Trong cuộc họp báo sau khi hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 4/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố chiến dịch phản công của Ukraine đã thất bại.
"Về việc chiến dịch phản công của Ukraine bị trì hoãn, đó không phải là một sự trì hoãn, mà đó là một thất bại. Đó là những gì đang diễn ra hiện nay. Chúng tôi sẽ chờ xem chuyện gì xảy ra tiếp theo", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo, cuộc phản công do Ukraine phát động từ đầu tháng 6/2023 đã thất bại. Trong hai tháng qua, Ukraine đã mất hơn 43.000 quân và khoảng 5.000 thiết bị quân sự khác nhau, trong đó có 26 máy bay và 25 xe tăng Leopard.
"Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ sáng kiến hòa bình nào mới. Còn về việc đàm phán, chúng tôi chưa bao giờ từ chối", ông Putin nói.
Các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine bế tắc kể từ tháng 3/2022, dù hai bên khẳng định vẫn để ngỏ đối thoại. Nga tuyên bố chiến dịch quân sự chỉ chấm dứt khi Ukraine chấp nhận "thực tế lãnh thổ mới", nghĩa là công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga gồm Crimea, Kherson, Zaporizhia, Lugansk và Donetsk.
Về thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, ông Putin khẳng định Nga có thể khôi phục thỏa thuận thỏa thuận này chỉ khi phương Tây rút lại các lệnh hạn chế xuất khẩu nông sản Nga.
"Chúng tôi sẽ sẵn sàng xem xét khả năng khôi phục thỏa thuận ngũ cốc. Chúng tôi sẽ thực hiện điều này ngay sau khi tất cả các thỏa thuận về gỡ các hạn chế xuất khẩu nông sản Nga được thực hiện đầy đủ", ông Putin nói
Ông Putin cũng bác bỏ cáo buộc của phương Tây cho rằng Nga đã gây ra khủng hoảng lương thực bằng cách rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc vì giá lương thực đã “tăng không đáng kể”.
Nga và Ukraine là hai nước sản xuất nông nghiệp quan trọng của thế giới và là những nhà xuất khẩu lớn chính trên thị trường lúa mì, lúa mạch, ngô, dầu hạt cải và dầu hướng dương.
Tổng thống Putin cho biết Nga dự kiến thu hoạch 130 triệu tấn ngũ cốc trong năm nay, trong đó 60 triệu tấn có thể được xuất khẩu.
Ông Putin cũng cho biết Nga sắp đạt được thỏa thuận cung cấp miễn phí ngũ cốc cho 6 quốc gia châu Phi, gồm Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, Cộng hòa Trung Phi và Eritrea, với số lượng lên tới 50.000 tấn ngũ cốc mỗi nước.
Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen hồi tháng 7/2023 vì cho rằng việc xuất khẩu lương thực và phân bón của nước này gặp phải những trở ngại nghiêm trọng.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 31/8 cho biết ông đã gửi cho Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov "một loạt đề xuất cụ thể" nhằm khôi phục thỏa thuận.
Một trong những yêu cầu chính của Moscow là Ngân hàng Nông nghiệp Nga phải được kết nối lại với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 6/2022 đã loại bỏ Nga khỏi SWIFT, như một biện trừng phạt nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trong khi đó, ông Erdogan tỏ ra lạc quan và tin rằng có thể sớm tìm ra giải pháp để khôi phục thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen do Liên hợp quốc làm trung gian, bao gồm việc loại bỏ những thiếu sót còn tồn đọng.
“Tôi nghĩ có thể đạt được tiến triển. Chúng tôi tin rằng sẽ đạt được giải pháp đáp ứng được kỳ vọng trong thời gian ngắn”, ông Erdogan cho biết.
Ông Erdogan cũng cho rằng Ukraine nên tiết chế lập trường chống lại Nga trong các cuộc đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận và xuất khẩu nhiều ngũ cốc sang châu Phi hơn châu Âu.
“Ukraine cần đặc biệt mềm mỏng trong cách tiếp cận của mình mới có thể làm việc được với Nga”, Tổng thống Erdogan nói.