| Hotline: 0983.970.780

Nữ hoàng rừng Bắc Kạn

Thứ Sáu 12/10/2012 , 09:29 (GMT+7)

Bà là Hoàng Thị May, thôn Bản Quất, xã Như Cố, huyện Chợ Mới. Mất 2 ngày hẹn, chúng tôi mới gặp được bà tại nhà riêng.

Tỷ phú Hoàng Thị May
Bà là Hoàng Thị May, thôn Bản Quất, xã Như Cố, huyện Chợ Mới. Mất 2 ngày hẹn, chúng tôi mới gặp được bà tại nhà riêng.

>> Bỏ phố lên rừng
>> Người trồng nhiều rừng nhất Tuyên Quang

Dù đã giữa chiều nhưng bà May mới đang dùng bữa trưa. Người phụ nữ 53 tuổi vừa đi xe máy vượt qua đoạn đường dài hàng trăm km từ xã vùng sâu của huyện Bạch Thông về để đúng hẹn với khách.

Vóc dáng thấp đậm nhưng bà May lại mang phong thái rất nhanh nhẹn, linh hoạt, vừa mộc mạc, giản dị mà lại đằm sâu nét đẹp của người phụ nữ dân tộc Tày. Vào chuyện, bà bộc bạch, đang làm đại lý bảo hiểm nên phải đi khắp nơi để khai thác, phải có tiền thì mới trồng và phát triển được rừng.

Bà May tuổi Kỷ Hợi (1959). Sinh ra ở bản Khuân Tèng, lớn lên từ rừng, sống nhờ rừng, cả tuổi thơ của bà gắn với rừng. Rừng Như Cố trong ký ức của bà không chỉ đẹp mà còn là nguồn sống của dân bản. Thời con gái, khi đi làm nương, có lần bà còn bắt được con nai, con hoẵng. Giờ, chuyện đó đã thành cổ tích. Giai đoạn đốt rừng làm nương đã biến những khu rừng nguyên sinh trước kia trở thành đồi núi trơ trọc đá sỏi. Rừng già cổ thụ hóa thành bãi ót, khóm lau sậy, con chim, con thú bỏ đi hết.

 Đau đáu nỗi niềm với rừng, năm 2002, bà May thuyết phục được chồng con khôi phục rừng bằng việc trồng rừng. Trước mắt, gia đình bà thực hiện việc trồng rừng keo ngay trên diện tích 4 ha của gia đình. Cây keo bám đất lớn rất nhanh. Bà May lại mua thêm hơn 10 ha đất rừng để trồng tiếp.

Trong câu chuyện về những khó khăn ban đầu khi thực hiện ý định khôi phục rừng, ông Nguyễn Văn Sơn là hàng xóm của gia đình bà May góp chuyện. Lúc đó, dân bản thấy lạ vì rừng cho gỗ, cho thú chứ có ai đi vãi thóc ra rừng bao giờ?

Rồi dị nghị nảy sinh, những khu rừng nghèo kiệt mà gia đình bà May phát để trồng mới đã bị “sờ” về thủ tục, thậm chí phải đình chỉ tạm thời vì bị cho là phá rừng. Thời gian đã làm những ngọn cây keo cứ cao mãi lên, rì rào cùng gió, gọi đàn chim quay về hót. Dân bản thấu được cũng mang cây trồng kín cả đất rừng Như Cố.

Bà May thống kê, tổng diện tích rừng mà gia đình bà đã trồng được qua 4 năm, tính đến năm 2005 là 30 ha. Cơ sở để tạo ra rừng xanh lại chính là từ 30 ha đất rừng cằn ban đầu. Bà May thổ lộ, không thể có đủ nguồn lực để mua và trồng mới diện tích rừng lớn như vậy ngay được mà phải dùng chiến lược lấy ngắn nuôi dài.

Sau khi mua đất, gia đình bà đã trồng sắn hoặc làm lúa nương rồi dùng nông sản đó đổi lấy giống keo hoặc trả công để thuê lao động. Cứ như vậy, mỗi năm mua thêm một ít, trồng thêm một ít.

