| Hotline: 0983.970.780

Tỉnh có hơn 65% diện tích lúa áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp

Thứ Tư 21/08/2024 , 18:38 (GMT+7)

PHÚ YÊN Đến năm 2024, tỉnh Phú Yên có khoảng 38.000ha lúa áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM), chiếm hơn 65% tổng diện tích sản xuất mỗi năm.

Kiên định sản xuất lúa theo IPM

Từ năm 2014, nông dân Đỗ Ngọc Cẩm, thôn Xuân Hòa, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa, Phú Yên) được tham gia lớp tập huấn về chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), từ đó đã giúp việc sản xuất lúa của ông thay đổi theo hướng tích cực, đặc biệt không còn sử dụng thuốc BVTV bừa bãi như trước đây.

Những năm qua, nông dân Đỗ Ngọc Cẩm kiên định sản xuất lúa theo IPM. Ảnh: KS.

Những năm qua, nông dân Đỗ Ngọc Cẩm kiên định sản xuất lúa theo IPM. Ảnh: KS.

Theo ông Cẩm, sau khi được học kiến thức, ông đã luôn kiên định sản xuất lúa theo IPM, hiện chỉ gieo sạ 6kg/sào, giảm hơn nửa so với trước đây. Do sử dụng giống lúa xác nhận và giảm lượng giống gieo sạ nên cây lúa phát triển khỏe, đồng đều, ít xảy ra sâu bệnh hại. Điều này cũng đồng nghĩa giúp ông tiết kiệm chi phí giống, phân bón và thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh.

“Từ ngày sạ thưa, ruộng lúa của gia đình tôi ít sâu bệnh, tăng lợi nhuận. Mỗi vụ, tôi chỉ bón phân cho lúa 3 lần với tổng lượng hơn 20kg/sào. Tất cả chi phí đầu tư từ khâu làm đất, gieo sạ cho đến thu hoạch chỉ mất khoảng 1,4 triệu đồng/sào. Với giá lúa khoảng 8 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình lãi từ 1,5 - 2 triệu đồng/sào”, ông Cẩm chia sẻ. Những năm qua ông Cẩm thu hoạch lúa với năng suất trung bình đạt khoảng 80 tạ/ha.

Ông Tô Tấn Nguyên, Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Hòa Kiến 1 (xã Hòa Kiến) cho biết, hiện Hợp tác xã có hơn 140ha đất canh tác lúa. Trước đây bà con trên địa bàn sử dụng thuốc BVTV rất nhiều trong quá trình sản xuất lúa. Dù sâu bệnh gây hại còn ở mức nhẹ, không gây ảnh hưởng nhiều đến cây trồng song bà con vẫn tiến hành phun, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên từ năm 2014 khi được học các lớp IPM, bà con đã hiểu được thế nào là sâu bệnh tới ngưỡng phải phòng trừ và thiên địch. Từ đó đã giảm sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng nhằm đảm bảo sức khỏe cho chính mình và cộng đồng, cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm, hệ sinh thái trên đồng ruộng.

Nhờ được tập huấn, nông dân Phú Yên ngày càng áp dụng IPM rộng rãi vào sản xuất. Ảnh: KS.

Nhờ được tập huấn, nông dân Phú Yên ngày càng áp dụng IPM rộng rãi vào sản xuất. Ảnh: KS.

“Từ khi bà con hạn chế sử dụng thuốc BVTV, thiên địch như bọ rùa, chuồn chuồn, ong đã phát triển lên, khống chế được sâu rầy”, ông Nguyên chia sẻ và cho biết thêm, bây giờ bà con chỉ phun thuốc bệnh (nhóm an toàn) trước và sau trỗ, chứ không ai còn phun thuốc trừ sâu.

Như vụ hè thu năm nay, dù sâu keo phát triển mạnh trên cây lúa nhưng chưa đến ngưỡng bà con phải phun thuốc. Hiện nay đã qua giai đoạn, sâu keo tự chết lại tốt cho đồng ruộng. Do đó, có thể nói chương trình IPM đã lan tỏa cho bà con trong việc sản xuất lúa và cây hành tại Hợp tác xã, giúp năng suất tăng khoảng 10 - 15% so với sản xuất thông thường.

Tương tự, ông Đặng Minh Nghĩa, Giám đốc Hợp tác nông nghiệp - Kinh doanh tổng hợp Hòa An Tây (huyện Phú Hòa) cho biết, từ năm 2006, Chi cục BVTV tỉnh Phú Yên đã mở lớp tập huấn IPM dành cho cán bộ Hợp tác xã, Hội Nông dân và Hội Phụ nữ xã.

