| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân miền Trung đồng loạt vươn khơi sau giãn cách

[Bài 1]-Ngư dân Khánh Hoà kiên tâm bám biển trong đại dịch

Thứ Hai 01/11/2021 , 14:21 (GMT+7)

Sau giãn cách xã hội, nhiều tàu cá ở Khánh Hòa và các tỉnh miền Trung đã đồng loạt vươn khơi đánh bắt thuỷ sản phục vụ thị trường cuối năm và xuất khẩu.

Ngư dân hăng hái vươn khơi bám biển

Những cuối giữa tháng 10, chúng tôi có mặt tại cảng cá Hòn Rớ và chợ thủy sản Nam Trung bộ, ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hoà) chứng kiến ngư dân đang hăng hái chuẩn bị nguyên vật liệu để vươn khơi trở lại đánh bắt hải sản.

Ngư dân chuẩn bị nguyên vật liệu để bám biển dài ngày sau khi nới lỏng giãn cách. Ảnh: KS.

Ngư dân chuẩn bị nguyên vật liệu để bám biển dài ngày sau khi nới lỏng giãn cách. Ảnh: KS.

Ngư dân Trần Đức Bảo, chủ tàu cũng là thuyền trưởng tàu cá KH 96634 TS, ở phường Vĩnh Phước (TP Nha Trang), cho biết, sau thời gian dài gần 4 tháng tạm dừng bám biển do ảnh hưởng dịch Covid-19, nay tàu anh mới bám biển trở lại. Để cho chuyến biển kéo dài khoảng 20 ngày đánh bắt hải sản tại ngư trường Trường Sa, Nhà dàn DK 1, tàu của anh đã tiếp nguyên liệu 5.000 lít dầu, 700 cây đá và nhiều nhu yếu phẩm, với tổng chi phí khoảng 200 triệu đồng, chưa kể tiền phát sinh từ việc thuê xe đưa bạn thuyền từ tỉnh khác ra vào để đi biển.

“Sau dịch chi phí cho chuyến biển mọi thứ đều tăng cao, bởi hiện giá dầu tăng chóng mặt so với trước. Đặc biệt, việc tìm bạn thuyền đi biển của chủ tàu cũng rất khó khăn. Như tàu tôi hành nghề lưới cản (lưới rê) cần đến 12 bạn thuyền, nhưng khổ nỗi tìm bạn thuyền trong tỉnh đi biển không đủ.

Do đó, tôi đành phải thuê xe đưa bạn thuyền ngoài tỉnh ra vào  để đi biển nên rất tốn kém. Không những thế, để đi biển được tôi còn phải chạy lo đầy đủ các thủ tục, giấy tờ, xét nghiệm Covid-19 đảm bảo an toàn trước khi lên tàu”, ngư dân Bảo chia sẻ và nói, mấy ngày qua, để chuẩn bị cho chuyến biển này anh rất vất vả và khổ cực. Tuy nhiên giờ chuẩn bị bám biển trở lại các ngư dân đều cảm thấy hăng hái.

Các tàu chuẩn bị hàng ngàn lít dầu và hàng trăm cây đá để vươn khơi đánh bắt cá ngừ. Ảnh: MH.

Các tàu chuẩn bị hàng ngàn lít dầu và hàng trăm cây đá để vươn khơi đánh bắt cá ngừ. Ảnh: MH.

Cách tàu ngư dân Bảo không xa là tàu KH 91791 TS, hành nghề lưới cản của ngư dân Hồ Văn Quyền, ở phường Vĩnh Phước cũng đang tiếp nguyên liệu 6.000 lít dầu và 800 cây đá để chuẩn bị vươn khơi “săn” cá ngừ sọc dưa.

Gặp chúng tôi, ông Quyền cho biết, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh từng bước kiểm soát, tàu ông cũng như nhiều tàu khác được bám biển trở lại nên rất phấn khởi. Vì gần 4 tháng tàu nằm bờ nên ngư dân đều khó khăn. Vì vậy, ông hy vọng chuyến biển vươi khơi trở lại này các tàu đánh bắt đều thuận lợi, trở về cập cảng mang đầy ắp cá để phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa, cũng như phục vụ xuất khẩu.

Nhiều tàu trúng cá ngừ

Trong khi nhiều tàu chuẩn bị vươn khơi, thì các tàu khác ở Khánh Hòa trước đó nằm ở vùng xanh, vùng vàng đã bám biển chuyến trăng trước đã trở về cập cảng.

Tàu về cập cảng với sản lượng cá ngừ sọc dưa đạt khá. Ảnh: KS.

Tàu về cập cảng với sản lượng cá ngừ sọc dưa đạt khá. Ảnh: KS.

Theo ghi nhận chúng tôi các tàu hành nghề lưới cản đều đánh bắt được sản lượng và có lãi. Điển hình như tàu KH 94177 TS, ở Vĩnh Phước của ngư dân Văn Đức Tuấn sau 20 ngày bám biển trở về được 10 tấn cá ngừ sọc dưa.

