| Hotline: 0983.970.780

Bắc Kạn tìm đầu ra cho 24.500 tấn cam, quýt

Thứ Ba 30/11/2021 , 17:09 (GMT+7)

UBND tỉnh Bắc Kạn đưa ra nhiều giải pháp nhằm tiêu thụ khoảng 24.500 tấn sản phẩm quýt, cam đến vụ thu hoạch đang gặp khó khăn về đầu ra do dịch Covid-19.

Quýt Bắc Kạn vẫn được tiêu thụ theo hình thức thu hoạch rồi bán cho tư thương là chính. Ảnh: Toán Nguyễn.

Quýt Bắc Kạn vẫn được tiêu thụ theo hình thức thu hoạch rồi bán cho tư thương là chính. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cam, quýt Bắc Kạn vào vụ

Tổng diện tích cây cam, quýt trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vào khoảng trên 3.500 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là trên 2.400 ha. Cam, quýt Bắc Kạn trồng tập trung tại huyện Bạch Thông (các xã Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong), cùng với các xã giáp ranh thuộc T.P Bắc Kạn và huyện Chợ Mới.

Thời gian thu hoạch chính vụ quýt từ giữa tháng 11 cho đến hết năm, tập trung chủ yếu trong tháng 12. Quả cam thì muộn hơn, từ đầu tháng 1 cho đến đầu tháng 2 năm sau. Năm 2021, sản lượng cam, quýt Bắc Kạn ước đạt khoảng 24.500 tấn, trong đó quýt khoảng hơn 17.700 tấn, cam khoảng 6.800 tấn.

Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phía Trung Quốc hạn chế thông thương, nên nông sản trong nước khó lưu thông, giá quýt Bắc Kạn thấp kỷ lục, có thời điểm chỉ là 2.000 đồng/kg (trong năm 2020). Do vậy, để hạn chế thiệt hại cho người nông dân, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Kạn đã đề ra nhiều giải pháp để tiêu thụ hàng hóa.

Ông Nguyễn Ngọc Cương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Kạn cho biết: Hiện đầu vụ, loại quả quýt to, đẹp đang được bán với giá khoảng 15.000đ/kg, kênh tiêu thụ vẫn qua tư thương là chính. Các đơn vị như Viettel, Bưu điện đã vào cuộc đưa lên sàn thương mại điện tử để quảng bá và giới thiệu sản phẩm, bước đầu cũng có hiệu quả.

Tỉnh Bắc Kạn cũng đã đề nghị một số hệ thống siêu thị lớn bán và giới thiệu cam, quýt cho tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh Bắc Kạn cũng gửi văn bản cho các tỉnh, thành phố trên cả nước đề nghị hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Tất cả là để giúp người dân bán được hàng, vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Sở Công thương Bắc Kạn được UBND tỉnh giao nhiệm vụ cung cấp các thông tin về sản phẩm, chất lượng, thời vụ sản phẩm nông sản đến mùa vụ, trong đó có sản phẩm cam, quýt Bắc Kạn và đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, UBND các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn,… nghiên cứu, kết nối tiêu thụ sản phẩm; đề nghị các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử hỗ trợ đưa banner quảng cáo cam, quýt Bắc Kạn trên website của các đơn vị.

Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Kạn đi tìm hiểu thực tế tại một vườn quýt ở huyện Na Rì. Ảnh: Toán Nguyễn.

Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Kạn đi tìm hiểu thực tế tại một vườn quýt ở huyện Na Rì. Ảnh: Toán Nguyễn.

Tìm đầu ra cho cam, quýt Bắc Kạn

UBND tỉnh Bắc Kạn đã gửi văn bản tới một số hệ thống siêu thị lớn, có uy tín trong nước như Vincommerce, Big-C, Aeon, Vinmart… nhằm đề nghị đơn vị hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cam, quýt và một số mặt hàng nông sản của tỉnh Bắc Kạn, cung cấp vào chuỗi hệ thống siêu thị của các đơn vị này.

Trong tháng 12, tỉnh Bắc Kạn sẽ đưa sản phẩm cam, quýt tham gia Chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía bắc với nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” do Bộ Công thương tổ chức; tham gia gian hàng trực tuyến tại Triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2021 - Vietnam FoodExpo 2021. Dự kiến nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, Bắc Kạn sẽ tổ chức 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Công thương khu vực Đông Bắc - Bắc Kạn năm 2021.

Quýt ngọt có giá bán hiện nay khoảng hơn 30.000đ/kg. Ảnh: Toán Nguyễn.

Quýt ngọt có giá bán hiện nay khoảng hơn 30.000đ/kg. Ảnh: Toán Nguyễn.

Tỉnh Bắc Kạn cũng xác định việc tiêu thụ sản phẩm bằng hình thức thương mại điện tử là việc làm cấp thiết trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, do không thể quảng bá và bán sản phẩm theo hình thức trực tiếp như trước đây. Vì vậy, tỉnh đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng, cách thức vận hành, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thiết kế, xây dựng các gian hàng “cam, quýt Bắc Kạn” và vận hành trên các sàn thương mại điện tử Voso, PostMart,....

Những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có chứng nhận an toàn thực phẩm hoặc VietGAP... sẽ được tỉnh tổ chức kết nối, hỗ trợ đàm phán và ký kết hợp đồng tiêu thụ. Trong đó có các chuỗi phân phối, bán buôn, bán lẻ, bếp ăn tập thể và các nhà máy chế biến trong cũng như ngoài tỉnh.

Xem thêm
Vua của các loài hoa Tây Bắc hút khách miền xuôi

Qua rằm tháng Chạp, những chậu địa lan Sa Pa giá hàng chục triệu đồng đã được khách miền xuôi lên mua. Trong khi, giá hoa lan Trung Quốc tăng giá nhẹ vì thời tiết. 

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam

Vinachem vừa ban hành Quyết định số 18/QĐ-HCVN bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tập đoàn giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.