Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay cơn bão số 10 (tên quốc tế là Goni) có tốc độ đi chậm lệch theo hướng Tây Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140km tính từ tâm bão. Trong 24h tới có khả năng mạnh lên nhưng cũng chỉ giữ ở cấp 8 – 9.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thông tin: “Khi bão số 10 đi sâu vào trong vùng biển sẽ gây gió mạnh 6 – 7, giật cấp 9, khi gặp ma sát sẽ bắt đầu suy yếu dần. Mưa sẽ bắt đầu từ chiều ngày 4/11 đến ngày 6/11. Mưa lớn tại miền Trung sẽ tập trung trong ngày 5/11”.
Hiện nay, lũ trên sông Cả (Nghệ An), hạ lưu sông La (Hà Tĩnh) đang xuống. Mực nước lúc 19h ngày 2/11 trên sông Cả tại Nam Đàn là 4,76 m (dưới BĐ1 0,64m), sông La tại Linh Cảm là 3,42m (dưới BĐ1 1,08m) và dự báo tiếp tục xuống.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến 16h ngày 2/11 đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.877 phương tiện/232.118 người, biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, hiện còn 8 phương tiện/60 lao động tại tỉnh Bình Định vẫn trong vùng nguy hiểm đã nhận thông tin và đang di chuyển vòng tránh.
Tại Bình Định đã xảy ra sự cố sạt lở kè biển Tam Quan với chiều dài khoảng 1.600m và nhiều đoạn đê, kè bị bồi lấp, hư hỏng.
Tỉnh Quảng Nam có 5.100m đê bị sạt lở, hư hỏng (Duy Xuyên: 50m, Núi Thành 5.000m, Hội An 50m).
Sự cố sạt lở mái đê Đồng Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã được xử lý khắc phục và đảm bảo an toàn. Đê Kênh Thấp, huyện Hưng Nguyên xảy ra nứt dọc thân đê với chiều dài 10m, tràn qua mặt đê với chiều dài 1.100m (tại xóm 3, 4, 5, 7, 8 xã Hưng Đạo).
Đến ngày 2/11, đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 153 xã tại các tỉnh miền Trung. Hiện còn 52 xã mất điện tại 2 tỉnh gồm: Quảng Nam 12 xã và Quảng Ngãi 40 xã.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng Cục phòng chống thiên tai, đã chỉ đạo các đơn vị cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 10, ban hành kịp thời các bản tin cảnh báo, dự báo sát với diễn biến thực tế;
Thông báo kiểm soát tàu thuyền, hướng dẫn neo đậu trên bến để đảm bảo an toàn người và phương tiện;
Hướng dẫn việc gia cố, di chuyển lồng bè, sẵn sàng sơ tán dân và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển, lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản, khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập sâu, chia cắt, cô lập;
Tập trung sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời triển khai công tác ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống;
Tiếp tục công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9 và mưa lũ sau bão; Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu hộ; Giúp dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh khôi phục sản xuất ổn định cuộc sống, sẵn sàng ứng bão và mưa sau bão;
Vận hành, bảo đảm an toàn công trình và hạ du các hồ đập thủy lợi, thủy điện đặc biệt đối với các hồ đập nhỏ, các hồ đập xung yếu; Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống đê sông, đê biển, các công trình phòng chống thiên tai, sạt lở, nhất là các trọng điểm xung yếu và các sự cố xảy ra trong bão số 9 và các đợt mưa lũ vừa qua.