| Hotline: 0983.970.780

Ngành lâm nghiệp Bắc Kạn lao đao vì dịch bệnh

Thứ Sáu 27/03/2020 , 08:38 (GMT+7)

Hàng loạt cơ sở chế biến gỗ dừng hoặc hoạt động cầm chừng, nhiều diện tích rừng trồng đến tuổi khai thác nhưng không có người mua, hoặc phải bán với giá thấp hơn.

Nhiều xưởng sản xuất, chế biến gỗ dừng hoạt động vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nhiều xưởng sản xuất, chế biến gỗ dừng hoạt động vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Toán Nguyễn.

Đó là thực trạng đang diễn ra tại Bắc Kạn hiện nay, hàng làm ra không xuất bán được do những hạn chế về việc nhập hàng của các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bài... bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Với các mặt hàng gỗ bóc, ván ép, gỗ ép, … ngay cả các giao dịch trong nước cũng suy giảm đáng kể, bởi nhu cầu không nhiều.

Theo chân cán bộ Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn đi dọc quốc lộ 3B từ TP Bắc Kạn qua huyện Bạch Thông và Chợ Đồn, có thể thấy rõ việc một số cơ sở sản xuất gỗ xẻ, gỗ bóc đã đóng cửa từ sau Tết Nguyên đán đến nay chưa mở cửa trở lại.

Theo cơ quan quản lý lâm nghiệp địa phương là Chi cục Kiểm lâm huyện Bạch Thông, một số đơn vị khai báo là tạm dừng hoạt động 3 tháng. Nhưng nhiều xưởng dừng sản xuất không khai báo, chủ xưởng thậm chí chuyển đi nơi khác làm ăn và không biết khi nào mới có thể hoạt động trở lại.

Đến xưởng ván bóc ở xã Dương Phong, huyện Bạch Thông do bà Ngô Thị Yến làm chủ, chuyên sử dụng gỗ mỡ, keo, thông, … làm nguyên liệu.

Trong năm 2019, xưởng sử dụng khoảng 1.000m3 khối gỗ để sản xuất, nhưng bước sang 2020 chỉ bóc được 65m3 theo đơn hàng cũ trong tháng 1. Sau đó nghỉ tết, rồi nghỉ luôn đến giờ, chưa mua thêm mét khối gỗ nào cho người dân.

Bà Yến cho biết từ đầu năm mới bán được 50m3 ván bóc, nhiều hàng tồn còn lại, không có người đặt mua, và không biết bán cho ai. Lý do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng chủ yếu bán sang Trung Quốc, nhưng thị trường này đóng cửa vì dịch.

Xưởng gỗ bóc của bà Ngô Thị Yến đã dừng sản xuất từ trước Tết nguyên đán, sản phẩm tồn cũng không bán được. Ảnh: Toán Nguyễn.

Xưởng gỗ bóc của bà Ngô Thị Yến đã dừng sản xuất từ trước Tết nguyên đán, sản phẩm tồn cũng không bán được. Ảnh: Toán Nguyễn.

Xưởng gỗ bóc duy nhất còn hoạt động dọc tuyến quốc lộ 3b TP Bắc Kạn – Chợ Đồn là cơ sở gỗ bóc Trung Kiên.

Năm 2019, xưởng sản xuất khoảng 1.000m3 gỗ nguyên liệu, sang năm 2020 đã giảm công suất xuống còn 1 nửa. Tháng 1 sản xuất hơn 53m3, tháng 2 hơn 56m3, tháng 3 cũng không khá hơn. Sản xuất là để duy trì công nhân, chứ sản phẩm làm ra không có người mua.

Ông Nguyễn Trung Kiên, chủ cơ sở cho biết: Do dịch Covid-19, thị trường ngoài nước đã ngưng nhập hàng, còn thị trường nội địa cũng không có khách mua. Rất mong đợt dịch đi qua nhanh, để thị trường mở cửa, mới trở lại sản xuất bình thường được.

Xưởng gỗ bóc Trung Kiên đang sản xuất nốt số gỗ nguyên liệu từ năm 2019, và duy trì sản xuất để giữ chân công nhân. Ảnh: Toán Nguyễn.

Xưởng gỗ bóc Trung Kiên đang sản xuất nốt số gỗ nguyên liệu từ năm 2019, và duy trì sản xuất để giữ chân công nhân. Ảnh: Toán Nguyễn.

Xưởng gỗ ép Nà Chèn (huyện Bạch Thông) là một trong những đơn vị chế biến gỗ hiếm hoi tại tỉnh Bắc Kạn vẫn còn đang hoạt động bình thường từ đầu năm 2020 đến nay. Xưởng duy trì 30 công nhân thời vụ, chuyên làm về gỗ ép, gỗ dán theo đơn hàng 100m3 gỗ ép từ đầu năm 2020 để bán cho một đơn vị trung gian ở Hà Nội, rồi xuất cho thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.

Chủ xưởng Lê Văn Tuyến cho biết, thời gian vừa qua xưởng vẫn sản xuất bình thường và duy trì nhập nguyên liệu. Nhưng hiện nay đơn vị vẫn chưa có đơn hàng kế tiếp, nên đang cố gắng tìm hướng mở rộng thị trường nội địa. Loại sản phẩm gỗ ép vẫn có thể bán được trong nước, tuy nhiên giá bán sẽ thấp hơn xuất khẩu.

Xưởng gỗ ép, gỗ dán Nà Chèn là đơn vị hiếm hoi ở Bắc Kạn vẫn sản xuất bình thường, nhưng cũng chưa có đơn hàng kế tiếp. Ảnh: Toán Nguyễn.

Xưởng gỗ ép, gỗ dán Nà Chèn là đơn vị hiếm hoi ở Bắc Kạn vẫn sản xuất bình thường, nhưng cũng chưa có đơn hàng kế tiếp. Ảnh: Toán Nguyễn.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 295 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản. Trong đó 82 cơ sở đã dừng hoặc tạm dừng hoạt động, số đơn vị vẫn đang hoạt động sản xuất bình thường còn rất ít, nhiều đơn vị hoạt động cầm chừng.

Chi cục trưởng Kiểm lâm Bắc Kạn Nguyễn Hữu Thắng thông tin năm 2020, kế hoạch trồng rừng của tỉnh là 5.900ha, người dân đã đăng ký 4.800ha và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao. Dịch bệnh không chỉ tác động tiêu cực đến chế biến gỗ, làm giảm giá gỗ thành phẩm, thậm chí rừng đến tuổi khai thác không có người mua, gián tiếp ảnh hướng kế hoạch trồng rừng mới của tỉnh.

Hiện tỉnh Bắc Kạn vẫn là địa phương có độ che phủ rừng là xấp xỉ 73%, cao nhất cả nước, với hơn 97.000 ha rừng trồng. Trong đó cây mỡ là 44.000 hecta, keo 24.000 ha, thông 8.000 ha; còn lại là các loại cây khác như lát, xoan, bồ đề,… Đại đa số người dân vùng cao Bắc Kạn có thu nhập từ trồng rừng.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất