Mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đang được nhiều nông dân áp dụng tại Bạc Liêu |
Song, sự chuyển đổi mô hình nuôi này chỉ dừng lại ở mức độ tự phát, có hộ chuyển đổi thành công song cũng không ít hộ thất bại. Thực tế trên đòi hỏi ngành chức tỉnh Bạc Liêu sớm liên kết nghiên cứu, tìm hiểu và chuyển giao mô hình nuôi công nghệ mới.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh không còn mới lạ với nông dân địa phương. Họ đầu tư ao nuôi theo 2 dạng là nuôi trải bạt và nuôi trong nhà kính. Ao nuôi trải bạt, nhà lưới, không kiểm soát được mưa, chi phí đầu tư thấp, từ 400 - 500 triệu đồng/ha. Đặc điểm, của mô hình này là tỷ lệ rủi ro rất thấp, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Nuôi theo mô hình nhà kính đầu tư tiền tỷ, mật độ tôm nuôi 500 con/m2, đạt sản lượng thu hoạch trung bình từ 180 - 240 tấn/ha/năm, nuôi 3 vụ/năm. Nuôi theo mô hình nhà lưới, mật độ thả nuôi từ 250 - 300 con/m2, năng suất từ hơn 150 tấn/ha, nuôi 3 vụ/năm.
Ông Ngô Quốc Hùng, xã Long Điền Long A, huyện Đông Hải cho biết, đã áp dụng nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà lưới hơn 1.000m2, cho thu hoạch 2 vụ, thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Hiện tại, ông tiếp tục nuôi vụ 3, tôm đã gần 3 tháng phát triển rất tốt. Nếu vụ này thành công thì sẽ mở rộng, đầu tư thêm diện tích nuôi.
Sở NN-PTNT Bạc Liêu cho biết, Sở đã tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh quy mô nông hộ trên địa bàn tỉnh. Nhiều người nuôi tôm quy mô nông hộ của các huyện đến tham dự và rất phấn khởi trước những phương án tổ chức thực hiện. Họ sẽ tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm nuôi hiện đại...
Qua nghiên cứu, thực nghiệm nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, tỉnh lựa chọn công nghệ nuôi hai giai đoạn của Cty Cổ phần CP Việt Nam.
Tại huyện Hòa Bình, nhiều nông dân đã được chuyển giao mô hình nuôi tôm theo công nghệ mới. UBND huyện cũng đã chỉ đạo các phòng, ngành, đơn vị và cả các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc thực hiện kế hoạch.
Thu hoạch tôm |
Ông Dương Văn Thới, Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình cho biết: “Huyện đã làm việc với các ngân hàng để giúp dân được vay vốn sản xuất và cũng đã có kế hoạch làm việc với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm...”.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, để mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, tỉnh đã đề nghị Chính phủ cho thành lập “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm” rộng hơn 400ha, tại ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu. Đến nay, tỉnh đã cấp cho Tập đoàn Việt- Úc 315ha, còn lại hơn 100ha vùng lõi, tỉnh chấp thuận cho 6 doanh nghiệp vào đầu tư SX tôm.
Bạc Liêu hiện có 7 DN áp dụng sản xuất nuôi tôm theo mô hình ứng dụng công nghệ cao (siêu thâm canh), với diện tích khoảng 800ha, như Tập đoàn Việt - Úc, Cty Trúc Anh, Cty Hải Nguyên… Ngoài ra, mô hình nuôi này đang được các doanh nghiệp trên triển khai, nhân rộng ra hơn 100 hộ nông dân trong tỉnh, trung bình mỗi hộ áp dụng nuôi từ 1ha trở lên. Qua đánh giá bước đầu, mô hình nuôi này cho hiệu quả cao, kiểm soát được dịch bệnh trên tôm, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Bạc Liêu có diện tích nuôi tôm hơn 130.000ha, trong đó khoảng 8.000ha nuôi theo mô hình thâm canh, siêu thâm canh, còn lại nuôi theo mô hình quảng canh cải tiến, tôm rừng, tôm lúa cho lợi nhuận bình quân hơn 170 triệu đồng/ha/năm. |