Doanh nghiệp mang đến kỳ vọng
Tiêu chuẩn FSC là chứng nhận được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường rừng với lợi ích xã hội của các bên liên quan.
Dự án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC được triển khai tại tỉnh Bắc Kạn từ năm 2017, do Công ty Cổ phần WOODSLAND Việt Nam phối hợp với tỉnh Bắc Kạn triển khai, được kỳ vọng sẽ nâng cao thu nhập cho người dân. Rừng trồng đạt chứng chỉ FSC, chất lượng gỗ sẽ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Châu Âu. Qúa trình trồng và chăm sóc phải tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của doanh nghiệp.
Mô hình được khảo sát đánh giá tiền khả thi về Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho các nhóm hộ tại 06 xã thuộc huyện Chợ Mới, gồm các xã Cao Kỳ, Nông Hạ, Hòa Mục, Thanh Mai, Thanh Vận và xã Như Cố. Qua đánh giá, kết quả thống nhất chọn 03 xã Cao Kỳ, Nông Hạ, Hòa Mục triển khai Mô hình thí điểm Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng (FSC) với 322 hộ gia đình/cá nhân tham gia. Tổng diện tích rừng tham gia lên đến 921 ha.
Các chủ rừng có chứng chỉ rừng FSC được Công ty Cổ phần Woodsland cam kết tiêu thụ ổn định, lâu dài với giá thành cao hơn rừng thường khoảng hơn 100 ngàn đồng/m3. Mục tiêu theo lý thuyết của dự án này là sẽ góp phần cho việc rừng được quản lý một cách chặt chẽ, sản phẩm bán ra thị trường có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng, các chỉ số về môi trường (đất, nước, không khí, đa dạng sinh vật…) được cải thiện từ áp dụng phương thức quản lý rừng chuẩn quốc tế.
Các vấn đề xã hội như an toàn lao động, trả công cho lao động địa phương, hỗ trợ, quyền lợi và trách nhiệm của người bản địa được quy định rõ và tăng cường, hệ thống giao thông được duy tu, nâng cấp…
Trong quá trình triển khai dự án rừng FSC, Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương tiếp tục duy trì, phát triển nhóm chứng chỉ rừng đồng thời quảng bá hình ảnh rừng được cấp chứng chỉ và khả năng cung cấp gỗ có chứng chỉ rừng cho các doanh nghiệp chế biến gỗ FSC trong nước và quốc tế.
Thế mạnh của tỉnh Bắc Kạn là lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển ngành hàng gỗ và dược liệu dưới tán rừng ở diện tích hơn 300.000 ha rừng. Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa thể khai thác được thế mạnh này để nâng cao thu nhập cho người dân.
Năm 2020, lượng gỗ xuất khẩu của Bắc Kạn chưa đến 100.000 m3. Sản phẩm mới chỉ được chế biến ở mức thô sơ (chủ yếu là gỗ bóc và dăm), và hiện toàn tỉnh chỉ có hai nhà máy chế biến, xuất khẩu ván dán.
Người dân thất vọng
Thời gian thực hiện mô hình thí điểm Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng (FSC) từ tháng 5/2017 đến tháng 2/2018. Chứng chỉ rừng FSC thừa nhận chủ rừng và nhà quản lý sở tại trong nỗ lực quản lý rừng bền vững, giúp người dân tham gia nhóm chứng chỉ rừng có ý thức tốt hơn về bảo vệ môi trường, thể hiện tính cộng đồng cao hơn trong sản xuất lâm nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao lâu dài, ổn định.
Mô hình sẽ khép kín từ quá trình trình trồng, chăm sóc và cho thu hoạch, đảm bảo gỗ chất lượng xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.
Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai, không hiểu vì lý do gì, phía doanh nghiệp ký cam kết tiêu thụ gỗ là Công ty Cổ phần WOODSLAND Việt Nam đã có văn bản thông báo sẽ không thu mua gỗ cho bà con.
