Tổng thống cánh hữu Javier Milei đang thúc đẩy một chính sách "thắt lưng buộc bụng" lớn nhằm cắt giảm đáng kể chi tiêu ngân sách và giải quyết vấn đề thâm hụt tài chính mà chính quyền tiền nhiệm để lại. Điều này đã khiến các khoản chi ngân sách bị đóng băng hoặc bị hạn chế đối với nhiều dịch vụ công.
Ngân sách cho điều trị HIV/AIDS miễn phí, nơi Argentina là quốc gia tiên phong trong khu vực, đã giảm 67% trong năm 2024 và sẽ giảm 46% vào năm 2025. Điều đó đã gây áp lực đối với nguồn cung các loại thuốc quan trọng và có thể khiến hàng nghìn người không được chăm sóc trong năm tới, các chuyên gia cho biết.
Hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS) là một bệnh mãn tính do virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV) gây ra. Hầu hết những người nhiễm HIV có thể sống cuộc sống gần như bình thường và không bị các bệnh liên quan đến AIDS nếu được phát hiện và điều trị sớm.
"Tôi đã dùng thuốc hết hạn từ tháng 5/2025. Bây giờ là tháng 10, họ cho tôi thuốc cho đến tháng 2, nhưng số thuốc này hết hạn từ tháng 11", Claudio Mariani, 59 tuổi, người được chẩn đoán dương tính với HIV vào năm 1993, nói với hãng tin Reuters.
"Trong trường hợp của tôi, tôi đang làm xét nghiệm tải lượng virus nhưng tôi không biết khi nào tôi sẽ có kết quả", ông nói thêm.
Theo dữ liệu chính thức của chính phủ Argentina, nươc này hiện có khoảng 140.000 người sống chung với HIV. Khoảng một nửa con số này phụ thuộc vào điều trị y tế công, theo Bản tin Dịch tễ học mới nhất của Bộ Y tế.
Quỹ Huésped, tổ chức hoạt động để đảm bảo những người mắc HIV/AIDS được chăm sóc y tế, cho biết hơn 9.000 người sẽ bị gián đoạn việc điều trị trong năm 2025 do cắt giảm chi tiêu.
Dự thảo ngân sách của chính phủ sẽ tăng chi ngân sách cho "Chương trình 22", chương trình hỗ trợ điều trị HIV/AIDS miễn phí, tăng từ 21 tỷ lên 23 tỷ peso (23 triệu USD), nhưng với lạm phát có thể trên 100%, điều này trên thực tế có nghĩa là cắt giảm đáng kể chi ngân sách cho chương trình này.
Điều này cũng có thể khiến bệnh nhân không được khám hay phát hiện bệnh sớm, làm cho chi phí điều trị tăng cao, các chuyên gia cho biết.
"Những người này cần nhập viện và điều trị bệnh, họ có thể tiết kiệm thời gian điều trị cũng như chi phí nếu được chẩn đoán sớm hơn. Tất cả những chính sách tiết kiệm này thực ra lại đang khiến việc điều trị trở nên tốn kém hơn", Leandro Cahn, giám đốc điều hành của Quỹ Huésped, giải thích.
Dữ liệu của Bộ Y tế Argentina năm 2024 cho thấy số lượng bao cao su do chính phủ phát miễn phí đã giảm từ 503.460 chiếc trong năm trước xuống còn còn 209.328 chiếc. Bên cạnh đó, việc nguồn cung thuốc thử và bộ xét nghiệm nhanh giảm có thể cản trở việc ứng phó với dịch bệnh này.