| Hotline: 0983.970.780

Đại ngàn Tây Nguyên & nỗi đau của đất

[Bài 4] 'Thế giới ngầm' trong lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận

Thứ Năm 31/03/2022 , 14:57 (GMT+7)

Doanh nghiệp, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp với nhiều thủ đoạn, mánh khóe khiến cho thật giả lẫn lộn và hậu quả là thiệt hại đổ hết lên đầu người nông dân.

Sự bát nháo trong hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp khiến người nông dân Tây Nguyên càng thêm lao đao. Ảnh: Hoàng Anh. 

Sự bát nháo trong hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp khiến người nông dân Tây Nguyên càng thêm lao đao. Ảnh: Hoàng Anh. 

Chủ doanh nghiệp tiết lộ mánh khóe trong “thế giới ngầm”   

Lang thang ở những vùng đất Tây Nguyên, hỏi nông dân thì mười người như một đều trả lời rằng họ đang trong ma trận phân bón, thuốc BVTV, chẳng biết thật giả như thế nào mà lần. Kinh doanh vật tư nông nghiệp là lĩnh vực siêu lợi nhuận, ở các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm ở Tây Nguyên như Krông Pắk, Cư Quin, Ea Hleo, Cư’Mga, Ea Kar (Đăk Lăk), Đắk Mil, Đắk Song (Đắk Nông), Chư Sê (Gia Lai)…các đại lý kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu mọc lên như nấm. Đó cũng là thị trường béo bở của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bằng đủ các chiêu trò, mánh khóe. Người dân càng mơ hồ, khốn đốn thì chủ các đại lý, các doanh nghiệp lại càng giàu.

Bài liên quan

Chủ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh phân bón, thuốc BVTV ở Buôn Mê Thuột tiết lộ với chúng tôi, thị trường cung ứng vật tư nông nghiệp ở khu vực Tây Nguyên chia thành 3 phân khúc. Một là các doanh nghiệp lớn của nước ngoài vào đầu tư, hai là các doanh nghiệp lớn khá có uy tín ở trong nước, ba là các doanh nghiệp “ma” theo kiểu cò con. Những năm gần đây, thị trường vật tư nông nghiệp ở Tây Nguyên bát nháo phần lớn là do loại thứ ba này.

Thủ đoạn của họ là thành lập một doanh nghiệp nhỏ, nhập nguyên liệu về đóng gói các sản phẩm có hoạt chất, tên thương mại tương tự các doanh nghiệp lớn, kèm theo những từ ngữ nhằm đánh vào tâm lý người nông dân như: Vua trừ cỏ, siêu trừ rầy, siêu bón lá, siêu ra hoa, siêu ra trái…

Đa phần các doanh nghiệp kiểu này thường nhập nguyên liệu qua đường biên giới như Trung Quốc, Lào, Campuchia, thậm chí họ còn nhập lậu luôn cả những sản phẩm chứa các hoạt chất mà Bộ NN-PTNT đã cấm rồi làm giả, làm nhái những sản phẩm đã gầy dựng được thương hiệu trên thị trường. Bằng thủ đoạn độc quyền, những ông chủ nhỏ phân phối sản phẩm đến các đại lý với giá cực rẻ, chiết khấu lợi nhuận thật cao hoặc rao bán qua mạng xã hội để tuồn ra thị trường. Chất lượng sản phẩm thế nào các anh cứ xuống hỏi người nông dân sẽ biết. Trong trường hợp bị phát hiện, các “ông chủ nhỏ” lập tức chuyển địa bàn, cơ quan chức năng rất khó để tìm ra.

Ví dụ trên thị trường có thuốc trừ bệnh Anvil bán chạy thì lập tức có từ hàng chục đến hàng trăm sản phẩm với tên thương mại tương tự. Phân bón lá Humic đang được người nông dân ưa chuộng hôm nay thì hôm sau đã có mấy chục loại khác, nếu chỉ nhìn qua không thể nào phân biệt nổi.

