| Hotline: 0983.970.780

Giám sát tàu cá mùa bão lũ

Thứ Ba 07/10/2014 , 10:13 (GMT+7)

Đối với tỉnh có lực lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ khá lớn như Bình Định, bảo đảm an toàn cho ngư dân khi đang khai thác trên biển vào mùa bão lũ luôn là mối lo lớn. 

Do đó, năm nay Bình Định tăng cường các hoạt động liên lạc và giám sát tàu cá.

Nhiều nỗ lực

Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & BVNLTS Bình Định, từ năm 2011 đến nay, thực hiện một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác thủy sản trên các vùng biển xa theo tinh thần Quyết định 48 của Chính phủ, Bình Định đã hỗ trợ kinh phí cho ngư dân mua và lắp đặt 1.700 máy HF cho tàu cá.

Ngoài ra, thông qua dự án hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh (MOVIMAR) do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư, từ năm 2013 đến nay, ngư dân Bình Định đã được hỗ trợ 305 bộ thiết bị kết nối vệ tinh để lắp đặt cho tàu cá.

Bình Định đang có đội tàu cá khá lớn với gần 7.800 chiếc, trong đó có gần 3.000 chiếc có công suất trên 90 CV chuyên khai thác thủy sản ở những vùng biển xa. Thời gian gần đây, ngoài những tàu được hỗ trợ, với ý thức tự bảo vệ, nhiều ngư dân đã chú trọng đầu tư lắp đặt các thiết bị liên lạc hiện đại cho tàu cá của mình.

Hiện nay, phần lớn các tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Định đều được trang bị máy bộ đàm liên lạc tầm xa Icom.

“Nhờ được trang bị khá đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, nên việc liên lạc giữa các tàu cá trên biển, giữa ngư dân với gia đình và với các trạm bờ trên đất liền thuận lợi hơn trước. Các tàu cá đang hoạt động trên biển cũng thường xuyên liên lạc với Chi cục Khai thác & BVNLTS thông qua trạm bờ Quy Nhơn và trạm bờ Tam Quan (Hoài Nhơn).

Qua đó Chi cục xác định được vị trí tàu cá của ngư dân đang hoạt động tại vùng biển nào để tiện thông tin khi có sự cố”, ông Nguyễn Công Bình nói.

Vẫn chưa đủ

Tuy nhiên, số tàu cá được trang bị phương tiện thông tin liên lạc hiện đại hầu hết là các tàu lớn, nên đến mùa mưa bão, nguy hiểm vẫn rình rập các tàu cá loại nhỏ khi đang hoạt động trên biển.

Thêm vào đó, những tàu cá có công suất nhỏ đã rất cũ kỹ, nên khả năng chịu đựng sóng gió rất yếu, dễ xảy ra tai nạn khi hoạt động trong mùa mưa bão. Càng đáng lo ngại hơn khi thời tiết, khí hậu trên biển ngày càng diễn biến phức tạp, không theo quy luật, rất khó dự báo.

“Nghề đánh bắt hải sản trên biển thường gặp rất nhiều rủi ro, nhất là vào mùa mưa bão. Do đó, ngoài nỗ lực của cơ quan chức năng, bà con ngư dân cũng cần chủ động đối phó. Nhất là phải kết nối hệ thống thông tin liên lạc với cơ quan chức năng để nắm bắt tình hình mưa bão nhằm kịp thời đối phó”, ông Nguyễn Hữu Hào, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định.

“Đáng quan ngại nhất là hệ thống thông tin liên lạc của một số tàu cá chưa hòa mạng với hệ thống thông tin liên lạc của các ngành chức năng; ngư dân chủ yếu là dùng để liên lạc với gia đình và với tàu cá khác trên biển.

Khi các cơ quan chức năng muốn thông báo cho ngư dân các thông tin về ngư trường, thời tiết biển; hoặc thông tin khẩn cấp về bão, lốc xoáy cũng khó thực hiện”, ông Bình lo lắng.

Từ tình trạng trên, thực tế nhiều năm qua cho thấy, khi có bão xảy ra, ngành chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định vị trí, địa điểm của những chiếc tàu không hòa mạng liên lạc với các trạm bờ. Nên công tác chỉ đạo, hướng dẫn ngư dân tránh trú bão, triển khai ứng cứu cũng gặp nhiều khó khăn.

Để chuẩn bị ứng phó với mùa mư bão sắp đến, Chi cục Khai thác & BVNLTS Bình Định đã tăng cường cán bộ túc trực tại 2 trạm bờ Quy Nhơn và Tam Quan (Hoài Nhơn) để bảo đảm thông tin liên lạc với tàu cá của ngư dân.

Đơn vị này cũng đã tăng cường hoạt động của lực lượng PCLB - TKCN chuyên ngành thủy sản, phối hợp với Đài Thông tin duyên hải Quy Nhơn phổ biến, tập huấn hướng dẫn ngư dân các biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai và tổ chức SX theo tổ, đội đoàn kết.

“Chi cục đã cung cấp cho các địa phương địa chỉ và thông tin liên lạc của thường trực Ban chỉ huy PCLB - TKCN chuyên ngành thủy sản tỉnh; các điểm neo đậu tàu thuyền trú tránh bão để chính quyền địa phương thông báo cho ngư dân biết”, ông Bình cho hay.

Xem thêm
Tương lai nuôi biển bền vững của Việt Nam và Na Uy

Quy hoạch không gian biển, tăng cường năng lực dự báo, cung cấp bảo hiểm biển là các lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác nuôi trồng thủy sản giữa Việt Nam - Na Uy.

Chưa thể làm chợ đấu giá thủy sản khi ngư dân còn phụ thuộc đầu nậu

‘Khi nào giải quyết được việc bà con đi khai thác trên biển chủ động được kinh phí, không phụ thuộc vào nậu vựa thì mới có thể làm chợ đấu giá được’.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.