| Hotline: 0983.970.780

Ba lần Mỹ định tấn công hạt nhân Triều Tiên

Thứ Năm 10/08/2017 , 08:17 (GMT+7)

Với 37.000 lính thiệt mạng trong cuộc chiến Triều Tiên 1950 - 1953, Mỹ thường thận trọng khi đưa ra phản ứng thực chất với Bình Nhưỡng. 

Song có những lần bán đảo Triều Tiên từng bị đặt trong tầm ngắm vũ khí hạt nhân Mỹ.

Lần đầu tiên Mỹ từng tính phương án tấn công hạt nhân Triều Tiên là vào năm 1968, tình hình được coi là còn căng thẳng hơn vụ khủng hoảng tên lửa Cuba bởi giao tranh đã thực sự xảy ra.

Ở Bình Nhưỡng, chính phủ Triều Tiên vẫn giữ một chiến lợi phẩm từ năm 1968. Bên cạnh bờ sông Botong, chiếc tàu USS Pueblo (AGER-2) nằm đó, như là chiến tích của Bảo tàng Chiến thắng Chiến tranh Bình Nhưỡng.

09-25-03_tu-pueblo
Quân nhân Triều Tiên tham quan con tàu Pueblo, bị nước này bắt giữ năm 1968

Đây là chiếc tàu già cỗi thứ hai của hải quân Mỹ còn hoạt động, và là chiếc duy nhất của Washington bị nước khác bắt giữ, cho đến nay.

Vụ bắt giữ tàu Pueblo với thủy thủ đoàn 83 người, một người thiệt mạng, nhiều người bị thương, xảy ra ngày 23/1/1968. Các quan chức Mỹ thời đó tin rằng Triều Tiên hành động theo sự chỉ đạo của Liên Xô. Tuy nhiên, sự thực được phơi bày nhiều năm sau cho thấy Liên Xô không liên quan tới vụ việc.

Song có một thực tế, vụ Triều Tiên nổ súng bắt giữ tàu Mỹ cùng thủy thủ đoàn, đã đẩy căng thẳng thời kỳ Chiến tranh Lạnh lên mức cao nhất, từ khi khủng hoảng tên lửa Cuba xảy ra 5 năm trước đó. Khi ấy, Liên Xô và Mỹ cách chiến tranh hạt nhân chỉ một nút bấm ra lệnh phóng tên lửa từ các nhà lãnh đạo hai bên.
 

Nổ súng

Các tài liệu được giải mật của Mỹ cho biết lúc đó Tổng thống Lyndon B. Johnson được các quan chức khuyên rằng nên ra lệnh cho Triều Tiên thả lập tức con tàu cùng các thủy thủ, nếu không muốn đối mặt với đòn tấn công hạt nhân từ Washington.

Giới sử gia Mỹ cho rằng “Ngày tận thế có lẽ đã không bao giờ gần hơn thế”, ám chỉ sự khốc liệt nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra, so sánh với sự kiện khủng hoảng Cuba năm 1963, khi các tàu chiến Nga - Mỹ đối đầu nhau.

Tàu Pueblo, dưới sự chỉ huy của trung tá hải quân Lloyd M. Bucher, bị bắt khi tới vùng biển phía đông Triều Tiên để thu thập thông tin tình báo.

Mỹ tuyên bố tàu Pueblo ngày 20/1 cách bờ biển Triều Tiên khoảng 20,4 hải lý, nó bị một tàu ngầm Triều Tiên theo sát. Ngày 22/1, hai tàu cá Triều Tiên lại tới gần tàu Pueblo.

Việc con tàu của Mỹ bị Triều Tiên nổ súng, bắt giữ, được cho là có liên quan đến vụ ám sát hụt Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee hôm 22/1, trong khi thủy thủ đoàn của tàu Pueblo không được thông báo để tránh khu vực đang nóng lên sau vụ việc.

31 lính Triều Tiên vượt qua biên giới, đột nhập vào Nhà Xanh, tức Phủ Tổng thống Hàn Quốc, song họ thất bại trong nhiệm vụ ám sát.

Một ngày sau, một tàu ngầm Triều Tiên đuổi sát tàu Pueblo, buộc tàu này phải cung cấp thông tin quốc tịch. Khi lá cờ Mỹ được treo lên, tàu ngầm Triều Tiên ra lệnh tàu Mỹ phải dừng lại hoặc bị bắn.

