| Hotline: 0983.970.780

An toàn tàu cá trong mùa mưa bão

Thứ Ba 07/11/2023 , 06:15 (GMT+7)

Bình Định hiện có 5.815 tàu cá, trong đó có 3.255 tàu đánh bắt vùng khơi. Công tác an toàn tàu cá trong mùa mưa bão được ngành chức năng tỉnh chú trọng.

An toàn tàu cá từ biển lên bờ

Qua những đợt ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới đầu mùa mưa năm nay, hầu hết tàu cá của Bình Định đánh bắt ngoài khơi đều nhận được cảnh báo và kịp thời di chuyển đến vùng biển an toàn.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Bình Định, năm nay, tỷ lệ tàu cá nhận được cảnh báo thiên tai cao hơn rất nhiều so với trước đây. Thực tế trên cho thấy, việc đảm bảo kết nối thông tin liên lạc từ đất liền với những tàu cá đang đánh bắt trên biển trong mùa mưa bão đã góp phần giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản cho ngư dân.

“Ngoài việc ngành chức năng không ngừng nâng cấp thiết bị phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai sớm, ý thức phòng chống thiên tai của ngư dân đã được nâng cao nên chủ động giữ kết nối với đất liền, đồng thời nghiêm túc thực hiện hướng dẫn của ngành chức năng, góp phần nâng cao mức an toàn cho tàu cá hoạt động trên biển trong mùa mưa bão”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định chia sẻ.

Cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, Bình Đinh) sắp xếp tàu cá gọn gàng trong mùa mưa bão. Ảnh: V.Đ.T.

Cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, Bình Đinh) sắp xếp tàu cá gọn gàng trong mùa mưa bão. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, trong công tác đảm bảo an toàn tàu cá, ngành chức năng tỉnh này hỗ trợ cho ngư dân đầy đủ các thiết bị, máy móc nên việc tiếp cận thông tin cảnh báo rất ổn định. Hiệu quả phòng chống thiên tai trên biển càng hiệu quả hơn khi các chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân tiếp nhận cảnh báo và triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.

Hệ thống khu neo đậu, tránh trú tại các cảng cá ở Bình Định hiện cũng đã được sắp xếp hợp lý, sẵn sàng đón tàu thuyền vào tránh bão. Tại khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), hiện tàu cá đã chuyển về neo đậu tập trung tại Khu D nên đã giải quyết được vấn nạn quá tải khu neo đậu.

Ông Huỳnh Trung Hậu, chủ tàu cá BĐ 98693 TS ở phường Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn) chia sẻ: “Năm nay, cảng cá mới khang trang, tàu vào neo đậu, mua bán sản phẩm dễ dàng, thuận tiện hơn trước. Việc bố trí điểm neo đậu mới, sắp xếp khoa học, hợp lý nên đảm bảo tàu vào tránh trú bão an toàn, chủ tàu ai cũng mừng”.

Tàu cá của ngư dân Bình Định neo đậu tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: V.Đ.T.

Tàu cá của ngư dân Bình Định neo đậu tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: V.Đ.T.

“Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh Bình Định đề xuất các Bộ, ngành Trung ương sớm đầu tư nâng cấp mở rộng hệ thống cảng cá của Bình Định để đáp ứng hạ tầng và các yêu cầu trong neo đậu, tránh trú của 5.954 tàu cá đăng ký tham gia khai thác; trong đó có 3.287 chiếc đăng ký khai thác vùng khơi và 1.105 chiếc đăng ký khai thác vùng lộng. Ngoài ra, Bình Định còn có gần 1.590 chiếc tàu cá hoạt động vùng ven bờ”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở N-PTNT Bình Định, cho hay.

Có người lính trợ lực trên biển

Ngoài nỗ lực của ngành nông nghiệp Bình Định đối với công tác an toàn tàu cá trong mùa mưa bão, còn có sự đóng góp của lực lượng biên phòng tỉnh này trong công tác sẵn sàng ứng cứu ngư dân trong khi có tình huống xảy ra.

Theo Thiếu tá Phạm Đăng Thơ, Hải đội trưởng Hải đội Biên phòng 2 (Bộ đội Biên phòng Bình Định), ngay từ đầu năm, đơn vị này đã xác định công tác cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ trọng tâm, nhất là trong mùa mưa bão. Đồng thời, đơn vị này ra nghị quyết chuyên đề thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển; tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị.

Cán bộ, chiến sĩ của Hải đội Biên phòng 2 luôn trong tinh thần sẵn sàng đối mặt với sóng to, gió lớn; chuẩn bị các phương tiện, trang bị kỹ thuật; đặc biệt là thường xuyên huấn luyện chuyên ngành hải quân và công tác cứu hộ, cứu nạn.

Hiện Hải đội Biên phòng 2 đã duy trì lực lượng thường trực gồm 2 tàu, 2 ca nô cùng 20 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho tàu cá của ngư dân Bình Định trong mùa mưa bão. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện Hải đội Biên phòng 2 đã duy trì lực lượng thường trực gồm 2 tàu, 2 ca nô cùng 20 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho tàu cá của ngư dân Bình Định trong mùa mưa bão. Ảnh: V.Đ.T.

“Khi có sự cố xảy ra trên biển, sau khi tiếp cận tàu cá bị nạn, chúng tôi đặt mục tiêu là phải cứu nạn con người trước, sau đó mới tính đến các phương án để cứu hộ phương tiện. Cán bộ, chiến sĩ cùng kíp tàu thường xuyên trao đổi kinh nghiệm để anh em thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển”, Đại úy Nguyễn Thành Nhật, Thuyền trưởng Hải đội Biên phòng 2 chia sẻ.

“Hiện nay, đơn vị đã duy trì lực lượng thường trực gồm 2 tàu, 2 ca nô cùng 20 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng hỗ trợ, đảm bảo an toàn tàu cá và ngư dân vào các khu vực cảng trên địa bàn tỉnh để neo đậu tránh trú bão. Ngoài ra, đơn vị còn duy trì các kíp trực 24/24 để kịp thời tiếp nhận thông tin, xử lý sự cố tai nạn trên địa bàn khu vực biên giới biển và giúp dân khi có tình huống xảy ra”, Thiếu tá Phạm Đăng Thơ, Hải đội trưởng Hải đội Biên phòng 2  cho hay.

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.