Với lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt trên, đã đào tạo lại cho bà con nông dân trên địa bàn theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” trên các mô hình trình diễn. Cứ như vậy qua nhiều vụ, hầu hết nông dân đã nhận thức cơ bản về chương trình IPM để áp dụng trên cây lúa.

Việc sạ thưa giúp lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, giảm sử dụng thuốc BVTV. Ảnh: KS.

Việc sạ thưa giúp lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, giảm sử dụng thuốc BVTV. Ảnh: KS.

Theo ông Nghĩa, hiện Hợp tác xã có 256ha lúa, đến nay toàn bộ diện tích áp dụng sạ thưa từ 5 - 7kg/sào. Bà con sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất cũng đã hạn chế do sâu bệnh hại xảy ra không đáng kể. Nhờ vậy, năng suất lúa trung bình tại Hợp tác xã luôn nằm trong top đầu ở huyện Phú Hòa, dao động từ 78 - 79 tạ/ha. Đặc biệt, những vụ đông xuân gần đây năng suất lúa có thời điểm lên đến 85 - 86 tạ/ha.

Hơn 65% diện tích lúa áp dụng IPM

Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên cho biết, từ năm 1994, tỉnh Phú Yên đã sớm triển khai chương trình IPM trên cây trồng, tuy nhiên diện tích áp dụng chưa nhiều.

Đến giai đoạn năm 2015 - 2020 khi Sở NN-PTNT Phú Yên tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai đề án đẩy mạnh áp dụng IPM trên cây trồng thì diện tích áp dụng mới được mở rộng khắp các cánh đồng ở các địa phương trong tỉnh.

Đến năm 2024, tỉnh Phú Yên có hơn 65% tổng diện tích lúa áp dụng IPM. Ảnh: KS.

Đến năm 2024, tỉnh Phú Yên có hơn 65% tổng diện tích lúa áp dụng IPM. Ảnh: KS.

Theo ông Minh, cũng trong giai đoạn trên, Chi cục BVTV Phú Yên (nay Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên) đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đào tạo 28 giảng viên nguồn IPM (TOT). Trên cơ sở đó, Chi cục mở 59 lớp huấn luyện nông dân (FFS), trong đó có 53 lớp FFS trên cây lúa và 6 lớp FFS trên cây rau. Đồng thời, xây dựng 12 mô hình ứng dụng IPM trên cây lúa với diện tích khoảng 120ha (5 - 10ha/mô hình) và khoảng 640 lượt nông dân tham gia.

Đến năm 2020, chương trình IPM đã chứng minh được sự ưu việt vượt trội trong quản lý các đối tượng sinh vật gây hại, đặc biệt giảm lượng thuốc BVTV 4,5 lần trên cây lúa để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Các biện pháp áp dụng trong IPM còn là cơ sở để phát triển các tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, ICM…

Sản xuất lúa áp dụng IPM giúp nông dân tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập. Ảnh: KS.

Sản xuất lúa áp dụng IPM giúp nông dân tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập. Ảnh: KS.

“Hiện nay nông dân Phú Yên áp dụng IPM trên sản xuất cây lúa và rau màu. Từ đó đã giúp bà con tiết kiệm chi phí như giống, phân bón, thuốc BVTV từ 1,5 - 2 triệu đồng/ha, năng suất tăng từ 3 - 5%, lợi nhuận tăng từ 4 - 8 triệu đồng/ha so với sản xuất thông thường”, ông Minh chia sẻ và cho biết thêm, đến năm 2024, tỉnh Phú Yên có khoảng 38.000ha lúa áp dụng chương trình IPM, chiếm hơn 65% tổng diện tích sản xuất mỗi năm.

Theo ông Minh, từ năm 2016, tỉnh Phú Yên đã đào tạo được đội ngũ giảng viên nguồn IPM cấp tỉnh (ToT) làm lực lượng nòng cốt để lan tỏa chương trình IPM trong sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là đội ngũ kế thừa và phát huy chương trình này mà ít có tỉnh nào làm được.

Xem thêm
Nâng cao sức đề kháng vật nuôi sau bão lũ

Cần coi việc xử lý môi trường chăn nuôi và nâng cao sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng cho đàn vật nuôi có tính cấp bách không kém gì công tác phòng chống bão lũ.

Bao vây dịch tả lợn Châu Phi ở miền núi

QUẢNG BÌNH Huyện miền núi Tuyên Hóa triển khai các giải pháp để bao vây, ngăn chặn có hiệu quả bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.

Bình luận mới nhất