Chỉ huy Bucher cố gắng cho tàu chạy đi, niềm hy vọng duy nhất với người Mỹ trên tàu là thời gian, để họ hủy tài liệu nhạy cảm và đợi cứu viện, do chỉ được trang bị vũ khí hạng nhẹ. Song Triều Tiên mau chóng huy động các chiến đấu cơ MiG-21 can thiệp, trong khi lực lượng cứu viện của Mỹ đã không tới.

Tài liệu được Mỹ công bố nói Pueblo chỉ được trang bị 10 súng trường bán tự động Browning, một khẩu súng lục, một súng máy. “Nó không thể chiến đấu với 4 tàu phóng lôi, hai tàu ngầm và nhiều chiến đấu cơ MiG bên phía Triều Tiên”, sĩ quan Mỹ Skip Schumacher kể về cuộc truy đuổi.

Phía Triều Tiên nổ súng khiến một thủy thủ Mỹ thiệt mạng, 18 người khác bị thương. Chỉ huy Bucher buộc phải đầu hàng để cứu toàn bộ thủy thủ đoàn.
 

Leo thang

Sự việc mau chóng khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng. Cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 khi đó vẫn ghi dấu ấn mạnh mẽ với người Mỹ, họ không muốn tiếp tục lún sâu vào nơi này bằng biện pháp đối kháng quân sự.

Mặt khác, Mỹ lúc này cũng đang chìm vào khủng hoảng với những thất bại nặng nề trên chiến trường Việt Nam. Để gỡ thể diện, Washington điều một số tàu sân bay tới biển Nhật Bản, yêu cầu Triều Tiên thả thủy thủ đoàn và con tàu.

Các cố vấn quân sự Mỹ đưa ra đề nghị về các biện pháp trả đũa Triều Tiên gồm phong tỏa cảng biển, không kích các mục tiêu quân sự, tấn công dọc khu phi quân sự chia tách hai miền Triều Tiên, phô trương sức mạnh không quân và hải quân bên ngoài cảng Wonsan, nơi tàu Pueblo bị bắt giữ.

09-25-03_thuy-thu-my
Một thủy thủ Mỹ giơ ngón tay giữa khi Triều Tiên chụp ảnh

Thậm chí kịch bản tấn công hạt nhân cũng được đưa ra. Tuy nhiên, thảm họa chiến tranh hạt nhân, hoặc ít ra một cuộc tấn công hủy diệt như thời Thế chiến II, với việc Mỹ ném hai quả bom hạt nhân xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, đã không xảy ra.

Tổng thống Johnson đã bác bỏ các phương án trả đũa quân sự. Ông cho rằng giải quyết bằng biện pháp đàm phán là cách tốt nhất để giải cứu thủy thủ tàu Pueblo.

Trước cuộc đàm phán, Triều Tiên đưa các thủy thủ bị bắt ra trước ống kính máy ảnh, để thế giới thấy rằng người Mỹ đã thừa nhận tội làm gián điệp và “xâm phạm hải phận”. Một thủy thủ Mỹ tỏ sự phản kháng bằng cách giơ ngón tay giữa khi chụp ảnh.

Người này giải thích với phía Triều Tiên rằng đó là một cử chỉ chúc may mắn của thổ dân Hawaii. Song sau đó Bình Nhưỡng phát giác đó là hành vi tục tĩu theo nghĩa Mỹ. Một số tờ báo nói thủy thủ Mỹ bị đánh đập sau khi Triều Tiên phát hiện sự phản kháng. Tuy nhiên, các thủy thủ này được báo Mỹ dẫn lời nói họ vẫn được đối xử tử tế, kèm theo yêu cầu không được chống đối hay tìm cách bỏ trốn.

Ngày 21/8/1968, Thiếu tướng Gilbert H. Woodward, đứng đầu phái đoàn đàm phán Mỹ, ký vào bản tuyên bố thừa nhận tàu Pueblo “xâm phạm trái phép vùng nước thuộc chủ quyền Triều Tiên”, xin lỗi Bình Nhưỡng vì “hành động nghiêm trọng của tàu Mỹ chống lại Triều Tiên”.

Các thủy thủ trên tàu Pueblo được thả hai ngày trước Giáng sinh năm 1968, kết thúc quá trình bị giam 335 ngày trên đất Triều Tiên. Tuy nhiên, tàu Pueblo đến nay vẫn bị Triều Tiên giữ lại như một chiến lợi phẩm khẳng định nước này có thể chống lại sức ép của Mỹ.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.