Trong khi đó, hơn 921 ha rừng đạt chứng chỉ FSC, chủ yếu tập trung ở huyện Chợ Mới đã đến tuổi đã già cỗi nhưng chưa được khai thác khiến chủ rừng hết sức thất vọng.
Có người cố chờ đợi doanh nghiệp thu mua theo cam kết, nhiều người không chờ được phải chấp nhận bán cho tư thương để có tiền trang trải cuộc sống và trồng rừng mới. Phải nói thêm rằng, việc bán cho tư thương với giá chỉ bằng các loại gỗ trồng thông thường nên chịu thiệt thòi lớn.
Ông Đinh Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Nông Hạ cho biết: Các diện tích rừng thực hiện dự án cấp chứng chỉ FSC, quá trình chăm sóc, tỉa thưa rừng… đều được thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ Công ty Cổ phần WOODSLAND Việt Nam.
Để cấp chứng chỉ FSC, các diện tích rừng phải trải qua 2 lần thẩm định, kết quả là cơ bản các hộ tham gia đều đạt tiêu chí. Tuy nhiên, khi đã được cấp chứng chỉ đủ điều kiện khai thác thì các diện tích rừng này lại không thấy doanh nghiệp đến thu mua.
"Một số bà con không chờ lâu được đã khai thác gỗ bán ra theo giá thị trường. Sự việc trên khiến cho chúng tôi rất khó giải thích cho bà con hiểu", ông Tuấn nói.
Có thể thấy, việc phát triển rừng theo tiêu chuẩn Châu Âu là hướng đi đúng đắn, tạo điều kiện cho gỗ rừng trồng Bắc Kạn xuất khẩu, nâng cao giá trị. Tuy nhiên, việc chọn đối tác trong quá trình hợp tác làm ăn chưa thấu đáo, mang lại rất nhiều hệ lụy trong việc giải quyết khi có những vướng mắc xảy ra, đồng thời ảnh hưởng đến tư tưởng của người dân, khiến người dân thất vọng.
Do đó, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn và cơ quan chuyên môn đang khẩn trương tìm hướng giải quyết vướng mắc để tiêu thụ gỗ cho người trồng rừng.
Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn thông tin: Hiện nay tỉnh Bắc Kạn đã tìm một doanh nghiệp khác thay thế Công ty Cổ phần WOODSLAND Việt Nam.
Đơn vị này đã ký kết với Sở NN-PTNT và sẽ chịu chi phí đánh giá, cam kết mua sản phẩm cho người dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện kéo dài, nên một số diện tích người dân đã tự khai thác và bán cho tư thương.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Mỹ Hải, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn: Công ty Cổ phần WOODSLAND Việt Nam đã có văn bản không thu mua số gỗ đạt tiêu chuẩn FSC trên. Hiện có một đơn vị ở Hà Nội đã thế vào để tiến hành thu mua gỗ nhưng do rất nhiều thủ tục phức tạp (vì dự án liên quan đến nước ngoài) và dịch Covid-19 bùng phát nên chưa triển khai được.
Hiện nay, toàn tỉnh có 274.000ha rừng tự nhiên và gần 100.000ha rừng trồng tập trung, tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước (73,4%). Những “lá phổi xanh” không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn tạo nguồn sinh thủy dồi dào; phòng chống thiên tai và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, người trồng rừng, giữ rừng ở Bắc Kạn đang chịu thiệt thòi rất lớn vì khó thu phí dịch vụ môi trường rừng. Nguyên nhân là do Bắc Kạn có ít nhà máy thủy điện (khác với tỉnh Hòa Bình và Sơn La, Lai Châu).
Mức hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng của nhà nước hiện nay cũng rất thấp (chỉ 400.000 đồng/ha/năm) nên người giữ rừng khó có thể đảm bảo cuộc sống.
Do đó, tỉnh Bắc Kạn đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ kinh phí để tỉnh thực hiện 3 dự án gồm: Nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng; hỗ trợ việc cấp chứng chỉ FSC và Phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng.
(Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn).