| Hotline: 0983.970.780

Đổi mới công tác khuyến nông cần gắn với HTX và vùng nguyên liệu

Thứ Sáu 21/01/2022 , 10:31 (GMT+7)

Để tránh bị đứt gãy hệ thống, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu cán bộ khuyến nông chủ động, sáng tạo, tích hợp đa giá trị trong công việc.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam khơi gợi niềm tự hào của cán bộ khuyến nông khi là người gần dân nhất. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam khơi gợi niềm tự hào của cán bộ khuyến nông khi là người gần dân nhất. Ảnh: Bảo Thắng.

Chờ thực tiễn trả lời

Cùng với tiến trình phát triển của ngành nông nghiệp những năm qua, hệ thống khuyến nông đã xây dựng được hệ thống sâu, rộng từ trung ương đến cơ sở; trở thành cầu nối giữa nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với hộ nông dân và thị trường; cũng là nơi tư vấn, phổ biến kiến thức, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cho nông dân.

Tuy nhiên, do việc chưa thống nhất về chủ trương và cách thức thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 18, 19, cũng như sự thiếu nhất quán về chính sách hoạt động và thủ tục hành chính, hệ thống khuyến nông một số nơi bị đứt gãy, chưa theo kịp đòi hỏi của thị trường, xã hội.

Chia sẻ với cán bộ khuyến nông, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khơi gợi niềm tự hào, vinh dự của họ khi được đồng hành cùng bà con nông dân. Đồng thời, ông nhấn mạnh "Khuyến nông là đơn vị sự nghiệp phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Đó là lời khẳng định của công tác khuyến nông trong Nghị định mới".

Nhằm xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh, Thứ trưởng khẳng định, sẽ duy trì và phát triển hệ thống khuyến nông. Vấn đề là phải "đổi mới", "nâng cao chất lượng hoạt động" trong tình hình mới, đáp ứng với những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Hệ thống khuyến nông cần duy trì hoạt động một cách năng động, hiệu quả nhất. Ảnh: Tùng Đinh.

Hệ thống khuyến nông cần duy trì hoạt động một cách năng động, hiệu quả nhất. Ảnh: Tùng Đinh.

Tại Hội nghị Đổi mới công tác khuyến nông do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) tổ chức ngày 20/1, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, chỉ lực lượng khuyến nông mới có thể đảm đương một loạt nhiệm vụ như: Chuyển giao công nghệ, xây dựng nông thôn mới, tư vấn dịch vụ... cho người dân.

Thời gian qua, một số địa phương sáp nhập hệ thống khuyến nông vào trung tâm dịch vụ nông nghiệp. Thứ trưởng Nam nêu quan điểm, rằng mỗi cách sắp xếp sẽ phù hợp với một tình hình cụ thể. Không thể vì một vài trường hợp cá biệt, hệ thống khuyến nông lại mất kết nối. Thay vào đó, cán bộ khuyến nông cần tiếp tục duy trì hoạt động một cách năng động, hiệu quả nhất có thể, và chờ "thực tiễn trả lời đâu là mô hình đúng đắn". 

Trước mắt, Thứ trưởng Nam yêu cầu hệ thống khuyến nông tiếp tục bám sát cơ sở, đa dạng hóa hoạt động, chú trọng với liên kết doanh nghiệp, và mở rộng vùng nguyên liệu. 

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh trình bày Đề án Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông với Thứ trưởng. Ảnh: Bảo Thắng.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh trình bày Đề án Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông với Thứ trưởng. Ảnh: Bảo Thắng.

Đa dạng hóa dịch vụ khuyến nông

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc TTKNQG làm rõ một số nội dung liên quan tới Đề án Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông. Trong đó, ông nhấn mạnh tới 3 vấn đề là: Tổ khuyến nông cộng đồng, chuyển đổi số và đa dạng hóa nguồn thu cho hệ thống khuyến nông.

