| Hotline: 0983.970.780

Bắc Giang: Vải kém đậu quả, dân lo ngay ngáy

Thứ Năm 11/04/2019 , 11:10 (GMT+7)

Dù kinh nghiệm đầy mình, những người trồng vải thiều ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vẫn hết sức lo lắng vì cây ra hoa, đậu quả không được như năm trước.

16-46-21_vi_luc_ngn_1
Những diện tích vải sớm vẫn ra hoa, đậu quả với tỷ lệ trên 80%

Cơ quan chuyên môn đang nỗ lực hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, tạo điều kiện tốt nhất để diện tích vải đã đậu quả phát triển.
 

Như có lửa đốt

Tại huyện Lục Ngạn, hơn 6 nghìn ha vải sớm vẫn cho hoa, đậu quả đạt khoảng 80%. Trái lại, nhiều vườn vải thiều chính vụ chỉ phát lộc. Điển hình như xã Quý Sơn, cả vùng đồi rộng lớn chỉ có một số cây vải ra hoa xen lộc non.

Thực tế tại vườn vải của gia đình ông Đào Văn Minh, thôn Trại Ba, xã Quý Sơn cho thấy, cây vải chủ yếu cho ra lộc non, vài cây điểm hoa lác đác song cành ngắn, bông nhỏ. Ông Minh chia sẻ: “Vụ trước, với gần một ha vải, gia đình tôi thu 7 tấn quả, còn vụ này may ra được một tấn là tốt rồi”.

Theo lời ông Minh, sau thu hoạch, gia đình thu dọn cành, lá, đốn tỉa cho vụ mới. Tuy nhiên do thời tiết ấm nóng, nhất là dịp áp Tết trời nắng như mùa hè nên cây bật chồi xanh tua tủa. Ông Minh bảo, thời điểm này cây không ra hoa, đậu quả thì coi như mất mùa, chẳng còn cách nào cứu vãn được.

Không riêng nhà ông Minh, nhiều vườn vải của các hộ xung quanh cũng xanh um lá mà chẳng thấy quả. Ngay bên cạnh, hộ ông Nguyễn Văn Độ dù đã rất nỗ lực tỉa cành, triệt lộc, chăm sóc nhưng chỉ có 50/150 cây trong vườn ra hoa, đang kết trái.

16-46-21_vi_luc_ngn_2
Tuy nhiên, diện tích vải thiều chính vụ đậu quả chỉ đạt trên dưới 50%

Lãnh đạo xã Quý Sơn cho biết, địa phương có hơn 2 nghìn ha vải chính vụ, tỷ lệ vải ra hoa đạt khoảng 50%, bằng một nửa so với vụ trước. Do vậy, nhiều hộ sẽ thất thu trong vụ vải năm 2019. Tại những xã vùng đồi của huyện Lục Ngạn, như Sa Lý, Phong Minh, Phong Vân tỷ lệ vải chính vụ ra hoa còn thấp hơn, dao động từ 40 – 50%.

Ông Vũ Lệnh Sánh, PGĐ Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Lục Ngạn cho biết, để chủ động đối phó, khắc phục những bất thuận của thời tiết gây ra, đơn vị khuyến cáo người dân mọi tập trung biện pháp chăm sóc.

Đối với vải sớm đã ra hoa không kèm lộc cần tưới nước đủ ẩm, bón phân cân đối, sử dụng các loại phân bón lá để kéo dài chùm hoa, đậu quả được thuận lợi. Vườn vải sớm vừa ra hoa vừa ra lộc thì không tưới nước nhằm hạn chế quá trình hình thành lộc. Riêng vải thiều chính vụ cần tưới nước, bón phân cân đối, ngắt bỏ lá mọc kèm để cây tập trung dinh dưỡng nuôi hoa, nâng tỷ lệ đậu quả.

Cũng theo ông Sánh, với tình hình hiện nay, công tác phòng trừ sâu bệnh càng phải được quan tâm. Giai đoạn này, vải thường bị các đối tượng như bọ xít, rệp muội, sâu đo, bệnh sương mai, thán thư, nhện lông nhung gây hại. Bởi vậy cần chủ động các biện pháp phòng trừ.

16-46-21_vi_luc_ngn_3
Người trồng vải tại Lục Ngạn đang rất lo lắng sản lượng năm 2019 sụt giảm dẫn tới thất thu (Ảnh: vaithieu.net)

“Hiện nay, nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, bệnh của người dân Lục Ngạn tăng cao. Rất có thể một số đối tượng sẽ lợi dụng tình hình đưa sản phẩm kém chất lượng cung ứng đến nông dân. UBND huyện Lục đã yêu cầu lực lượng chức năng kiểm tra chặt chẽ thị trường, chất lượng vật tư nông nghiệp, bảo đảm quyền lợi người dân", ông Sánh thông tin.
 

Đưa vải thiều sang Nhật Bản

Bên cạnh việc xử lý kỹ thuật, UBND tỉnh Bắc Giang cũng đang nỗ lực kết nối, đưa vải thiều Lục Ngạn XK sang Nhật Bản. Đây là tín hiệu đáng mừng với người trồng vải bởi trước nay 90% sản phẩm tiêu thụ nội địa và chủ yếu xuất sang Trung Quốc.

Từ năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã làm hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang tại Nhật Bản đối với quả vải tươi. Nếu như vào được thị trường Nhật Bản, vải thiều sẽ nhân thêm giá trị, mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người SX.

16-46-21_vi_luc_ngn_4
Trong khi đó, tỉnh Bắc Giang vẫn đang kết nối đưa vải thiều XK sang Nhật Bản, nâng cao thu nhập cho người dân (Ảnh: vaithieu.net)

Phía Nhật Bản yêu cầu, để được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, sản phẩm phải bảo đảm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật trong quy trình SX, giới hạn giống, cơ chế quản lý tem, nhãn hiệu, logo và các thủ tục hành chính khác.

Nắm bắt điều này, UBND huyện Lục Ngạn đã và đang xây dựng đề án “Vùng SX cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại xã Tân Mộc giai đoạn 2018 – 2020”, diện tích hơn 300 ha. Toàn bộ diện tích tham gia dự án phải tuân thủ quy trình canh tác VietGAP và GlobalGAP. Cùng với đó là công nghệ bảo quản hiện đại có tem mã vạch truy xuất nguồn gốc.

Theo ông Ngô Chí Vinh, PGĐ Sở KH-CN Bắc Giang, hiện nay, vải thiều Lục Ngạn là nông sản duy nhất của tỉnh đã xây dựng chỉ dẫn địa lý trong nước. Nếu thành công, đây sẽ là sản phẩm đầu tiên của Bắc Giang có chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài, tạo cơ hội rất lớn cho vải thiều xuất khẩu.

Huyện Lục Ngạn hiện có hơn 16.000 ha vải thiều chính vụ. Theo Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Lục Ngạn, vụ vải năm nay chất lượng hoa kém, tỷ lệ đậu quả thấp. Nguyên nhân là do thời tiết nóng ẩm, ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mầm hoa của cây vải.

 

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.