| Hotline: 0983.970.780

Asanzo bán đồ cho ai?

Chủ Nhật 30/06/2019 , 15:13 (GMT+7)

Liên tục trong những năm qua, trên các trang web quảng bá bán hàng điện máy nổi tiếng, có những bài quảng cáo, nghe đến “nao lòng”, về sản phẩm điện tử và gia dụng của Asanzo.

Ông Phạm Văn Tam trong lần đưa sản phẩm Asanzo về nông thôn.

Ví dụ như: "Được sản xuất theo dây chuyền công nghệ Nhật Bản, tivi Asanzo là thương hiệu của Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và do chính người Việt sở hữu". Những cụm từ “công nghệ Nhật Bản”, “thương hiệu của Việt Nam”, “sản xuất tại Việt Nam”, “do chính người Việt sở hữu” được làm đậm, nhấn mạnh. Rồi các nội dung quảng cáo “có cánh”, ví dụ như: “Sản phẩm Việt Nam, đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”, vân vân…

Việc quảng bá với ngôn từ đầy sức thuyết phục, khơi gợi mạnh mẽ niềm tự hào của người tiêu dùng như trên, cùng với đó là tần xuất xuất hiện khá “đậm đà” trên các tờ báo lớn, các phương tiện truyền thông chính thống, rồi các hoạt động xã hội của Asanzo được lăng xê, rồi hình ảnh về người đứng đầu Asanzo thành một nhân vật rất hot, tiêu biểu cho thành công, chiếm sóng truyền hình quốc gia trong chương trình đình đám, đã tạo nên sự tin tưởng tuyệt đối của người tiêu dùng.

Chỉ mới thành lập mà doanh thu của Asanzo tăng lên vùn vụt. Năm 2014, Asanzo bán được 100.000 chiếc tivi, năm 2015 lên 300.000 chiếc, 2016 là 500.000 chiếc, doanh thu 2.500 tỷ đồng, đến năm 2018 thì đạt tới trên 4 triệu sản phẩm các loại, doanh thu vụt lên như “Phù Đổng” là 6.250 tỷ. Sản phẩm của Asanzo liên tục năm năm liền được vinh danh là “Hàng Việt Nam Chất lượng cao”, từ một doanh nghiệp vô danh, Asanzo lọt vào top 3 trên thị trường điện tử Việt Nam…

Trong bối cảnh ấy, khi thông tin về mặt hàng điện tử của Asanzo chính xác chỉ là thứ hàng “tầm tầm” của Trung Quốc được phù phép mà thành, được tung ra trên báo chí, thực sự đã làm cho người tiêu dùng… “ngã ngửa”.

Rồi sau đó, thì Phạm Văn Tam, nhân vật hot, hình mẫu thành công trên ti vi, là Chủ tịch của Tập đoàn Asanzo đã phải “thú nhận”: Sản phẩm của chúng tôi không phải hàng Việt Nam. Tivi Asanzo có 3 linh kiện được nhập từ Trung Quốc gồm: bo mạch, tấm panel và tấm kính (màn hình) chiếm khoảng 70% trên toàn sản phẩm. Còn tất cả chi tiết khác như là vỏ nhựa, remote điều khiển... do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.

Thông tin trên báo còn cho biết, thực tế Asanzo không hề sản xuất được một mẩu linh kiện nào mà nhập toàn bộ từ Trung Quốc rồi gom tất cả linh kiện ấy cộng thêm phần nhựa, giấy, bao bì, loa, dây nguồn... để thành sản phẩm hoàn chỉnh, đóng mác Việt Nam.

Khi được hỏi về “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” là yếu tố nào trong những quảng cáo về sản phẩm của Asanzo, Phạm Văn Tam đưa ra lý giải: "Không phải linh kiện đó phải từ Nhật Bản mới gọi là công nghệ Nhật Bản. Công nghệ ở đây là công nghệ kiểm soát, kiểm định những tác hại cho người tiêu dùng".

Đúng là giọng điệu “cà cuống chết đến đít”, là sự trí trá của “buôn lậu” đích thực.

