Trong một tuyên bố trên mạng xã hội X hôm 5/2, văn phòng của Tổng thống Javier Milei tuyên bố rằng WHO, được thành lập để ứng phó với các tình huống khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, đã "thất bại trong thử nghiệm lớn nhất" trong đợt bùng phát virus corona.
Theo văn phòng Tổng thống Argentina, việc cách ly kéo dài đã dẫn đến "một trong những thảm họa kinh tế lớn nhất trong lịch sử thế giới". Tại Argentina, các đợt phong tỏa kéo dài nhiều tháng dưới thời chính phủ tiền nhiệm, được WHO tán thành, đã làm tê liệt nền kinh tế và dẫn đến 130.000 ca tử vong, văn phòng Tổng thống lập luận.
Người phát ngôn của Tổng thống Milei, Manuel Adorni, nói với các nhà báo, Ngoại trưởng Gerardo Werthein đã được chỉ thị khởi động quá trình rút Argentina khỏi WHO.
"Người Argentina chúng tôi sẽ không cho phép một tổ chức quốc tế can thiệp vào chủ quyền của chúng tôi, càng không được can thiệp vào vấn đề y tế của chúng tôi", ông Adorni nói.
Argentina không nhận tài trợ của WHO, vì vậy việc rút khỏi tổ chức này sẽ không ảnh hưởng đến các dịch vụ chăm sóc y tế quốc gia, ông Adorni đảm bảo.
Tờ El Pais hôm 5/2 đưa tin, việc rút khỏi WHO phù hợp với lập trường phản đối của ông Milei đối với các lệnh phong tỏa. Vào năm 2020, ông tích cực phản đối các biện pháp cách ly do Tổng thống Alberto Fernandez áp đặt. Vào thời điểm đó, ông mô tả việc phong tỏa là "một tội ác chống lại loài người" vi phạm quyền tự do cá nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố WHO đã ứng phó không hợp lý với đại dịch và các cuộc khủng hoảng y tế quốc tế khác, đồng thời áp đặt các nghĩa vụ tài chính "không công bằng" đối với Mỹ.
Trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông đã ký một sắc lệnh hành pháp để bắt đầu quá trình rút khỏi tổ chức, tuyên bố rằng Mỹ sẽ rời khỏi tổ chức này trong vòng 12 tháng.
Động thái này đánh dấu lần thứ 2 ông Trump ra lệnh rút khỏi WHO. Ông đã thực hiện các bước để rời khỏi tổ chức này vào năm 2020, cáo buộc tổ chức này hỗ trợ Trung Quốc trong nỗ lực "đánh lừa thế giới" về nguồn gốc của Covid-19. Người kế nhiệm ông, Joe Biden, sau đó đã đảo ngược quyết định vào ngày nhậm chức của mình.
WHO đã phản ứng lại quyết định của Washington bằng cách bày tỏ "sự hối tiếc" và nhấn mạnh vai trò quan trọng của họ trong y tế và an ninh toàn cầu.
Mỹ từng là một trong những nước đóng góp nhiều nhất cho WHO, chi gần 950 triệu USD trong năm 2024, tương đương 15% tổng ngân sách của cơ quan này.
Tổng thống Milei là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm ông Trump tại dinh thự Mar-a-Lago của ông sau chiến thắng bầu cử Mỹ năm 2024.