Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa xây dựng mô hình: “Áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật nuôi một số loài thuỷ sản thích ứng với biến đổi khí hậu” tại xã Hoằng Đại, thành phố Thanh Hóa với quy mô 3,4 ha, 5 hộ tham gia, mật độ thả tôm chân trắng 15 con/m2, cá đối mục 0,3 con/m2; thời gian nuôi 6 tháng.
Qua 6 tháng thực hiện mô hình cho thấy tỷ lệ sống trung bình của tôm đạt 70%, năng suất tôm đạt 1.312 kg/ha, cao hơn so với yêu cầu 1.200 kg/ha. Bên cạnh đó các hộ còn tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên trong ao. Riêng cá đối mục tỷ lệ sống trung bình đạt 75%, cỡ cá thu hoạch 250 g/con; năng suất trung bình đạt 562 kg/ha, hiệu quả kinh tế đạt từ 50 - 55 triệu/ha/vụ (sau khi trừ chi phí sản xuất) tăng từ 25-30% so với hình thức nuôi tôm sú quảng canh.
Hiệu quả của mô hình đã góp phần tạo môi trường thuận lợi, tạo công ăn việc làm ổn định, giúp nông dân trong vùng tiếp cận với kỹ thuật nuôi, hình thức mới, cách làm mới nâng cao đời sống, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích đặc biệt là góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thanh Hóa có khoảng 1.000 ha trồng lúa bị nhiễm mặn; 1.500 ha diện tích nuôi tôm sú kém hiệu quả... có thể chuyển đổi sang hình thức nuôi kết hợp tôm sú, tôm chân trắng, cá đối mục, cá rô phi ... Để mô hình được nhân rộng, phát triển bền vững, các cấp các ngành chức năng cần quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ như cho thuê đất lâu dài, hỗ trợ vốn, tìm kiếm thị trường đầu ra để người dân yên tâm sản xuất.