| Hotline: 0983.970.780

Áp dụng IPM, lợi nhuận trồng lúa tăng 4 triệu đồng/ha, rau tăng 9,3 triệu đồng/ha

Thứ Ba 27/08/2024 , 17:35 (GMT+7)

Tại Quảng Ninh, các mô hình áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên lúa giúp tăng lợi nhuận khoảng 4 triệu đồng/ha, trên rau tăng lợi nhuận khoảng 9,3 triệu đồng/ha.

Nhiều năm trước, việc thâm canh tăng vụ, lạm dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV vẫn còn phổ biến tại các địa phương tại Quảng Ninh. Đặc biệt, việc lạm dụng phân bón hóa học, sử dụng thuốc BVTV bất hợp lý đã làm ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước, làm đất bị thoái hóa.

Giảng viên lớp tập huấn IPM hướng dẫn nông dân thăm đồng, kiểm tra sâu bệnh hại lúa. Ảnh: Nguyễn Thành.

Giảng viên lớp tập huấn IPM hướng dẫn nông dân thăm đồng, kiểm tra sâu bệnh hại lúa. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tình trạng lạm dụng thuốc BVTV với mục đích tiêu diệt nhanh sâu bệnh hại cây trồng, tăng mẫu mã cho sản phẩm mà không quan tâm đến bảo vệ thiên địch, thời gian cách ly của thuốc cũng như dư lượng thuốc trên sản phẩm và môi trường (đất, nước, không khí...) đã ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người và hệ sinh thái, làm mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, tạo cơ hội cho sâu bệnh bùng phát.

Những năm gần đây, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) được người dân trên địa bàn tỉnh tích cực áp dụng. Phương pháp này đã và đang giúp giảm chi phí sản xuất, giảm lượng thuốc BVTV độc hại tồn dư trong môi trường và sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ổn định, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, nâng cao năng suất, chất lượng và tăng lợi nhuận trên đơn vị canh tác.

Ông Trần Văn Thực, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Ninh cho biết, chương trình IPM đã được triển khai từ năm 2016 tại tỉnh Quảng Ninh. Mục tiêu của chương trình là mở rộng ứng dụng IPM và huấn luyện IPM, đặc biệt là huấn luyện đồng ruộng cho bà con nông dân.

Mô hình trồng bí xanh áp dụng IPM tại xã Hòa Bình, TP Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Thành.

Mô hình trồng bí xanh áp dụng IPM tại xã Hòa Bình, TP Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Thành.

Từ đó, nông dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai mô hình IPM đối với các cây trồng, thay đổi thói quen sử dụng thuốc BVTV mỗi khi có sâu bệnh, trồng và chăm cây khoẻ, thăm đồng thường xuyên. Nông dân trở thành chuyên gia đồng ruộng để chủ động phòng trừ dịch hại hiệu quả, bảo vệ thiên địch... nhằm tạo ra các sản phẩm nông sản an toàn và bảo vệ môi trường sinh thái.

Anh Hoàng Văn Hải (xã Hòa Bình, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), cho biết, hiện gia đình anh đang áp dụng chương trình IPM trên mô hình trồng bí xanh. Nhờ thay đổi cách làm, mô hình bí xanh đạt năng suất 1,5 tấn/sào (360m2) và chất lượng sản phẩm tăng cao, giúp bảo vệ sức khỏe người trồng, người tiêu dùng và môi trường sinh thái.

Ông Vũ Văn Khương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bình chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với cán bộ Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp TP Hạ Long hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, phòng trừ sâu bệnh để cây trồng khỏe mạnh, phát triển tốt”.

Hiện nay, chương trình IPM đã được nhân rộng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo ông Trần Văn Thực, đơn vị đã tổ chức thực hiện 36 lớp tập huấn với các nội dung, quy định của pháp luật có liên quan trong lĩnh vực trồng trọt và BVTV, nhận biết các sinh vật mới nổi, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt và BVTV cho 1.800 lượt người tham gia.

Nhện Lycosa là thiên dịch của sâu rầy trên cây lúa. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nhện Lycosa là thiên dịch của sâu rầy trên cây lúa. Ảnh: Nguyễn Thành.

Việc xây dựng các mô hình thực hành, ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên các cây trồng đã đem lại hiệu quả về kinh tế, thu hút người dân học tập kinh nghiệm, làm cơ sở để tuyên truyền và nhân rộng trong cộng đồng.

"Chương trình IPM đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho nông dân và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn, giảm số lần phun thuốc BVTV trên cây trồng từ 1 - 2 lần so với diện tích không thực hiện chương trình IPM nên đã tiết kiệm chi phí mua thuốc và công phun thuốc (tiết kiệm tiền thuốc BVTV và công phun thuốc từ 90.000 - 180.000 đồng/sào/vụ, tương đương 2,4 - 4,9 triệu đồng/ha/vụ)", ông Trần Văn Thực nhấn mạnh.

Đặc biệt, việc khuyến khích sử dụng chế phẩm thảo mộc tự ủ (gừng, tỏi, ớt, rượu) để phòng trừ sinh vật gây hại trong sản xuất rau đã được người dân tích cực ủng hộ, giúp tiết kiệm kinh phí, tạo ra sản phẩm an toàn và góp phần bảo vệ môi trường.

Mặt khác, năng suất cây trồng tăng trung bình 5 - 10% so với diện tích không thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, lợi nhuận do áp dụng IPM so với phương pháp canh tác truyền thống tăng đáng kể (áp dụng IPM trên lúa tăng lợi nhuận khoảng 4 triệu đồng/ha, trên rau tăng lợi nhuận khoảng 9,3 triệu đồng/ha).

Thời gian tới, Sở NN-PTNT Quảng Ninh tiếp tục phối hợp với Cục BVTV, Trung tâm BVTV phía Bắc (Cục BVTV) để đào tạo nguồn giảng viên đủ năng lực hướng dẫn nông dân hiểu và áp dụng IPM trên đồng ruộng, nhất là các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Từ đó đưa Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh tiên phong trên cả nước triển khai hiệu quả chương trình IPM.

Xem thêm
Người chăn nuôi trắng tay, cạn kiệt vốn liếng sau bão

HẢI PHÒNG Không chỉ thiệt hại nặng nề, sau bão, nhiều trang trại chăn nuôi đang cạn kiệt vốn liếng, đối mặt nguy cơ dịch bệnh, rất khó khăn trong khôi phục sản xuất.

Nỗi niềm cán bộ thú y: [Bài cuối] Nghề 'tâm sự, trò chuyện' cùng vật nuôi

Công việc nhiều, lòng nhiệt tình có thừa, nhưng thu nhập lại... khiêm tốn. Đó là câu chuyện của những nhân viên thú y ở huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

20 giống cà phê của WASI được chuyển giao ra sản xuất

ĐẮK LẮK Hiện WASI đã có 20 giống cà phê được giới thiệu và đưa vào sản xuất, bao gồm 14 giống cà phê vối và 6 giống cà phê chè.