Các nhóm sản xuất chính của nước này cho biết trong một tuyên bố chung hôm 18/5.
Chính phủ theo chủ nghĩa Peronist trung tả của đất nước Nam Mỹ đã công bố "biện pháp khẩn cấp" nhằm làm giảm lạm phát cao vào ngày 17/5, dẫn tới nguy cơ xung đột với các thực thể hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp muốn thúc đẩy xuất khẩu.
Bốn hiệp hội nông thôn chủ chốt của Argentina cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ ngừng hoạt động buôn bán gia súc trong 9 ngày bắt đầu từ 19/5 để phản đối lệnh cấm xuất khẩu này và họ có thể áp dụng thêm các biện pháp khác.
Jorge Chemes, Chủ tịch Hiệp hội Nông thôn Argentina (Argentine Rural Confederations-CRA), một trong bốn hiệp hội nông dân phát động cuộc biểu tình, phát biểu trong một cuộc họp báo: “Con đường và những quyết định mà cơ quan hành pháp đang thực hiện là sai lầm sâu sắc.
"Đây mới chỉ là bắt đầu một trong nhiều biện pháp", ông nói thêm.
Bế tắc trên nhấn mạnh sự cân bằng mong manh mà chính phủ cần phải thực hiện giữa việc hỗ trợ xuất khẩu nông sản mang lại ngoại tệ cần thiết và giảm những thiệt hại gây ra do lạm phát phi mã đã lên tới mức gần 50% trong năm nay.
Căng thẳng cũng phản ánh mối lo ngại gia tăng trên toàn cầu về việc giá lương thực tăng cao đã khiến các quốc gia khác cũng phải chuyển sang kiểm soát xuất khẩu, bao gồm cả quốc gia sản xuất lúa mì hàng đầu thế giới là Nga - nước đã áp thuế đối với xuất khẩu ngũ cốc.
Lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu là ngũ cốc bao gồm đậu tương và lúa mì, có lịch sử xung đột với các chính phủ Peronist về việc tăng thuế và giới hạn xuất khẩu, bao gồm cả với cựu Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner, người hiện là Phó Tổng thống.
Xuất khẩu sang Trung Quốc
Argentina là quốc gia xuất khẩu thịt bò đứng thứ 5 của thế giới và đang gia tăng bán hàng sang các thị trường như Trung Quốc. Điều này đã hỗ trợ các chủ trang trại của nước này nhưng gây lo ngại về lạm phát, đặc biệt là với mức độ nghèo đói tăng cao trong bối cảnh suy thoái kinh tế kéo dài.
Số liệu chính thức cho thấy, quốc gia này đã xuất khẩu khoảng 897.500 tấn thịt bò vào năm 2020, trị giá khoảng 2,7 tỷ USD. Hơn một nửa trong số đó được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong tháng 3 năm nay, các lô hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái lên 225,8 triệu USD, theo số liệu thống kê từ Viện Xúc tiến thịt bò Argentina (Institute for the Promotion of Argentine Beef).
Trong những tuần gần đây, Tổng thống Alberto Fernandez đã chỉ trích việc tăng giá thịt bò trong nước và chỉ ra việc các nhà xuất khẩu có thể tính giá cao hơn cho người mua ở nước ngoài đang kiếm lời.
Omar Perotti, Thống đốc của tỉnh nông nghiệp quan trọng Santa Fe và một phần của liên minh cầm quyền, nói rằng lệnh cấm xuất khẩu không phải là giải pháp hữu hiệu và nó có thể gây hại cho ngành nông nghiệp.
"Giải pháp hữu hiệu là tăng sản lượng và không đóng cửa xuất khẩu", ông viết trên Twitter. "Chúng tôi có điều kiện cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, duy trì khả năng xuất khẩu sản phẩm của mình ra thế giới".
Cổ phiếu của các công ty đóng gói thịt Brazil Marfrig (MRFG3.SA) và Minerva (BEEF3.SA) đã giảm vào ngày 18/5 sau khi hoạt động của họ ở Argentina bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm.
Argentina nổi tiếng với các trang trại chăn nuôi gia súc và những miếng bít tết nóng hổi. Giá thịt gia tăng đã bị giám sát gắt gao trong những tháng gần đây. Một số người tiêu dùng - đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi ba năm suy thoái liên tiếp - nói rằng họ không còn đủ khả năng mua thịt bò. Lạm phát đã làm giảm tốc độ tăng trưởng và sức chi tiêu.