| Hotline: 0983.970.780

Bắc Giang số hóa trong đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP

Thứ Tư 14/12/2022 , 03:34 (GMT+7)

Tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2022 với những kết quả rất khả quan, tiếp tục có sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Có 69 sản phẩm đủ điều kiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2022 tại Bắc Giang. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bắc Giang.

Có 69 sản phẩm đủ điều kiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2022 tại Bắc Giang. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bắc Giang.

Đợt 2 năm 2022, các huyện, thành phố đã gửi hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cho 71 sản phẩm, trong đó có 50 sản phẩm đăng ký mới, 1 sản phẩm đăng ký nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao và 20 sản phẩm đánh giá, phân hạng lại của 52 chủ thể sản xuất.

Kết quả, đã có 2 sản phẩm được chấm điểm tương đương với 4 sao là ổi Tân Yên và xúc xích xông khói Hải Thịnh, còn lại có có 67 sản phẩm được chấm điểm tương đương 3 sao và 2 sản phẩm không đánh giá, phân hạng do tên sản phẩm và hồ sơ đề nghị đánh giá không đồng nhất.

Đáng lưu ý, tổ giúp việc Hội đồng OCOP cấp tỉnh Bắc Giang đã tiến hành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2022 thông qua việc ứng dụng phần mềm số hóa trong công tác đánh giá, phân hạng.

Tất cả các sản phẩm sau khi được đánh giá, phân hạng đều đã được trình lên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chờ phê duyệt và cấp giấy chứng nhận sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Giang đợt 2 năm 2022.

Sản phẩm Ổi Tân Yên được chấm điểm tương đương 4 sao. Ảnh: BG.

Sản phẩm Ổi Tân Yên được chấm điểm tương đương 4 sao. Ảnh: BG.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, việc sử dụng phần mềm đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đã được các địa phương trong cả nước ứng dụng.

Trước đây, quá trình thực hiện đánh giá, phân hạng theo phương pháp thủ công, các địa phương thường lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất. Thậm chí có nơi còn cảm tính trong quá trình thẩm định, công nhận sản phẩm OCOP khiến chất lượng sản phẩm chưa được bảo đảm.

Bên cạnh đó, cơ bản hồ sơ tham gia đánh giá OCOP rất dày, dài, yêu cầu rất nhiều giấy tờ chứng chỉ, quy trình sản xuất khác nhau gây áp lực cho cá cơ quan chức năng và các chủ thể.

Đây được xem là “nút thắt” trong quá trình triển khai từ quá trình đánh giá ở các cấp, các chủ thể tham gia cũng không thể nâng cao được chất lượng sản phẩm, từ đó khó đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.

Do vậy phần mềm đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đã giúp xử lý các vấn đề này, các chủ thể chỉ cần đăng ký tài khoản, thực hiện nộp hồ sơ sản phẩm online theo hướng dẫn.

Theo đó, các sản phẩm tham gia OCOP được các cơ quan chức năng đánh giá, chấm điểm theo 3 nhóm tiêu chí chính, gồm: Các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng, các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị, các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm.

Kết quả chấm điểm sản phẩm OCOP sẽ là cơ sở để Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các tỉnh, thành phố tiến hành chứng nhận, cấp sao cho sản phẩm.

Sản phẩm gà đồi Yên Thế được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: BG.

Sản phẩm gà đồi Yên Thế được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: BG.

Đặc biệt, với phần mềm này, các chủ thể, quản lý cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương đều có thể truy cập và có thể nắm rõ lịch trình thực hiện của các chủ thể nên rất thuận lợi cho công tác quản lý.

Tại tỉnh Bắc Giang, sau gần 4 năm triển khai thực hiện đã có 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (chưa tính đợt này), trong đó có 1 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao là vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân, 42 sản phẩm 4 sao.

Bắc Giang có nhiều sản phẩm đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng như Gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, na dai Lục Nam, chè Yên Thế, mỳ chũ Lục Ngạn,... tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm, nhiều nông sản nổi tiếng ở tầm quốc gia vươn tới xuất khẩu.

Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hoá, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thời gian tới, Bắc Giang sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn hình thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, hình thành chuỗi liên kết sản phẩm OCOP.

Mặt khác, đẩy mạnh hỗ trợ các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP về nguồn lực, về cơ chế chính sách để tạo điều kiện phát triển cũng như trong vận dụng hiệu quả linh hoạt các chính sách để hỗ trợ các chủ thể để hoàn thiện sản phẩm. Góp phần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP và đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Theo Quyết định 1048/QĐ-TTg, các chủ thể phải nộp 1 bộ hồ sơ giấy lên trên quản lý cấp huyện và sẽ tổ chức hội đồng chấm hồ sơ đó. Bất cập kéo theo là khi hồ sơ đã nộp đi rồi thì không bổ sung được.

Còn đối với phần mềm chỉ là số hóa dữ liệu, trước giờ chấm chủ thể được bổ sung hồ sơ, việc sử dụng phần mềm sẽ giúp việc phân hạng, đánh giá sản phẩm vẫn được đảm bảo thông suốt trong tình hình dịch bệnh hiện nay và giúp công tác quản lý, tìm kiếm thông tin được thuận lợi hơn.

Ứng dụng phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm không chỉ giảm bớt thủ tục, dễ dàng tìm kiếm thông tin, bảo đảm công tác vệ sinh môi trường mà góp phần đẩy nhanh quá trình chuẩn bị hồ sơ, đánh giá sản phẩm của các cơ quan một cách hiệu quả, công khai và bền vững.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Bình luận mới nhất