| Hotline: 0983.970.780

An toàn sinh học là yêu cầu cấp thiết

Chủ Nhật 13/06/2021 , 20:24 (GMT+7)

Cũng như nhiều địa phương "đất chật, người đông" ở ĐBSH, chăn nuôi an toàn sinh học đang là vấn đề lớn đặt ra cho ngành nông nghiệp Nam Định.

Ngành chăn nuôi Nam Định gặp khó

“Dư địa của ngành chăn nuôi còn rất lớn, tốc độ tăng trưởng sẽ còn cao. Nếu chăn nuôi và thủy sản không tăng trưởng thì nông nghiệp sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ”. Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến trong buổi làm việc với UBND tỉnh Nam Định ngày 12/6.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cơ cấu ngành chăn nuôi của Nam Định với hơn 633.000 con lợn, hơn 37.000 con trâu bò, hơn 8 triệu con gia cầm cần phải được cơ cấu gắn với 3 trục sản phẩm là sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng và sản phẩm OCOP.

“Cơ cấu và định hướng chăn nuôi cần được định hướng rõ ràng. Chúng ta đã có chiến lược chăn nuôi, Luật chăn nuôi thì phải định hướng cho một thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa chứ không thể giữ lối phát triển theo phong trào như trước đây”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (phải) kiểm tra công tác chăn nuôi của tỉnh Nam Định. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (phải) kiểm tra công tác chăn nuôi của tỉnh Nam Định. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Nam Định, 5 tháng đầu năm 2021, chăn nuôi của địa phương tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Điển hình là dịch bệnh Covid-19 tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội đã làm giảm đáng kể nhu cầu sử dụng thực phẩm trong các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học, nhà hàng…

Giá thịt lợn hơi giảm 10.000 - 15.000 đồng/kg (giảm 15 - 18%), giá thức ăn chăn nuôi tăng từ 30% so với đầu năm; giá lợn giống luôn ở mức cao 2 – 2,5 triệu đồng/con.

Các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi như viêm da nổi cục, dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất chăn nuôi của tỉnh.

5 tháng đầu năm 2021, tổng đàn lợn của Nam Định đạt 633.228 con, tăng 0,1%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 79,42 nghìn tấn, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020, trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt 85 kg/con.

Đàn gia cầm của tỉnh đạt 8,83 triệu con, tăng 5,5%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 16.200 tấn, tăng 9,5%; sản lượng trứng gia cầm đạt 214,2 triệu quả, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Phương thức chăn nuôi của tỉnh tiếp tục có sự chuyển biến rõ rệt, tích cực theo hướng giảm tỷ lệ chăn nuôi nông hộ. Hình thức chăn nuôi trang trại tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp ngày càng được nhân rộng.

Toàn tỉnh hiện có 472 cơ sở chăn nuôi đạt quy mô chăn nuôi trang trại theo Luật Chăn nuôi, bước đầu đã hình thành mối liến liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.

Cơ cấu giống vật nuôi có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ lệ đàn vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và giống đặc sản phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho lợn, bò, chương trình Sind hóa, nâng cao tầm vóc đàn bò được triển khai nhằm tạo con lại năng suất, chất lượng thịt cao.

Tỉnh cũng thường xuyên khuyến cáo người chăn nuôi nhập con giống từ các cơ sở giống uy tín, an toàn dịch bệnh, không nhập giống không rõ nguồn gốc...

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành chăn nuôi phải được định hướng cho 1 thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa chứ không thể giữ lối phát triển theo phong trào như trước đây. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành chăn nuôi phải được định hướng cho 1 thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa chứ không thể giữ lối phát triển theo phong trào như trước đây. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hiện nay, hình thức chăn nuôi lợn trên địa bàn Nam Định vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, phân tán, nằm trong khu dân cư, khó áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch đất cho chăn nuôi, hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi ra vùng quy hoạch còn nhiều khó khăn, bất cập.

