| Hotline: 0983.970.780

IPM hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững

Thứ Sáu 02/10/2020 , 17:43 (GMT+7)

Ngày 2/10, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc tổ chức Hội thảo đầu bờ khóa đào tạo giảng viên IPM trên cây lúa trong vụ Mùa năm 2020.

Ông Trần Quyết Tâm, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật (BVTV) phía Bắc cho biết, lớp đào tạo giảng viên IPM (TOT) trên cây lúa vụ Mùa năm 2020 bắt đầu từ ngày 8/7, có tổng thời gian học 105 ngày, học 6 ngày 1 tuần, gồm học lý thuyết và thực hành, triển khai các thí nghiệm, thực nghiệm, điều tra phân tích hệ sinh thái ruộng lúa, nuôi côn trùng.

Lớp học gồm 30 học viên, độ tuổi từ 24 đến 44 tuổi, đến từ 12 tỉnh, thành phố  và 2 trung tâm BVTV vùng tham dự.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: HG

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: HG

Các học viên tham gia lớp đào tạo IPM (TOT) được thảo luận và trao đổi kỹ thuật trồng chăm sóc cây lúa, sinh lý cây lúa qua các giai đoạn phát triển như: Giai đoạn giai đoạn mạ, đẻ nhánh, tượng khối sơ khởi, làm đòng, trỗ bông- phơi màu, chín. Hàng tuần các học viên được ra đồng điều tra hệ sinh thái ruộng lúa để quan sát các chỉ tiêu về sự sinh trưởng, phát triển, theo dõi diễn biến mật độ, tỷ lệ hại của các đối tượng dịch hại phát sinh cũng như thảo luận đánh giá, phân tích và đưa ra các biện pháp quản lý tiếp theo.
Kết quả là các học viên đã nắm được vai trò của hệ sinh thái ruộng lúa, biết cách đánh giá và đưa ra quyết định áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp dựa trên thực tế đồng ruộng. Học viên trong lớp đã nắm bắt được quy trình quản lý tổng hợp các loại dịch hại trên cây lúa như quản lý sâu hại, bệnh hại, cỏ dại, chuột hại…

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục BVTV phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HG

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục BVTV phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HG

Các học viên còn được trao đổi thảo luận những hiểu biết cơ bản về thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật đến con người và môi trường sinh thái, được giới thiệu các chỉ số đánh giá mức độ độc của thuốc và cách lựa chọn, sử dụng và bảo quản cất trữ để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro mà thuốc BVTV có thể gây ra.

Theo anh Trần Văn Bính, Lớp trưởng lớp đào tạo IPM, học viên của lớp học đã được thực hiện các thí nghiệm như: bộc phát rầy nâu, mật độ trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ, thời gian phát dục của sâu cuốn lá, thời gian phát dục của rầy. Nuôi một số loại côn trùng và đánh giá khả năng ăn mồi của thiên địch. Các thí nghiệm đều đạt kết quả tốt, thông qua thí nghiệm học viên đã thu được những kiến thức để áp dụng vào bài giảng lớp huấn luyện nông dân.

Qua quá trình thực nghiệm và thí nghiệm, đối với ruộng học tập của lớp, quản lý theo chương trình IPM phun thuốc khi cần thiết đã giúp giảm số lần phun thuốc BVTV, giảm chi phí giống, giảm lượng phân bón, năng suất cao hơn 7,5 tạ/ha so với quản lý theo nông dân. Công thức cấy mật độ 25 khóm/m2 trên giống TBR225  phù hợp với chân đất tại địa phương, cây lúa đẻ nhánh khỏe, ít sâu bệnh và cho năng suất cao nhất. Sử dụng nấm Metazhium phun trừ rầy đã giúp giảm mật độ rầy và bảo vệ được thiên địch nhờ đó giảm số lần phun thuốc BVTV hóa học trên đồng ruộng.

Các học viên của lớp đào tạo giảng viên IPM chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: HG

Các học viên của lớp đào tạo giảng viên IPM chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: HG

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục BVTV cho biết: IPM là một chương trình hết sức ý nghĩa và mang lại rất nhiều lợi ích cho nông dân và nền nông nghiệp. Bắt đầu từ năm 1992, chương trình đã được tiến hành với sự tài trợ của FAO và sự nỗ lực của Bộ NN-PTNT cùng các địa phương. Hàng nghìn lớp FFS, với hàng triệu nông dân tham gia làm thí nghiệm và kiểm soát hệ sinh thái, thiên địch ngoài đồng ruộng.

Sau đó, nông dân tự chủ động các biện pháp để phòng trừ các loại sâu bệnh. Đây là chương trình tạo sự chủ động cho người dân trên các nguyên tắc: Bảo đảm trồng cây khỏe, bảo vệ thiên địch, người dân trở thành chuyên gia thực sự trên đồng ruộng của mình.

"Trong những năm qua, chương trình đạt được nhiều thành quả, tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển tới người dân một cách nhanh chóng để áp dụng trực tiếp trên đồng ruộng. Qua đó, đã thay đổi nhận thức của người dân một cách mạnh mẽ. Bà con nông dân thấu hiểu khi nào và đối tượng sâu bệnh nào nên phun, cần phải sử dụng các biện pháp kỹ thuật nào.
Nhờ đó trên bình diện chung đã giảm đáng kể số lần phun thuốc BVTV, bảo vệ được môi trường, hệ sinh thái, nhất là thiên địch trên đồng ruộng. Đây cũng là nguyên tắc để hướng đến nền nông nghiệp sạch. Áp dụng được đúng các nguyên tắc này sẽ có một nền sản xuất nông nghiệp bền vững", ông Nguyễn Quý Dương nhấn mạnh.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.