Đặc biệt, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, những “ông chủ nhỏ” lập tức thích ứng bằng việc chuyển sang kinh doanh qua sàn thương mại điện tử, qua mạng xã hội. Chỉ cần tham gia các hội nhóm kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên Facebook dễ dàng bắt gặp hình ảnh các sản phẩm thuốc BVTV chứa các hoạt chất đã bị cấm sử dụng như Helosate, Vua diệt cỏ, Lyphoxim, Niphosate, Glyphosan, Glyphoxym.Thai 480SL, Lagoote, Con ngựa vằn…

Táo tợn đến mức đầu tháng 3/2022, cơ quan công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện một vụ sản xuất phân bón giả với số lượng lớn nhất từ trước đến nay. Ngay giữa thành phố Buôn Mê Thuột mà Công ty TNHH Tập đoàn CT Tây Nguyên đã tổ chức sản xuất phân bón không rõ nguồn gốc xuất xứ với khối lượng gần 4.000 thùng sản phẩm phân bón giả và hàng loạt máy móc, nguyên vật liệu, hàng nghìn vỏ can, máy móc và tem, nhãn mác chưa qua sử dụng...

Nông dân Tây Nguyên đang 'bơi' trong ma trận thị trường vật tư nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Anh.

Nông dân Tây Nguyên đang "bơi" trong ma trận thị trường vật tư nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Anh.

Theo giới kinh doanh vật tư nông nghiệp ở Đắk Lắk tiết lộ, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Cơ quan quản lý thì vẫn điệp khúc quen thuộc, liên tục kêu khó, kêu rằng thủ đoạn hoạt động của các “ông chủ nhỏ” tinh vi, còn thực tế đang có những lý do “tế nhị” khác.

“Rất nhiều cán bộ công tác ở cơ quan quản lý kiêm luôn chủ đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp. Tất nhiên là khó để khẳng định là có tiêu cực, lợi ích nhóm trong hoạt động kinh doanh buôn bán hay không nhưng lợi dụng tâm lý, hoàn cảnh còn khó khăn của người nông dân, hầu như các chủ đại lý đều dùng thủ thuật để bán các sản phẩm có lợi nhất cho họ. Ví dụ sản phẩm họ bán độc quyền, được chiết khấu lợi nhuận cao còn chất lượng như thế nào người nông dân hoàn toàn không biết ”, ông Trần Văn Luân, một hộ nông dân sản xuất giỏi ở xã Cư Elang, huyện Ea Kar, người đang sở hữu gần 20 ha cây ăn quả, mỗi năm tốn đến hàng tỷ đồng tiền đầu tư vào phân bón, thuốc BVTV chia sẻ.

Ông Luân dẫn tôi đi hết các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp ở Cư Elang và nói rằng, nếu có đủ kiến thức thì người dân không bao giờ họ mua sản phẩm ở những đại lý như thế này. Lung tung, bát nháo hết cả. Chưa nói vấn đề hầu hết các sản phẩm họ đang kinh doanh đều là phân bón, thuốc BVTV độc hại mà rất nhiều đại lý bán các sản phẩm theo kiểu đánh lừa người nông dân.

“Cùng một hoạt chất đăng ký có đến mấy chục sản phẩm của các công ty khác nhau. Loại nào cũng siêu, cũng vua cũng thần tốc, bao bì nhãn mác na ná nhau dân làm sao phân biệt nổi. Bản thân tôi dù chịu khó tìm tòi, học hỏi nhưng vẫn cứ dính phân bón giả, thuốc BVTV giả, kém chất lượng như thường. Bón phân hôm trước, hôm sau cả vườn cây héo rũ. Ra đại lý hỏi thì họ đổ cho công ty, tìm công ty thì ông phân đổ cho ông thuốc, cuối cùng vẫn là dân chịu, chẳng biết kêu ai”, ông Luân bức xúc.

Chia sẻ với NNVN quanh câu chuyện thị trường kinh doanh vật tư nông nghiệp còn bát nháo, ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đắk Song, thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông với hàng trăm đại lý kinh doanh phân bón, thuốc BVTV nói: Đúng là thị trường phân bón, thuốc BVTV quá nhiều nên rất khó quản lý. Việc kiểm tra vật tư nông nghiệp hầu hết được giao cho Thanh tra, Chi cục Trồng trọt và BVTV, còn ở cấp huyện mỗi năm vào đầu mùa mưa cũng có thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, nhưng dường như mỗi lần như thế các đại lý đều biết lịch để ứng phó nên rất khó phát hiện sai phạm. "Trên thị trường giờ gần như loạn các loại phân bón, thuốc BVTV nên người nông dân rất khó để có thể lựa chọn cho an toàn", ông Lê Hoàng Vinh khẳng định.