Theo ông Thanh, tổ khuyến nông cộng đồng là xương sống trong việc phát triển các vùng nguyên liệu lớn. Chủ trương phát triển tổ là không tăng biên chế, không tăng tổ chức mới, nhưng nâng cao được năng lực, và tích hợp thêm nhiều giá trị. Hiện lãnh đạo Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố đều nhất trí với định hướng này. 

Giai đoạn đầu, TTKNQG sẽ đào tạo trực tiếp cho những người tham gia tổ khuyến nông cộng đồng như hỗ trợ kỹ thuật, phân tích thị trường, chuyển đổi số, các dịch vụ nông nghiệp, bên cạnh các công việc truyền thống là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới.

Về chuyển đổi số, TTKNQG thừa nhận những hạn chế của các phương pháp truyền thống. Để đổi mới, lãnh đạo Trung tâm cam kết chuyển đổi sang giáo trình đa phương tiện bằng sách điện tử, giảng dạy online, kết nối trực tiếp khắp mọi miền Tổ quốc. Cùng với đó, là việc xây dựng những sổ tay hướng dẫn không có chữ, chỉ sử dụng hình ảnh, đồ họa để người dân dễ hiểu.

Hoạt động khuyến nông đang hướng tới đa dạng các dịch vụ nhằm gia tăng nguồn thu. Ảnh: NNVN.

Hoạt động khuyến nông đang hướng tới đa dạng các dịch vụ nhằm gia tăng nguồn thu. Ảnh: NNVN.

Với hơn 35.000 cán bộ khuyến nông trên cả nước, thu nhập cũng là một vấn đề khiến lãnh đạo TTKNQG trăn trở. Ông Thanh cho rằng, thay vì đơn thuần trông chờ vào ngân sách, cán bộ của hệ thống cần chủ động kết nối với người dân, tích hợp đa giá trị trong công việc hàng ngày. Trên cơ sở đó, cán bộ khuyến nông có thêm nguồn thu từ giá trị tăng thêm của nông sản, tư vấn dịch vụ, hoặc hỗ trợ giao thương.

"Vấn đề là chúng ta cần xây dựng được cơ chế và khung pháp lý phù hợp. Cán bộ khuyến nông cần nhận thức rõ sứ mệnh của mình, bởi họ là người gần dân nhất, nắm rõ quy trình sản xuất. Đó là nền tảng của dữ liệu lớn và số hóa trong thời đại 4.0", ông Thanh nhấn mạnh.

Đổi mới toàn diện

Đề án Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông được xây dựng để giải quyết vấn đề một cách căn cơ, bài bản. Mục tiêu chính của đề án, là 100% các mô hình, dự án khuyến nông đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, có thị trường tiêu thụ sản phẩm bền vững; trên 70% nông dân được tiếp cận với các loại hình thông tin khuyến nông cơ bản, được đào tạo bồi dưỡng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...; tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số như thông tin khuyến nông qua "App Khuyến nông xanh", đào tạo điện tử (E-learning); trên 90% cán bộ khuyến nông được cập nhật, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

Sổ tay khuyến nông cộng đồng được lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia coi là tài liệu 'gối đầu giường' của cán bộ khuyến nông cơ sở thời gian tới. Ảnh: Bảo Thắng.

Sổ tay khuyến nông cộng đồng được lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia coi là tài liệu 'gối đầu giường' của cán bộ khuyến nông cơ sở thời gian tới. Ảnh: Bảo Thắng.

4 đổi mới của hoạt động khuyến nông trong đề án gồm: (1) Đổi mới hoạt động thông tin truyền thông; (2) Đổi mới hoạt động đào tạo huấn luyện; (3) Đổi mới hoạt động xây dựng mô hình, dự án; (4) Đổi mới hoạt động tư vấn, dịch vụ. Song song với đó, hệ thống khuyến nông sẽ đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế và hợp tác công tư; chuyển đổi số; và tăng cường nguồn lực cho hoạt động.