Đây không phải lần đầu tiên một nhãn hiệu có tiếng tại Việt Nam dùng hàng Trung Quốc giả danh “Hàng Việt Nam Chất lượng cao”. Cách đây gần hai năm, Công ty Khải Silk đã nhập khăn lụa Trung Quốc về rồi gắn mác thương hiệu “Khaisilk - Made in Vietnam” và bán với giá cao, đã gây chấn động dư luận. Tuy nhiên, vụ Khaisilk chỉ là “muỗi” so với “con voi” Asanzo mà thôi.

Đáng suy ngẫm nhất, là chuyện Asanzo bán đồ của mình cho ai? Với giá thành rẻ đến 20%, được quảng cáo “đỉnh cao” như vậy, thì phần lớn doanh thu của Asanzo được moi ra từ túi tiền của những đối tượng thu nhập thấp và trung bình, là đông đảo bà con nông dân, là những gia đình trẻ đang nhọc nhằn gây dựng cuộc sống mới. Đây là đối tượng cần được bảo hộ tiêu dùng nhất, là mục tiêu của các chương trình bình ổn giá của Nhà nước.

Hãy thử tưởng tượng mà xem, những đối tượng trên, đã gom góp món tiền vốn nhỏ nhoi của mình ra để mua sắm sản phẩm từ Asanzo để “theo kịp thời đại”, để tự hào và đinh ninh mình đang sở hữu sản phẩm Việt, có công nghệ đỉnh cao, giờ hóa ra là thứ “hàng chợ” Trung Quốc, là việc tiếp tay cho gian lận thương mại liên quốc gia!

Còn các khía cạnh khác, nguy hại hơn nữa, thì các chuyên gia đã phân tích, như:  Nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết, nói: “Hành vi đó là chết cho Việt Nam, làm sao mà “Hàng Việt Nam Chất lượng cao” mà lột nhãn người ta dán nhãn mình, mà cái của người ta có phải “chất lượng cao” đâu mà mình dám đưa vào của mình là chất lượng cao”.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nói: “Asanzo không gia công thêm, giá trị gia tăng trên đất Việt Nam của Asanzo là quá thấp, mà lại bóc mác Made in China, dán mác Made in Vietnam vào. Đấy là sự gian lận thương mại, vi phạm quy định về thương hiệu, nhãn hiệu, cần được xử lý”.

Từ vụ việc của Asanzo, người ta đã nhìn ra nhiều vấn đề khác rất cốt tử trong bối cảnh thương mại toàn cầu và khu vực hiện nay. Đó là sự xâm nhập thương mại giấu mặt, là sự lệ thuộc thương mại vô hình theo những cách không thể kiểm soát được.

Asanzo là tiêu biểu cho một kiểu làm ăn gian lận phổ biến ở Việt Nam, đã diễn ra từ lâu rồi. Ngoài Asanzo, còn nhiều những doanh nghiệp khác, những thương hiệu khác, vẫn để nhãn mác Việt Nam, trong khi rõ ràng xuất xứ là không phải như vậy.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cần phải điều tra làm rõ vụ việc này. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, TP Hồ Chí Minh đã phối hợp để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng. Mới đây nhất, Bộ Công an cũng đã vào cuộc.

Câu trả lời về vụ Asanzo chắc chắn sẽ sớm có trong những ngày tháng tới.

Tuy nhiên, tiếp theo chuyện này, vấn đề cấp thiết là cần phải đưa ra những kế hoạch đồng bộ để giải quyết những vấn đề lớn hơn, cốt tử hơn trong việc bảo vệ thương mại, bảo hộ người tiêu dùng, nhất là những đối tượng như nông dân và những người thu nhập thấp, thu nhập trung bình, cao hơn nữa là tránh những cạm bẫy xâm nhập thương mại liên quan đến chủ quyền quốc gia.

Xem thêm
Siêu thị, chợ đầu mối lo ngại giá thực phẩm Tết tăng cao vì kẹt xe

TP.HCM Theo một số doanh nghiệp, hệ thống phân phối tại TP.HCM, nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ Tết phong phú, nhưng lo ngại khó khăn trong khâu vận chuyển, dẫn đến... giá tăng cao.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Điện gió của T&T Group tại Lào sẽ được xuất khẩu về Việt Nam

Điện từ dự án điện gió Savan 1 của T&T Group tại Lào sẽ được bán cho Việt Nam, qua đó góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.