Việc 5.000 tấn bí xanh thơm Ba Bể được tiêu thụ hết nói riêng và các loại nông sản khác của Bắc Kạn nói chung vượt qua được khó khăn do dịch Covid-19 để vươn ra được thị trường đều có điểm chung, đó là sự thay đổi trong cách làm và tư duy bán hàng, lấy mạng xã hội và internet làm kênh quảng bá sản phẩm.
Bí xanh thơm là cây trồng bản địa có đặc điểm quý là tất cả thân, lá, hoa, quả đều có mùi thơm. Vỏ bí cứng dày nên bà con để được rất lâu, thường để làm rau xanh dự trữ ăn mùa mưa bão, mùa đông giá rét khan hiếm rau...
Việc vận chuyển hàng hóa cũng được linh hoạt hơn, thông qua nhiều kênh vận chuyển khác nhau, như bưu điện hay các công ty chuyển phát nhanh, chứ không chỉ bằng xe tải hay xe khách như trước, nên dễ dàng tiếp cận được với người tiêu dùng hơn.
Một đơn vị vừa tiêu thụ thành công hơn 1.000 tấn bí tại huyện Ba Bể cho biết, HTX bán hàng thông qua việc đưa hàng lên các sàn thương mại điện tử như Postmart (Bưu điện), Voso.vn (Viettel), backanmarket.vn (Bắc Kạn), sàn ASA, website của hợp tác xã, trang mạng xã hội (facebook, zalo, tik tok),…
Bên cạnh đó, sản phẩm bí xanh thơm Ba Bể nhờ đạt chứng nhận OCOP, có truy xuất nguồn gốc, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm nên khi đưa lên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đã nhận phản hồi tích cực. Dịch Covid-19 ảnh hưởng tới việc bán, giao hàng trực tiếp nhưng nhờ thương mại điện tử, toàn bộ diện tích bí đã được tiêu thụ hết.
Được biết, một số HTX của Ba Bể và Bắc Kạn đang có tham vọng mở rộng kênh bán hàng lên một ứng dụng bán hàng nổi tiếng khác là Amazon.
Trong thời gian vừa qua, để giúp người dân tiếp cận với xu thế hiện nay, vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung hỗ trợ người dân tham gia giao dịch nông sản trên các sàn thương mại điện tử. Nhiều sản phẩm nông sản nhờ vậy vẫn tiêu thụ tốt dù địa phương phong tỏa, giãn cách để phòng dịch Covid-19.
Với mục tiêu mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh, đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ sản phẩm, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp một số đơn vị, doanh nghiệp triển khai xây dựng sàn thương mại điện tử tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP của địa phương tiếp cận gần hơn với thị trường trong và ngoài nước.
Từ sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Bắc Kạn đã tập huấn cho 45 hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác về kỹ năng tham gia sàn thương mại điện tử, như: Shopee, Sendo, Tiki, Voso…; kỹ năng làm phim để quảng bá sản phẩm,...
Qua đó, đã có 56 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, trên cổng thông tin của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Bắc Kạn hiện đã có 44 sản phẩm của 33 HTX được giới thiệu.
Tháng 5/2021, UBND tỉnh Bắc Kạn đã triển khai sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn có tên miền www.backanmarket.vn. Thông qua sàn thương mại điện tử này, Bắc Kạn quảng bá và phân phối các sản phẩm OCOP; giúp các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh sản xuất quản lý thông tin sản phẩm dịch vụ; giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Trong năm đầu, các giao dịch trên Sàn sẽ được miễn phí hoàn toàn với mục tiêu giúp người dân, doanh nghiệp từng bước làm quen với ứng dụng mới.
Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025 có 40% số xã có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến; 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động.