Ngư dân Tuấn cho biết, thời điểm này đang vào mùa săn cá ngừ sọc dưa nên các tàu đánh bắt chuyến này đều đạt sản lượng trên dưới 10 tấn. Hiện giá cá thu mua xô hiện khoảng 19 ngàn đồng/kg (đã cao hơn so với thời điểm giãn cách hai giá), trong khi mấy năm trước đều hơn 20 ngàn đồng/kg. Còn cá bán chợ cũng chỉ thu mua thấp từ 25-40 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, các chi phí cho chuyến biển đều tăng cao, nhất là giá dầu nên kéo theo lợi nhuận chuyến biển của ngư dân không cao.

“Chuyến này, tàu tôi bán được cá chợ khoảng gần 4 tấn, sản lượng còn lại là bán cá xô, doanh thu 250 triệu đồng, sau khi trừ chi phí tàu tôi lãi 150 triệu đồng”, ngư dân Tuấn nói.

Tàu của ngư dân Thái chuyến này cập cảng gần được 3 tấn cá ngừ đại dương. Ảnh: KS.

Tàu của ngư dân Thái chuyến này cập cảng gần được 3 tấn cá ngừ đại dương. Ảnh: KS.

Đối với các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương dù không phải chính vụ nhưng nhiều ngư dân sau chuyến biển đánh bắt trở về cũng đều đạt sản lượng, trung bình từ 1,2-1,5 tấn, cá biệt có tàu đạt gần 3 tấn.

Cụ thể như tàu KH 93999 TS của ngư dân Đỗ Văn Thái, ở phường Vĩnh Phước đánh bắt được 80 con, gần 3 tấn. Ngư dân Thái phấn khởi cho biết, sau khi nới lỏng giãn cách, một số tàu đánh bắt cá ngừ đại dương liền bám biển trở lại. Mặc dù mới chớm mùa đánh bắt cá ngừ đại dương, song các tàu trở về đều đạt sản lượng yêu cầu. Mỗi tàu trung bình đánh bắt từ 40-70 con gồm lớn, nhỏ. Không những thế niềm vui các tàu càng nhân đôi khi giá cá thu mua tăng khoảng 20% so với cùng thời điểm năm ngoái. Cụ thể, cá ngừ loại lớn 125 ngàn đồng, còn cá loại nhỏ gần 100 ngàn đồng/kg.

“Với sản lượng tàu tôi đánh bắt được gần 3 tấn, bán với giá trên, sau khi trừ chi phí lãi hơn 200 triệu đồng, rất phấn khởi”, ngư dân Thái chia sẻ.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ, cho biết, từ ngày 15/9 khi cảng cá hoạt động trở lại, trung bình mỗi ngày có từ 15-20 phương tiện ra vào xuất nhập cảng. Trong đó, các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương chuyến này trở về cập cảng với sản lượng khá, trung bình trên 40 con, tương đương sản lương từ 1,2-1,5 tấn. Bên cạnh đó, nhờ giá cá thu mua cao nên các tàu đều có mức lãi khá.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, 9 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt hơn 92.724 tấn, giảm 0,29% so cùng kỳ năm trước. Trong đó sản lượng thủy sản khai thác được 82.068,2 tấn, giảm 0,18% so cùng kỳ năm và sản lượng thủy sản nuôi trồng được 10.656,5 tấn, giảm 1,16%.

Nguyên nhân do hoạt động thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19; đặc biệt là các cảng cá lớn như Hòn Rớ, Vĩnh Lương, thuộc TP Nha Trang bị phong tỏa tạm thời nhiều tháng khiến cho nhiều tàu đánh bắt xa bờ hầu như không vươn khơi. Nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn do thời tiết không thuận lợi; dịch bệnh xuất hiện trên một số diện tích ao nuôi. Cũng như hoạt động thu mua chậm lại, xuất khẩu khó khăn, giá bán thủy sản xuống thấp nên nhiều hộ thua lỗ, một số hộ nuôi chỉ thả nuôi cầm chừng.

Xem thêm
Có thể giảm tần suất lấy mẫu sau 2 năm xuất khẩu dừa sang Trung Quốc

Bến Tre Thông tin được ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn 'Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa' sáng 13/12.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Chất lượng là yếu tố số 1 để nâng cao thương hiệu rau quả Việt Nam

‘Để nâng cao giá trị thương hiệu ngành rau quả Việt Nam, chất lượng là yếu tố số 1, sau đó mới đến giá cả', Phó Tổng Giám đốc Doveco Nguyễn Thanh Tùng cho hay.

Hà Nội sắp phê duyệt chủ trương cải tạo lại ba chung cư cũ

UBND TP. Hà Nội có văn bản kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn về việc thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội.