Tai Nung xóa nghèo cho đồng bào Mông

YÊN BÁI Từ vài ha trồng thử nghiệm, đến nay cây lê Tai Nung đã thành vùng hàng hóa gần 200ha, từng bước khẳng định hiệu quả kinh tế, xóa nghèo cho người dân Mù Cang Chải.

Bình luận mới nhất