Lắng nghe đề án mới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu hệ thống khuyến nông xác định rõ 5 chức năng gồm: chuyển giao công nghệ, tư vấn phát triển HTX, thông tin thị trường giá cả, ứng dụng công nghệ số, tư vấn phát triển ngành nghề nông thôn. Ông cũng lưu ý hệ thống cần đặc biệt quan tâm đến vùng nguyên liệu, bởi "đây là mảnh đất màu mỡ cho khuyến nông phát triển".

"Bất cứ đổi mới nào cũng cần khẳng định được giá trị. Trong điều kiện hiện nay, giá trị ấy không chỉ là kinh tế, mà còn nằm ở việc phát triển cộng đồng. Cán bộ khuyến nông không những biết tuyên truyền cả đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, mà còn phải khơi gợi cảm hứng cho người dân trong sản xuất", Thứ trưởng nói.

Khuyến nông là loại hình đặc thù, không phải đào tạo nghề, không đơn thuần là truyền đạt kiến thức. Do đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT chỉ đạo, mỗi cán bộ khuyến nông cần tự trang bị, xây dựng, và chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, không trông chờ, ỷ lại vào những thứ có sẵn.

Hoạt động khuyến nông sẽ từng bước đổi mới. Ảnh: NNVN.

Hoạt động khuyến nông sẽ từng bước đổi mới. Ảnh: NNVN.

Từ kinh nghiệm khi còn làm việc tại Sở NN-PTNT Kiên Giang, Thứ trưởng Nam thông tin rằng một số trung tâm khuyến nông tỉnh đã chủ động khai thác được kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Ông chia sẻ, rằng nhiều tổ chức xã hội, doanh nghiệp hiện tham gia vào công tác khuyến nông. Trên vai trò điều phối, TTKNQG cần tạo sự kết nối với toàn bộ các đơn vị này.

Đã nói đến khuyến nông là phải nói đến mô hình. Đó cũng là yêu cầu của Thứ trưởng Nam trong việc đổi mới công tác khuyến nông. Nếu như trước đây, các mô hình hầu như tập trung vào vấn đề kỹ thuật như vật tư, phân bón, tập huấn, thì giờ mô hình phải chuyển hướng sang đa giá trị, liên kết với HTX, hình thành những vùng nguyên liệu lớn, đồng thời thổi vào những giá trị mới như an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc...

“Cán bộ khuyến nông phải liên tục xuống thực tiễn cơ sở, bởi ở đó rất sôi động, phản ánh đúng hơi thở cuộc sống", Thứ trưởng Nam kết luận.

Bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Dương cho biết, cán bộ khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ 5.000 tấn nông sản cho bà con nông dân trong đợt dịch Covid-19 hồi đầu năm 2021. Cùng với đó, Hải Dương đã tổ chức 5 diễn đàn khuyến nông @ theo hình thức trực tuyến, và tổ chức Hội nghị sản phẩm OCOP kết nối với 120 điểm cầu. Kết thúc hội nghị, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xúc tiến được hơn 20 hợp đồng tiêu thụ nông sản.

Trên tinh thần chủ động, kết hợp giữa tài nguyên bản địa và đổi mới sáng tạo, Khuyến nông Hải Dương đã phối hợp với một số tỉnh, thành phố lân cận như Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh...trong việc trao đổi nông sản. Bên cạnh đó, hệ thống khuyến nông tỉnh đã đưa hơn 300 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, kết nối giao thương trên toàn quốc.

Bà Đào kiến nghị lãnh đạo Bộ NN-PTNT và lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia quan tâm, hỗ trợ tỉnh xây dựng hệ thống văn bản cho phù hợp với chủ trương mới. Đồng thời, bà bày tỏ nguyện vọng được tham gia vào đề án phát triển khuyến nông cộng đồng. "Hải Dương hiện có hệ thống khuyến nông trải dài tới cấp xã, và vùng nguyên liệu cây vụ đông rất trù phú", bà chia sẻ.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Vụ dưa hấu 'đắng'

Thời tiết bất lợi cùng giá xuống quá thấp khiến người trồng dưa hấu ở vùng biên giới huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) thua lỗ nặng, nhiều hộ bỏ ruộng, chẳng buồn thu hoạch.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.