| Hotline: 0983.970.780

Bác sĩ cảnh báo không chủ quan với sốt xuất huyết

Thứ Bảy 23/11/2024 , 07:52 (GMT+7)

Dù cuối mùa mưa, nhưng những ngày gần đây số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM có dấu hiệu gia tăng, nhất là ở trẻ em.

Các bác sĩ cảnh báo, phụ huynh cần tích cực áp dụng các biện pháp phòng bệnh, theo dõi chặt tình hình sức khỏe của con mình, tránh biến chứng nguy hiểm. Ảnh: Đ.H.

Các bác sĩ cảnh báo, phụ huynh cần tích cực áp dụng các biện pháp phòng bệnh, theo dõi chặt tình hình sức khỏe của con mình, tránh biến chứng nguy hiểm. Ảnh: Đ.H.

Gia tăng sốt xuất huyết trẻ em, nhiều ca biến chứng nặng

Mới đây, trường hợp bé trai P.A.T. (14 tuổi, ngụ TP.HCM) bị sốt cao liên tục trong 3 ngày. Đến ngày thứ 4, em có biểu hiện đau bụng, nôn ói, được đưa đến nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán T. bị sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo ngày 4, tổn thương gan, tiểu cầu giảm.

Sau đó, bệnh nhi này tiếp tục xuất hiện triệu chứng khó thở, ho ra máu. Các bác sĩ buộc phải đặt nội khí quản, truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, tiểu cầu, truyền dịch, điều trị hỗ trợ gan. May mắn, bệnh nhi đáp ứng điều trị, dần hồi phục, cai máy thở sau 10 ngày, chức năng gan, thận, đông máu trở về mức bình thường.

Trường hợp khác là bé trai 2 tuổi (ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) bị sốc sốt xuất huyết nặng khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng tổn thương gan, tim, thận và viêm tụy cấp. Các bác sĩ phải dùng các biện pháp hỗ trợ hô hấp bằng máy thở, chống sốc, vận mạch, truyền nhiều chế phẩm máu. Hơn một tháng điều trị tích cực với sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ bệnh nhi mới thoát khỏi cửa tử.

Đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng được các bác sĩ cứu sống gần đây. Thực tế ghi nhận tại Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã tiếp nhận nhiều trường hợp sốt xuất huyết nặng trong vài tháng qua.

Trong tháng 10, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận 397 ca sốt xuất huyết nhập viện. Nửa đầu tháng 11, số ca điều trị nội trú lên tới 236 ca. 

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số lượng ca sốt xuất huyết có sự gia tăng trong 2-3 tuần qua, cả nội trú và ngoại trú. Trong đó có khoảng 15-20% ca nặng, số ca nhập viện và ca mắc nặng đều tăng hơn so với vài tháng trước.

Các bác sĩ dự đoán, số ca nhập viện vẫn tiếp tục gia tăng trong vài tuần tới. Ảnh: Đ.H.

Các bác sĩ dự đoán, số ca nhập viện vẫn tiếp tục gia tăng trong vài tuần tới. Ảnh: Đ.H.

Chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết

TS.BS Nguyễn Đình Qui, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, thời gian qua, có nhiều trẻ nhập viện khá trễ, khi đã bước vào giai đoạn sốc. 

Theo bác sĩ Qui, sốt xuất huyết và sốt siêu vi có những điểm giống nhau, dễ gây nhầm lẫn. Đối với sốt siêu vi, trong 2-3 ngày đầu, trẻ thường sốt cao liên tục nhưng khi hết sốt thì trẻ sẽ cảm thấy khỏe hơn. Còn đối với sốt xuất huyết thì khi giảm sốt cũng là lúc bắt đầu rơi vào giai đoạn mệt hơn.

Trẻ sẽ có dấu hiệu lừ đừ, mệt, có trẻ sẽ nôn ói, đau bụng, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nổi ban trên da… Đây là triệu chứng trẻ đã bắt đầu bước vào sốc, cần nhập viện ngay, không chần chừ.

Phụ huynh thường có thói quen tự mua thuốc điều trị khi con bị sốt sẽ làm cho lờn thuốc, cũng như không phát hiện được những triệu chứng điển hình của bệnh, dễ dẫn đến tình trạng trẻ có biến chứng nặng hơn.

TS.BS Huỳnh Trung Triệu, Phó Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc trẻ em, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho rằng, sốt xuất huyết ở trẻ em có thể diễn biến nhanh và nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tình trạng sốc, xuất huyết và suy đa cơ quan.

Đặc biệt, trong giai đoạn từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, bệnh có thể chuyển nặng và gây ra các biến chứng như xuất huyết nội tạng, suy gan, suy thận. Khi có các dấu hiệu nguy hiểm như nôn ói nhiều, chảy máu (mũi, răng, tiêu hóa), đau bụng dữ dội hoặc giảm huyết áp đột ngột… cần phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ Đinh Thị Hải Yến, Trưởng Khoa Truyền thông - Giáo dục sức khỏe của HCDC khuyến cáo, người dân cần tích cực diệt muỗi và lăng quăng ở khu vực mình sinh sống bằng cách thường xuyên vệ sinh môi trường sống, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng, nuôi cá để ăn lăng quăng trong các bể nước không thể thay nước thường xuyên.

Hiện Bộ Y tế đã cấp phép vacxin sốt xuất huyết, người dân có thể tiêm vacxin để phòng nguy cơ mắc sốt xuất huyết, nhất là trong khi mùa dịch vẫn còn tiếp diễn.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, từ ngày 11-17/11, trên địa bàn ghi nhận 695 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 46 là 12.013 ca.

Xem thêm
Sàng lọc ung thư thực quản bằng bọt biển

Trong vòng 3 năm tới, những người bị ợ nóng sẽ được xét nghiệm lâm sàng ung thư thực quản thông qua một xét nghiệm kéo dài khoảng 10 phút.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Gợi ý những món canh giàu dinh dưỡng tốt cho người tiểu đường

Chế độ dinh dưỡng có vai trò và tác động rất lớn đối với sức khỏe của người bị tiểu đường.

9 tác dụng bất ngờ của trà gừng đối với sức khỏe

Trà gừng là thức uống quen thuộc trong đời sống, đặc biệt được nữ giới ưa chuộng. Không chỉ giúp làm ấm cơ thể, trà gừng còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.