| Hotline: 0983.970.780

Đảm bảo an toàn tàu cá

Thứ Ba 20/09/2011 , 09:57 (GMT+7)

Kiên Giang là tỉnh có đội tàu khai thác trên biển lớn nhất cả nước với 12.112 chiếc, tổng công suất gần 1,5 triệu CV.

Ngư dân kiểm tra tàu cá trước khi ra khơi
Kiên Giang là tỉnh có đội tàu khai thác trên biển lớn nhất cả nước với 12.112 chiếc, tổng công suất gần 1,5 triệu CV. Để đảm bảo cho tàu ra khơi được an toàn, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT-BVNLTS) tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyền truyền và tập huấn cho ngư dân về an toàn lao động trên tàu cá trong mùa mưa bão.

Ông Phan Ngọc Vũ, Chi cục phó Chi cục KT-BVNLTS Kiên Giang cho biết, hoạt động khai thác trên biển là nghề đặc thù, người lao động thường xuyên phải đối mặt với những nguy hiểm rình rập. Vì vậy, việc tuyên truyền, trang bị kiến thức cho chủ tàu, thuyền trưởng và các thuyền viên là rất cần thiết.

Trước khi ra khơi, cần phải kiểm tra tình trạng của tàu, nhất là đối với các trang thiết bị an toàn, thiết bị khai thác, nếu phát hiện bộ phận nào bị hao mòn thì phải thay mới ngay. Sắp xếp các thiết bị gọn gàng, đặt đúng chỗ để đảm bảo tính chủ động trong công tác cứu chữa khi gặp sự cố. Tất cả các thuyền viên phải được hướng dẫn và sử dụng thành thạo các trang thiết bị an toàn, trang bị phòng hộ…

Khi tàu chạy cần phải chèn lót, chằng buộc dụng cụ để tránh đổ vỡ khi gặp sóng gió lớn. Lúc thả lưới cần chú ý không đứng trước và trên lưới hoặc các vòng dây, không sinh hoạt ở những khu vực nguy hiểm như tời, cẩu, khu vực thả kéo cáp. Hạn chế việc di chuyển trên boong tàu, ban đêm nếu cần đi lại phải có người đi theo hoặc theo dõi, đề phòng trường hợp rơi xuống biển mà không có ai biết để cứu hộ…

Trường hợp gặp sóng to gió lớn đe dọa đến sự an toàn của tàu, sức khỏe thuyền viên thì nên ngừng hoạt động khai thác, tìm nơi tránh trú an toàn. Để ngư dân nắm rõ các kiến thức an toàn trên, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã phối hợp với Cục KT-BVNLTS tổ chức các lớp tuyên truyền về các quy định trong khai thác thủy sản, tuyên truyền về an toàn tàu cá, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng…

Về công tác BVNLTS, ông Vũ cho biết, song song với việc tuyên truyền, Chi cục còn tăng cường công tác kiểm tra trên biển nhằm ngăn chặn tình trạng tàu hoạt động trong vùng cấm, khai thác không đúng mắt lưới hoặc khai thác sai tuyến (tùy công suất tàu mà chia thành các tuyến khai thác gồm: tuyến bờ, tuyến lộng, tuyến khơi). Thời gian qua, UBND tỉnh Kiên Giang cũng quy định mùa vụ khai thác đối với một số loài thủy sản trên vùng biển của tỉnh. Chẳng hạn, đối với nghêu, lụa chỉ được khai thác từ tháng 12 đến hết tháng 5 năm sau. Ngoài thời gian đó, nếu phát hiện tàu khai thác sẽ bị phạt.

Bên cạnh đó, ngành cũng đề ra các giải pháp nhằm ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tàu cá khai thác vi phạm lãnh hải nước ngoài. Ngoài việc tuyên truyền về vùng biển, Kiên Giang cũng đang xúc tiến việc đưa tàu cá sang các nước trong khu vực như Inđônesia, Thái Lan, Campuchia… hợp tác khai thác. Hiện chủ trương này đã được một số nước thống nhất, dự kiến khoảng tháng 10 tới đại diện các nước này sẽ sang làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang để bàn về các quy định cụ thể.

Theo ông Vũ, việc ký kết hợp tác khai thác sẽ tạo điều kiện cho ngư dân khai thác hiệu quả hơn, tránh tình trạng bị nước ngoài bắt giữ tàu như thời gian vừa qua. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, đã có 18 tàu cá của ngư dân Kiên Giang bị nước ngoài bắt giữ, trong đó riêng Campuchia bắt giữ 14 tàu, còn lại là Thái Lan, Inđônêxia, Malaysia. Mỗi chiếc tàu bị bắt giữ, ngoài bị tịch thu tàu, ngư phủ bị phạt tù, chủ tàu còn phải nộp phạt khoảng 300-400 triệu đồng. Điều này không chỉ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt khai thác chung của tỉnh.

Vì vậy, ngư dân cần phải hết sức chú ý mỗi khi ra khơi khai thác, tuyệt đối không được vi phạm lãnh hải của các nước bạn.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.