| Hotline: 0983.970.780

Gian nan đường đến huyện nông thôn mới:

Bài 1: Ngổn ngang ‘trăm công nghìn việc’

Thứ Sáu 25/11/2022 , 21:06 (GMT+7)

Hà Tĩnh Mục tiêu đặt ra cuối năm nay đạt chuẩn NTM, song đến nay xã Hà Linh vẫn còn đến 12 tiêu chí chưa đạt, khả năng hoàn thành kế hoạch gần như là không thể.

Còn 12 tiêu chí chưa đạt chuẩn

Theo rà soát của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Hà Tĩnh, hiện toàn huyện Hương Khê còn 4 xã chưa đạt chuẩn NTM, gồm: Hà Linh, Hương Lâm, Hương Liên và Điền Mỹ. Đây đều là những xã thuộc diện vùng sâu vùng xa, thường xuyên gánh chịu thiên tai, mưa lũ và quan trong nhất là trình độ dân trí cũng như ý thức người dân còn nhiều hạn chế.

Nhiều tuyến đường ở Hà Linh đã mở rộng nhưng kinh phí giải tỏa mở rộng đường các thôn đang nợ nhà thầu. Ảnh: Thanh Nga.

Nhiều tuyến đường ở Hà Linh đã mở rộng nhưng kinh phí giải tỏa mở rộng đường các thôn đang nợ nhà thầu. Ảnh: Thanh Nga.

Năm 2022, Ban chỉ đạo tỉnh giao kế hoạch xã Hà Linh phải đạt chuẩn song đến thời điểm nước rút này, Hà Linh đang có đến 12/20 tiêu chí chưa đạt, bao gồm:  Quy hoạch; giao thông; điện; cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, nhà ở dân cư; cơ sở vật chất văn hóa; trường học; y tế; môi trường và an toàn thực phẩm; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo lãnh đạo UBND xã Hà Linh, trong các tiêu chí chưa đạt, “khó nhằn” nhất hiện nay là tiêu chí giao thông; môi trường và an toàn thực phẩm.

Đối với giao thông, hiện toàn xã đã mở rộng được trên 18km đường hành lang giao thông, còn gần 9km nữa chưa được mở rộng. Đáng nói những tuyến đã mở rộng, xã, thôn đang nợ kinh phí thuê xe, máy móc giải tỏa mở rộng hành lang với số tiền hàng tỷ đồng.

Tổng khối lượng đường giao thông chưa đạt chuẩn còn rất lớn (23,1 km), trong đó, đường trục thôn hơn 4km; đường ngõ xóm hơn 11km; đường nội đồng gần 8km.

“Bây giờ tổng nguồn lực cần có để xã đạt chuẩn NTM khoảng trên 84 tỷ đồng. Song nguồn lực phân bổ từ ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện hạn chế, trong khi khối lượng các công việc bộn bề. Do đó, đề nghị 15 đơn vị đỡ đầu xã và 11 thôn trên địa bàn Hà Linh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn lực, con người giúp xã sớm hoàn thành 12 tiêu chí còn lại, nhất là các tiêu chí khó khăn như Trường học, y tế, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa.

Với một khối lượng công việc khổng lồ chưa có nguồn lực thực hiện, xã Hà Linh khó có khả năng về đích NTM trong năm 2022. Ảnh: Thanh Nga.

Với một khối lượng công việc khổng lồ chưa có nguồn lực thực hiện, xã Hà Linh khó có khả năng về đích NTM trong năm 2022. Ảnh: Thanh Nga.

Riêng tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, cần quan tâm kêu gọi, xã hội hóa để giúp các thôn kinh phí hoặc vật liệu như gạch, xi măng để làm nhà vệ sinh, di dời che chắn chuồng trại chăn nuôi”, ông Hồ Sỹ Đồng, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Hà Linh kiến nghị.

Ý thức người dân khó thay đổi

Khi được hỏi vướng mắc lớn nhất đang gặp phải, lãnh đạo xã Hà Linh khẳng định, ngoài thiếu nguồn lực thì ý thức “thâm căn cố đế” của người dân về một cuộc sống tạm bợ, ít quan tâm đến môi trường sống là khó thay đổi nhất.

“Hiện tại cần xóa bỏ 280 nhà vệ sinh; nâng cấp 337 nhà tắm; di dời, che chắn 515 chuồng trại; chỉnh trang 510 vườn hộ; 620 mô hình xử lý nước thải sinh hoạt nhưng có một số hạng mục dù chính quyền, các cơ quan đoàn thể hỗ trợ người dân vẫn không chịu làm”, cán bộ phụ trách NTM xã Hà Linh vừa dẫn chúng tôi xuống cơ sở vừa thở dài ngao ngán.

Bên cạnh thiếu nguồn lực, ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường, chỉnh trang vườn hộ hạn chế cũng là nguyên nhân khiến phong trào chậm tiến độ. Ảnh: Thanh Nga.

Bên cạnh thiếu nguồn lực, ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường, chỉnh trang vườn hộ hạn chế cũng là nguyên nhân khiến phong trào chậm tiến độ. Ảnh: Thanh Nga.

Anh lấy ví dụ, chuồng trại chăn nuôi hiện nay đang khá tạm bợ, đặt sát nhà ở, không được che chắn, thiếu hệ thống chứa và xử lý chất thải, rất mất vệ sinh. Tuy nhiên, dù chính quyền đã hỗ trợ xi măng, cát, mua bạt, tôn đến tận nơi, người dân chỉ phải bỏ công che chắn nhưng bà con vẫn không thực hiện. Hay như việc trồng hàng rào xanh, các đoàn thể, cơ quan đỡ đầu tổ chức mua cây, trồng, rào bảo vệ cẩn thận, việc duy nhất người dân cần làm là ngăn chặn gia súc phá hỏng cây cối mà bà con cũng không làm được.

“Ý thức người dân không thay đổi thì có xây dựng NTM nhiều bao nhiêu rồi cũng xuống cấp. Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động, khuyến khích rất nhiều và bài bản nhưng vấn đề này thực sự rất khó tạo được biến chuyển”, vị cán bộ nói.

Ông Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê nhấn mạnh rằng, tất cả các xã trên địa bàn Hương Khê đều gặp phải bất lợi về thời tiết. Đây là điều kiện khách quan dẫn đến hệ thống đường giao thông chưa xây đã hỏng do mưa lũ. Ngoài ra, xã Hương Lâm, Hương Liên, địa phương có đồng bào dân tộc, trình độ dân trí hạn chế, đời sống người dân còn nghèo nên triển khai nhiệm vụ hay huy động nguồn lực xây dựng NTM đều rất khó khăn.

Bây giờ, để đạt chuẩn huyện NTM theo lộ trình đề ra, ngoài kinh phí bố trí từ Trung ương, tỉnh, Hương Khê rất cần sự chung tay hỗ trợ cả nguồn lực và con người của các đơn vị đỡ đầu, tài trợ và con em địa phương trong và ngoài nước.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.