Năm 2005, người con trai út của vợ chồng bà May theo chân 3 anh trai đi học chuyên nghiệp xa nhà. Chồng bà làm chòi, lập lán canh rừng. Hết đất trồng rừng lại neo người, bà đóng cửa hàng tạp hóa, chuyển sang làm đại lý bảo hiểm. Những tưởng ý định trồng rừng đã dừng lại ở đó thì vợ chồng bà lại lặn lội qua Bình Văn vào tận 2 xã vùng sâu là Yên Cư và Yên Hân của huyện Chợ Mới tiếp tục liên kết trồng rừng.

Lần này, bà là chủ đầu tư và phối hợp với cư dân địa phương có đất cùng trồng rừng. Theo thỏa thuận chia đôi lợi nhuận thì gia đình bà góp toàn bộ tiền thiết kế, mua giống, công trồng, chăm sóc và bảo vệ. Sau 2 năm, đến 2007, khi đã đạt được dự định ban đầu về diện tích, bà May chính thức dừng việc trồng rừng mới. Chúng tôi hỏi về số lượng diện tích rừng trồng tại Yên Cư và Yên Hân, bà May chỉ lấp lửng “khoảng 30 ha gì đó, nói ra nhiều sợ người ta cười là mình không khiêm tốn”.

Dòng suối Nhì Cà, một phụ lưu của tả ngạn sông Cầu quanh năm ầm ào nước cuốn, chạy vào giữa khu rừng của bà May ở xã Như Cố làm người ta ngỡ như mình lạc vào đại ngàn. Những cây keo lớn có đường kính tới 30-40 cm đứng dàn hàng thẳng tắp.

Tư duy kinh tế đầy chiến lược của bà May khiến chúng tôi thực sự kính nể. "Nữ hoàng trồng rừng" liền đơn giản hóa bài toán trên bằng cách nghĩ khác, dí dỏm nhưng sâu sắc, rằng “nếu mình may mắn trở thành tỷ phú thì đó cũng chỉ là cách để cố gắng giữ danh hiệu tỷ phú lâu hơn nữa thôi mà!”.

Cùng vào thăm rừng, ông Mai Xuân Huấn (Phó chủ tịch UBND xã Như Cố) cho biết, với nỗ lực của mình, gia đình bà May đã đi đầu, lan tỏa và tạo ra phong trào trồng rừng sôi nổi ở địa phương. Đến nay, tất cả các diện tích rừng sản xuất của Như Cố đã được người dân nhận trồng thực hiện đạt 100%. Đánh giá về rừng keo bà May, ông Huấn khẳng định, mỗi ha keo sẽ cho thu nhập từ 60-80 triệu đồng.

Thấy chúng tôi nhân con số trung bình là 70 triệu/ha với 30 ha rừng keo đã đến tuổi khai thác, bà May khua tay, đó là cách lập luận số học đơn sơ. Rồi bà phân tích, thực tế, để có một diện tích lớn rừng trồng thì nguồn lực đầu tư là không hề nhỏ. Vấn đề là việc thu hồi vốn phải đảm bảo ổn định, lâu dài.

 Theo đó, với tổng số lượng diện tích đã có, bắt đầu từ năm 2013, mỗi năm gia đình bà sẽ chỉ khai thác khoảng 10 ha, rồi lại tiếp tục trồng mới trên diện tích vừa khai thác. Như vậy, việc khai thác rồi trồng mới sẽ diễn ra liên tục trong các năm, không chỉ đảm bảo ổn định về công ăn việc làm mà ổn định cả về thu nhập. Kết thúc một chu kỳ là 10 năm.

 Song hành với quá trình trên, bà May cho biết, gia đình cũng tính tới việc đầu tư thiết kế lô khoảnh để cơ giới hóa làm rừng, xây dựng xưởng chế biến lâm sản thành khí, tạo thêm công ăn việc làm… (Hết)

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.