Công ty cổ phần BaF Việt Nam (thuộc Tân Long Group) vừa ra mắt thương hiệu “heo ăn chay” BaF Meat. Sản phẩm thịt “heo ăn chay” là loại thịt từ đàn heo chỉ ăn cám được làm 100% nguyên liệu từ thực vật và gốc đạm thực vật do chính công ty này nghiên cứu, sản xuất với chi phí thấp.
Theo đại diện BAF, từ năm 2017 công ty đã có ý định thử nghiệm thêm mảng chăn nuôi nhưng rất thất vọng do ngành này có tính chu kỳ cao và lúc đó giá heo chỉ hơn 18.000 đồng/kg, rẻ hơn cả rau nên công ty đã không dấn thân vào mảng chăn nuôi. Tuy nhiên, đến năm 2020 khi dịch tả châu Phi bùng phát, đàn heo ở Việt Nam giảm 50%, chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn được nữa, quy mô giảm xuống đã dành chỗ cho chăn nuôi công nghiệp.
Từ năm 2017, BaF bắt đầu đầu tư thử nghiệm với mảng chăn nuôi, ở các vùng quê người nuôi heo chỉ cho ăn rau muống, chuối cây trộn với tấm, cám giống như “heo ăn chay” nên chất lượng thịt thơm ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT BaF chia sẻ: “BaF đã cùng đội ngũ chuyên gia về dinh dưỡng chăn nuôi quyết định chỉ nghiên cứu sản xuất để cung cấp cho đàn heo nuôi nội bộ và không bán thương mại ra ngoài thị trường. Chất lượng thịt heo BaF thơm, mềm, ngon, khi luộc lên sẽ thấy nước không nổi nhiều bọt, không đục vì hoàn toàn được nuôi từ nguồn thức ăn chứa 100% từ gốc thực vật. Chúng tôi không áp lực cạnh tranh giá với các công ty cám thương mại giảm giá thành từ đạm gốc động vật”.
Theo ông Bá, công ty sẽ phân phối thịt và các sản phẩm chế biến khác từ thịt vào hệ thống chuỗi thực phẩm Siba Food và Meat shop. BaF đi theo mô hình khép chuỗi Feed – Farm – Food, chủ động và kiểm soát hoàn toàn từ giống, nguồn thức ăn, hệ thống trang trại đến nhà máy chế biến thịt thành phẩm. Hiện tổng đàn heo của BaF là 300.000 con, nhưng dự kiến quý 4 năm 2023, các trang trại sẽ hoạt động với tổng đàn là 1 triệu con.
Phát biểu tại buổi họp báo công bố thương hiệu heo ăn chay BaF Meat, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam cho biết: “Ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro từ dịch bệnh, giá cả, thị trường và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu chúng ta không kiểm soát kháng sinh, không kiểm soát khối nguyên liệu thức ăn thì không thể là thân thiện được. Thực phẩm của tương lai là thực phẩm “3 trong 1”, đó là thực phẩm có giá trị và an toàn, thực phẩm phải thân thiện và có giá trị chia sẻ thì chắc chắn được người tiêu dùng trân trọng”.
Chăn nuôi là mảng chiếm tỷ trọng lớn thứ 2, chỉ sau lúa gạo. Tuy nhiên trong quá trình phát triển từ quá khứ cho đến nay, tỷ trọng doanh nghiệp chăn nuôi nội địa lại khá khiêm tốn. Thế nhưng các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước nếu theo mô hình khép chuỗi Feed – Farm – Food như BaF vẫn có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển.
Đặc biệt, Food là một mắt xích quan trọng trong chuỗi, thể hiện được mức độ khép kín của doanh nghiệp chăn nuôi. Ở phần đầu ra là Food, sau giết mổ, bên cạnh phần thịt heo nóng dễ tiêu thụ thì vẫn còn phần lớn chiếm đến 60% là thành phần phụ khác của heo không dễ bán ra hoặc giá thành bán ra rất thấp. Đối với các thành phần phụ của heo sau giết mổ, công ty này sẽ nghiên cứu để tạo thành các sản phẩm chế biến. Như vậy sẽ tối ưu hóa được bài toán Food và người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng giá mua thịt heo tốt hơn.
Trong khuôn khổ sự kiện này, Công ty BaF cũng đã ký kết hợp tác về việc phân phối độc quyền thịt và các sản phẩm chế biến khác từ thịt mang thương hiệu BaF trong hệ thống chuỗi thực phẩm Siba Food. Chuỗi thực phẩm Siba Food bao gồm siêu thị Siba Food chuyên bán lương thực, các mặt hàng thực phẩm thiết yếu và các điểm bán thịt BaF MeatShop. Thịt mát BaF được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn để đảm bảo độ tươi ngon, thịt nóng được cam kết chỉ bán trong ngày.
"Sự chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn chính là bước chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi để từng bước hiện đại hóa ngành chăn nuôi. Cùng với đó, các doanh nghiệp tích cực xây dựng thương hiệu thịt lợn và hệ thống bán lẻ của mình để tối ưu hóa chuỗi giá trị", ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam nhấn mạnh.