| Hotline: 0983.970.780

Áp dụng IPM hiệu quả kinh tế tăng thêm 15 - 20%

Thứ Ba 23/03/2021 , 07:58 (GMT+7)

Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đang được nông dân tỉnh Hưng Yên tích cực áp dụng với diện tích trên 1.600ha.

Áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp vào sản xuất đang được nông dân tỉnh Hưng Yên tích cực áp dụng. Ảnh: HG.

Áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp vào sản xuất đang được nông dân tỉnh Hưng Yên tích cực áp dụng. Ảnh: HG.

Ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên cho biết, việc trang bị kiến thức cho nông dân để họ trở thành những “chuyên gia" đồng ruộng hiện đang là mục tiêu lớn của ngành nông địa phương. Qua đó, một mặt thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững, mặt khác sẽ góp phần đem đến cho người tiêu dùng nhiều sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn hơn. 

Một trong những giải pháp đã và đang được triển khai hiệu quả chính là tăng cường các lớp tập huấn cho nông dân trong quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Theo đó, Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên đã tiến hành hỗ trợ cho nông dân có nhu cầu ứng dụng IPM vào sản xuất tại các địa phương tổ chức lớp huấn luyện nông dân (FFS) thông qua 2 hoạt động chính là: cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn áp dụng IPM trên cây trồng cho các hộ nông dân tham gia và hỗ trợ một phần vật tư cho 1 vụ sản xuất đối với những diện tích ứng dụng IPM.

Dự án được khởi động từ năm 2018 đến nay đã tổ chức thành công 114 lớp FFS trên các cây trồng và đã huấn luyện được 3.520 nông dân nòng cốt. Tới nay, diện tích mô hình ứng dụng IPM vào sản xuất của tỉnh Hưng Yên đạt 1.669ha với sự tham gia của 5.000 hộ nông dân.

Sau một thời gian triển khai chương trình IPM, nông dân tỉnh Hưng Yên đã nắm bắt được các thành phần sinh vật gây hại trên cây lúa, cây ăn quả và rau màu, các loại thiên địch trên đồng ruộng, phương pháp điều tra và đưa ra những giải pháp xử lý khoa học, an toàn với môi trường.

Mô hình thực hành áp dụng tổng hợp các biện pháp quản lý dịch hại, đặc biệt là sử dụng các chế phẩm xử lý rơm rạ sau thu hoạch, chế phẩm nấm đối kháng, chỉ sử dụng thuốc BVTV khi cần thiết… nên lượng phân bón sử dụng ở mô hình giảm hơn so với đối chứng từ 10 - 15%, số lần phun và sử dụng thuốc BVTV giảm từ 20 - 30%, chi phí giảm 15 - 17%, trong khi năng suất cây trồng cao hơn 7 - 15%, hiệu quả kinh tế tăng thêm 15 - 20%.

Anh Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Yên Phú (huyện Yên Mỹ) chia sẻ, các lớp học IPM là cơ hội tốt để nông dân được trang bị kiến thức, trở thành những “chuyên gia đồng ruộng”, nắm vững kiến thức chăm sóc, bảo vệ phát triển ruộng đồng một cách hiệu quả, an toàn.

Hiện mỗi ngày HTX Yên Phú cho ra thị trường từ 90 - 100 tấn rau, củ, quả an toàn. Ảnh: HG.

Hiện mỗi ngày HTX Yên Phú cho ra thị trường từ 90 - 100 tấn rau, củ, quả an toàn. Ảnh: HG.

Được tham gia các lớp tập huấn về quản lý dịch hại trên cây trồng như: chọn giống, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật và nhu cầu dinh dưỡng của cây qua từng giai đoạn. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, anh Hưng đã áp dụng trên toàn bộ diện tích canh tác của mình và chia sẻ kiến thức cũng như các làm cho các hộ xã viên. Nhờ đó, năng suất của HTX tăng lên đáng kể. Hiện mỗi ngày HTX cho ra thị trường từ 90 - 100 tấn rau, củ, quả an toàn.

Anh Hưng cho biết, HTX hiện cũng đang cung cấp hạt giống cho xã viên để đảm bảo nguồn giống sạch. Trong quá trình chăm sóc rau, phòng trừ sâu bệnh, nông dân được cán bộ quản lý trực tiếp tư vấn về phân bón hữu cơ sinh học, thuốc BVTV thảo mộc thời gian cách ly 3 - 7 ngày và được hướng dẫn chi tiết về việc dùng đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách.

Sử dụng thuốc BVTV bằng thảo mộc không gây hại cho môi trường và không có dư lượng hoá chất độc hại trên rau. Hộ trồng rau cũng phải nắm chắc công thức luân canh, xen canh, trồng trái vụ cây trồng hợp lý để cắt nguồn thức ăn của sâu, bệnh.

“Một trong những yêu cầu quan trọng mà HTX cũng đề ra là người nông dân phải ghi nhật ký đồng ruộng hàng ngày vào một cuốn sổ để biết là sử dụng loại thuốc BVTV nào, mua ở đâu, quy trình thời gian ra sao… Đây là cơ sở để có thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ của rau an toàn của HTX”, anh Hưng nói.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.