Nỗi lòng ông Trạm trưởng kiêm chủ đại lý vật tư nông nghiệp

Những kẽ hở trong công tác quản lý cộng với thủ đoạn tinh vi của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang biến thị trường kinh doanh vật tư nông nghiệp không khác gì ma trận. Ngay cả những cán bộ quản lý trực tiếp trong lĩnh vực này cũng thấy nhiều bất cập.

Ở thủ phủ sầu riêng Krông Pắk của tỉnh Đắk Lắk, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp Văn Cao được khá nhiều nông dân lựa chọn. Một phần là vì chủ đại lý là ông Trương Văn Cao, Trạm trưởng trạm Trồng trọt và BVTV Krông Pắk. Vừa là cán bộ quản lý vừa kinh doanh, chính ông Cao thừa nhận, thực trạng kinh doanh vật tư nông nghiệp như hiện nay đang làm khó người nông dân quá.

Các đại lý kinh doanh sử dụng đủ chiêu trò khiến thị trường vật tư nông nghiệp càng thêm bát nháo. Ảnh: Minh Quý. 

Các đại lý kinh doanh sử dụng đủ chiêu trò khiến thị trường vật tư nông nghiệp càng thêm bát nháo. Ảnh: Minh Quý. 

Ví dụ với thuốc BVTV chẳng hạn. Cùng một hoạt chất đăng ký nhưng có quá nhiều doanh nghiệp đăng kinh doanh, đóng gói một sản phẩm khác nhau. Họ dùng chiêu đánh vào tâm lý người nông dân, ông thì siêu trừ rầy, ông siêu trừ rệp, ông siêu lớn củ, ông khác lại siêu lớn trái nhưng thực tế người nông dân không biết được rằng thực chất công dụng của các sản phẩm đó đều như nhau hết.

Đó là chưa kể những chiêu trò làm nhái sản phẩm. Khi một hoạt chất được đăng ký quá nhiều sản phẩm thương mại thì các công ty dễ dàng dùng những thủ thuật để đăng ký tên sản phẩm na ná các công ty lớn, các sản phẩm bán chạy trên thị trường. Chỉ mỗi sản phẩm thuốc trừ cỏ Sofit thôi, cùng hoạt chất Pretilachlor thôi mà có đến mấy chục sản phẩm tương tự.

“Ông nào cũng đăng ký nhãn mác độc quyền, mỗi ông một tên gọi. Về đến đại lý, có những đại lý có người tư vấn đúng nhưng cũng có những đại lý không có kiến thức, chuyên môn, nhận hàng độc quyền rồi nên muốn bán những sản phẩm nhiều lợi nhuận, bán cho nông dân theo ý đồ của họ”, Trạm trưởng trạm trồng trọt và BVTV Krông Pắk nói.

Thừa nhận vấn đề lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học quá nhiều trên địa bàn mà nguyên nhân một phần là từ những mánh lới kinh doanh, ông Trương Văn Cao phân tích thêm, để cải thiện thực trạng này thì bản thân người nông dân cũng phải thay đổi.

Ai cũng biết là ảnh hưởng đến môi trường đất, môi trường nước, để lại dư lượng hóa học ở trong đất lâu bị phân hủy, là nguyên nhân khiến đất bị chua, đồng thời khi sử dụng sản phẩm hóa học để diệt sinh vật có hại thì cũng diệt luôn vi sinh vật có lợi, dùng phân bón, thuốc BVTV còn ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, đặc biệt là nông sản xuất khẩu nhưng để thay đổi được vấn đề này cần có cả quá trình. Bản thân các cơ quan quản lý liên tục khuyến cáo, tuy nhiên khi cây trồng càng có giá trị kinh tế thì người nông dân vẫn còn lạm dụng phân bón hóa học. Ví dụ nhưng ở vùng trồng sầu riêng, quy trình thông thường chỉ cần bón 6-7 kg/gốc sầu riêng/năm là đủ nhưng tâm lý người dân muốn năng suất cao nên bón lên đến 9 -10 kg. Khuyến cáo sử dụng sản phẩm thuốc BVTV sinh học thì họ vẫn sử dụng các sản phẩm hóa học...

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Mưa lớn, nhiều nơi ở Quảng Ngãi bị ngập sâu, chia cắt

Mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước các con sông ở tỉnh Quảng Ngãi dâng cao, gây ngập lụt một số khu dân cư và chia cắt giao thông.