Việc triển khai Luật Chăn nuôi, đặc biệt là kê khai chăn nuôi nuôi còn nhiều khó khăn bất cập như đa số nhỏ lẻ, người chăn nuôi chưa chủ động, tự giác trong việc khai báo chăn nuôi, chưa có sự quan tâm chỉ đạo sát xao của chính quyền cơ sở.

Sản xuất hàng hóa tuy đã đạt được kết quả khả quan, song sản lượng chưa nhiều, chất lượng chưa ổn định, chưa tạo tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất chưa gắn kết được các khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giá sản phẩm không ổn định.

Việc thực hiện quy hoạch, đặc biệt Quyết định số 72/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được nhiều danh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến sản phẩm động vật.

Cơ chế chính sách và nguồn lực hỗ trợ thực hiện phát triển sản xuất chăn nuôi còn nhiều khó khăn, hạn chế, chủ yếu là vận dụng các chính sách của Trung ương theo phương thức lồng ghép, đa mục tiêu.

Vai trò quan trọng của an toàn sinh học

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), diện tích đất nông nghiệp của Nam Định để có thể bố trí cho lĩnh vực chăn nuôi còn hạn chế. Chính vì thế, ngành chăn nuôi Nam Định phải phụ thuộc vào những nông hộ, yêu cầu cao về an toàn sinh học để phòng trừ dịch bệnh.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho rằng, Nam Định cần có những chính sách giúp tách những trại chăn nuôi của các doanh nghiệp lớn ra khỏi khu dân cư. Đó là yêu cầu quan trọng để đảm bảo an toàn sinh học cũng như an toàn dịch bệnh.

Theo ông Chinh, thế mạnh của Nam Định là có những doanh nghiệp mạnh về giống. Sở NN-PTNT Nam Định cần có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sản xuất giống để tạo ra con giống phù hợp với nhu cầu của những thị trường khác nhau, đảm bảo tính bền vững và phù hợp.

An toàn sinh học đang là yêu cầu cấp thiết cho chăn nuôi của Nam Định. Ảnh: Phạm Hiếu.

An toàn sinh học đang là yêu cầu cấp thiết cho chăn nuôi của Nam Định. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đồng thời, hình thành chuỗi liên kết, đặc biệt là những vệ tinh xung quanh các công ty xuất khẩu để những hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước được đầu tư hiệu quả...

Cũng theo ông Chinh, các hộ chăn nuôi cần tham gia vào HTX để hình thành việc liên kết sản xuất, từ đó việc chỉ đạo kỹ thuật cũng như chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức được thuận tiện hơn.

Các doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng trực tiếp với HTX, thay vì ký với từng hộ chăn nuôi như trước đây để quá trình đào tạo, tập huấn cũng như chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được phù hợp, đồng thời có thể sản xuất những giống thích hợp với thị trường.

Cũng như một số tỉnh khác, hiện Nam Định cũng đang bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi và phải đảm bảo được an toàn sinh học. Một trong những yếu tố để hỗ trợ các nông hộ là hướng dẫn kĩ thuật cho người chăn nuôi trong các khu dân cư áp dụng an toàn sinh học, đồng thời sử dụng chế phẩm vi sinh cũng như các dạng đệm lót sinh học để vừa đảm bảo môi trường, vừa tăng cường an toàn sinh học, vừa tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi bản địa.

“Tình trạng chung của các tỉnh như Thái Bình, Nam Định… là diện tích đất nông nghiệp còn hạn chế. Để thay thế cho quy hoạch ngành hàng như trước đây, chúng ta phải hình thành những vùng nguyên liệu, vùng an toàn dịch bệnh để đảm bảo nguồn nguyên liệu phù hợp với xu hướng phát triển chăn nuôi”, Phó Cục trưởng Cục Chăn Tống Xuân Chinh đề nghị.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Trường Sơn Bio tái tạo nông nghiệp sạch vì sức khỏe cộng đồng

ĐBSCL Mục tiêu của TSBIO giúp tái sinh nền đất, cải tạo môi trường nông nghiệp, sản sinh ra các sản phâm nông nghiệp hữu cơ, không còn tồn dư của các loại thuốc BVTV.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất