| Hotline: 0983.970.780

Áp dụng chuyển đổi số trong quản lý an toàn thực phẩm

Thứ Năm 23/09/2021 , 08:59 (GMT+7)

Tỉnh Thái Nguyên áp dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin trong công tác quản lí an toàn thực phẩm (ATTP), bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Trạm quan trắc thông minh giúp người trồng chè nhiều số liệu trong sản xuất chè VietGap. Ảnh: Đồng Văn Thưởng. 

Trạm quan trắc thông minh giúp người trồng chè nhiều số liệu trong sản xuất chè VietGap. Ảnh: Đồng Văn Thưởng

Cú hích chuyển đổi số

Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ nói trên, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã thể hiện được sự nỗ lực, kiên trì không ngừng để nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo vệ sinh ATTP.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên làm việc với Sở NN-PTNT mới đây nhấn mạnh, có được tốc độ phát triển công nghiệp dịch vụ nhanh, Thái Nguyên xứng đáng với vị trí trung tâm vùng Việt Bắc. Tuy nhiên, để vị trí, vai trò được toàn diện thì nền nông nghiệp của Thái Nguyên cần có sự đầu tư mạnh mẽ.

Theo đó, Sở NN-PTNT Thái Nguyên phải xác định ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp là điểm đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, chuyển đổi số theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh.

Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực.

Là địa phương thu hút đông đảo lượng cư dân về các khu công nghiệp, các trung tâm giáo dục nên nông sản được sản xuất phải đảm bảo theo hướng ATTP. Ngoài những gợi mở nói trên, ngay từ khi lên Thái Nguyên nhận nhiệm vụ vào giữa năm 2020, Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đã biểu lộ tâm tư tạo sự chuyển dịch kinh tế xã hội tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa với dân số chiếm tỷ lệ cao.

Nghị quyết 01 (12/2020) là Nghị quyết đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên trong nhiệm kỳ này, phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Nghị quyết đã tác động tích cực đến các mặt của đời sống kinh tế xã hội, trong đó có nông nghiệp.

Các ứng dụng công nghệ số đã được áp dụng ở nhiều phạm vi quản lý. Việc quản lý cây xanh đã thực hiện bằng phần mềm Thainguyen SmartTrees. Trạm quan trắc thời tiết thông minh được lắp đặt ở nhiều cơ sở sản xuất. Hệ thống theo dõi biến động thủy lợi được xây dựng tại nhiều nơi...

Ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Thái Nguyên cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định về ATTP, các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng cũng được đổi mới bằng hình thức trực tuyến.

Các thủ tục đề nghị cấp chứng nhận, cấp tem mã QR được công nghệ hỗ trợ đã giúp nâng cao chất lượng thông tin, rút ngắn thời gian điều tra và xử lý số liệu.

Đa dạng hình thức đảm bảo ATTP

Cùng với chương trình mỗi xã phường một sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGap...Thái Nguyên đang triển khai Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Tất cả các chương trình, Đề án, dự án đều được khuyến khích bởi cơ chế hỗ trợ đặc thù, tập trung vào mục tiêu thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GAP khác, hữu cơ, an toàn thực phẩm...

Ví dụ tiêu biểu về một sản phẩm chủ lực mũi nhọn là cây chè. Sau khi đã thực hiện thành công và được cấp chứng nhận cho hàng ngàn ha chè theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như VietGap, UTZ... Hiện tại, Thái Nguyên đang thực hiện quyết liệt việc cấp chứng nhận chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ 11041. 

Việc kiểm tra thường xuyên góp phần nâng cao ý thức sản xuất, kinh doanh đảm bảo ATTP. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Việc kiểm tra thường xuyên góp phần nâng cao ý thức sản xuất, kinh doanh đảm bảo ATTP. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Nhằm đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao thương hiệu chè Thái Nguyên, hướng tới xuất khẩu bền vững, website Chè tích hợp truy xuất nguồn gốc tại địa chỉ http: thainguyentea.gov.vn đi vào hoạt động từ năm 2018. Đến nay, ở các vùng chè trên địa bàn toàn tỉnh Thái Nguyên đã có trên 50 đơn vị, doanh nghiệp tham gia hệ thống với hơn 1.000 sản phẩm bán trực tuyến, thanh toán theo hình thức COD và được hỗ trợ cấp mã QR code miễn phí cho các sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên cho biết, Hội chè tỉnh Thái Nguyên đang xây dựng dự án “Ứng dụng công nghệ số để quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc, thương mại các sản phẩm chè Thái Nguyên”. Với công nghệ được áp dụng trong việc truy nguyên nguồn gốc sẽ góp phần minh bạch thông tin về nguồn gốc sản phẩm theo chuỗi, từ đó gây dựng và tạo niềm tin với người tiêu dùng, nâng cao vai trò quản lý thương hiệu chè Thái Nguyên.

Hay gần đây nhất như sản phẩm quả na La Hiên (huyện Võ Nhai). Na được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực nên tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng, ban hành một số cơ chế, chính sách để tạo điều kiện, chỉ đạo tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa và quy định về ATTP. Na chín rộ, cả hệ thống chính trị vào cuộc để hỗ trợ tiêu thụ cho người trồng na.

Ông Nông Quang Duy, Giám đốc HTX na La Hiên cho biết, lo lắng về việc không tiêu thụ được na do dịch Covid - 19 không còn nữa. Đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định, người trồng na ở La Hiên đã nhận được sự hỗ trợ tiêu thụ vô cùng hiệu quả của hầu hết các cơ quan từ tỉnh đến cơ sở. Người trồng na có thêm một vụ thu hoạch thắng lợi.

Ngoài các giải pháp áp dụng trong sản xuất, công tác tuyên truyền thực hiện ATTP tại Thái Nguyên đã được đổi mới với hình thức đa dạng, phong phú như qua tài liệu truyền thông, qua phương tiện thông tin đại chúng, hội nghị, hội thảo, tập huấn; tổ chức đối thoại trực tiếp với chủ doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng, chế biến. Tuyên truyền qua các ấn phẩm, in và phát hành tờ gấp những điều cần biết về thực phẩm an toàn, vệ sinh thực phẩm...

Ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết, để đảm bảo ATTP, các ngành chức năng đã chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, định kỳ, đột xuất theo quy định đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, thu hồi và xử lý kịp thời các sản phẩm không bảo đảm ATTP. Tỷ lệ mẫu giám sát đạt cao góp phần từng bước thay đổi, nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ cơ sở, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Riêng đối với ngành Nông nghiệp, việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án trọng điểm, kế hoạch sản xuất hàng năm đã và đang theo lộ trình, xu thế tích cực là bám sát vào tiêu chí VSATTP để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng, giá trị cao để đạt được mục tiêu tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển ổn định, bền vững.

Đến nay, Thái Nguyên đã cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 54 chuỗi, cung cấp trên 1,7 triệu tem truy xuất nguồn gốc, hướng dẫn 5.900 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện ký cam kết bảo đảm ATTP theo đúng quy định.

Các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm soát, giám sát nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm; có kế hoạch cụ thể triển khai trong dịp Tết Nguyên đán, mùa Lễ hội, Tết Trung thu, tháng hành động vì ATTP, phòng, chống dịch Covid-19... Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm/100.000 dân là 0 (chỉ tiêu được giao ≤7).

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Yến sào Khánh Hòa ký kết hợp tác với 2 đối tác Trung Quốc

Công ty Yến sào Khánh Hòa đã ký kết hợp đồng hợp tác với Trung tâm Chuỗi lạnh quốc tế Mai Sơn và Tập đoàn Đồng Nhân Đường (Trung Quốc).

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.