| Hotline: 0983.970.780

Đại ngàn Tây Nguyên và nỗi đau của đất

[Bài 3] Nơi từng có nhiều nông dân giàu nhất Tây Nguyên thành đất chết

Thứ Tư 30/03/2022 , 16:41 (GMT+7)

Thật khó tin là một vùng đất màu mỡ, tốt tươi và có nhiều nông dân tỷ phú bậc nhất khu vực Tây Nguyên bây giờ lại đang trở thành vùng đất chết.

Thủ phủ hồ tiêu trở thành nghĩa địa hồ tiêu. Ảnh: Minh Quý.

Thủ phủ hồ tiêu trở thành nghĩa địa hồ tiêu. Ảnh: Minh Quý.

"Phân thuốc kiểu đấy đất đai nào chịu nổi"

Vài ba năm trước, xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông vẫn thường được nhắc đến bằng những tên gọi mỹ miều: xã tỷ phú, thủ phủ hồ tiêu Tây Nguyên, làng đại gia, làng biệt thự, xã giàu nhất Đắk Nông…

Bài liên quan

Tạo hóa thiên nhiên ưu đãi cho Nâm N'Jang là vùng đất đỏ bazan thuộc loại trù phú, màu mỡ, tươi tốt bậc nhất của cả khu vực Tây Nguyên. Tầng canh tác ở đây dày mười mấy mét, cho dù có múc sâu xuống hàng chục mét đi nữa thì vẫn có thể trồng cây cối bình thường. Đất ấy, nhiều người nói vãi bất cứ giống cây gì xuống cũng có thể cho những mùa màng bội thu, người nông dân chịu khó làm ăn thì không thể không giàu có được.

Trước là vùng trồng cà phê, những năm gần đây là hồ tiêu, dù loại cây trồng nào Nâm N'Jang cũng nhanh chóng trở thành thủ phủ không chỉ của riêng huyện Đắk Song mà còn là của cả tỉnh Đắk Nông. Thuần sản xuất nông nghiệp nhưng nếu đếm số nông dân là tỷ phú, đếm biệt thự, đếm xe hơi ở Nâm N'Jang chắc khó có xã nào có thể sánh bằng.

Ông Phạm Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND xã nói, có những thời điểm Nâm N'Jang có hơn 500 ngôi nhà tiền tỷ, hơn 300 chiếc xe hơi. Khi giá tiêu còn ở mức 200.000 đồng/kg, khi những vùng trồng tiêu còn chưa chịu nhiều dịch bệnh rồi chết hàng loạt, gần như ngày nào ở Nâm N'Jang cũng có nông dân vác tiền đi mua ô tô.

"Giàu có từ hồ tiêu, xây nhà sắm xe từ hồ tiêu nhưng đổ nợ, bị xiết nhà, phải bỏ xứ đi cũng từ hồ tiêu cả. Mấy năm nay tiêu chết hàng loạt khiến dân điêu đứng. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng cái chính vẫn vấn đề lạm dụng vật tư đầu vào như phân bón, thuốc BVTV hóa học. Đất đai bị đầu độc, cây trồng bị đầu độc, nhiễm bệnh rồi chết khô chết héo. Cả xã có gần 3.000 ha trồng tiêu, trong vòng 2 năm 2017 và 2018 chết mất 326 ha”, Phó Chủ tịch xã Nâm N'Jang thông tin.

'Hành trang' của một nông dân chuẩn bị phun thuốc cho hồ tiêu ở Nâm N'Jang. Ảnh: Hoàng Anh.

"Hành trang" của một nông dân chuẩn bị phun thuốc cho hồ tiêu ở Nâm N'Jang. Ảnh: Hoàng Anh.

Có mấy năm thôi, những cụm từ mỹ miều dành cho xã tỷ phú không còn nữa. Bây giờ có người gọi Nâm N'Jang bằng cái tên đầy chết chóc là nghĩa địa hồ tiêu. Từ Quốc lộ 14 đi vào trung tâm xã, vẫn là bạt ngàn đồi núi, vẫn những vườn hồ tiêu rộng tít tầm mắt, vẫn san sát những căn biệt thự khang trang như muốn khoe sự giàu có của một ngày chưa xa. Duy chỉ có điều, đó là những vườn tiêu không chết rũ thì cũng đang bệnh tật, héo úa vàng vọt, còn những căn biệt thự đang bỏ hoang, chủ nhân đi đâu không ai rõ.

Lão nông Lê Văn Tình một trong số dân trồng tiêu ít ỏi còn ở lại Nâm N'Jang sau những biến cố nói giọng trầm buồn: Đất đai nhìn rộng lớn, mênh mông như thế nhưng nếu không rơi vào tay các ngân hàng thì cũng là của những ông chủ mới dưới Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương vào mua lại… chứ dân trồng hồ tiêu ở Nâm N'Jang ngày trước đã “bay” hết cả rồi.

Người trồng tiêu trước đây ở Nâm N'Jang giờ đã 'bay' hết cả. Ảnh: Minh Quý. 

Người trồng tiêu trước đây ở Nâm N'Jang giờ đã "bay" hết cả. Ảnh: Minh Quý. 

Ông Tình quê ở Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị), cũng là một vùng tiêu, dắt díu vợ con vô đây lập nghiệp từ những năm 1998. Đất Nâm N'Jang ngày đó màu mỡ lắm, trồng cây gì ăn cây đó, cứ có đất là giàu. Đại gia, tỷ phú có người gom đến cả trăm ha, còn lại bèo bèo cũng đôi ba héc, mỗi vụ tiêu làm đôi ba chục tấn, thu vài tỷ chẳng khó gì. Lãi càng lớn đầu tư càng ác liệt. Đặc biệt là những năm giá tiêu cao, người trồng tiêu nào cũng nghĩ bón phân càng nhiều năng suất càng lớn, càng nhanh giàu.

Dịch bệnh trên cây trồng ngày một xuất hiện nhiều hơn. Người nông dân lại đổ xô đi dùng thuốc. Đã từng có một kết quả điều tra của Trung tâm khảo nghiệm và Kiểm định thuốc BVTV thể hiện, người nông dân trồng hồ tiêu sử dụng tới 28 hoạt chất để phòng trừ sâu hại trên cây hồ tiêu, trong đó có 3 hoạt chất không nằm trong danh mục được phép sử dụng.

Và Nâm N'Jang cũng không phải là ngoại lệ. Người trồng tiêu càng giàu có, lượng phân, thuốc đổ xuống đất càng nhiều và thủ phủ hồ tiêu nhanh chóng trở thành thị trường béo bở của hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp. Vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả, thật giả lẫn lộn, bát nháo hết cả lên.

'Phân hay thuốc đều 'chơi' hóa học không à', ông Tình nói. Ảnh: Minh Quý.

"Phân hay thuốc đều "chơi" hóa học không à", ông Tình nói. Ảnh: Minh Quý.

Cơ quan chức năng từng bắt quả tang một vụ buôn bán thuốc BVTV số lượng lên đến hơn 1.500 sản phẩm ở thôn 11, toàn bộ là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có trong danh mục được phép sử dụng.

Nhưng nói như Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Quang Nam, cây tiêu rất lạ, cứ phải phân bón, thuốc BVTV hóa học thì mới chịu. Thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc trị nấm, thuốc phân hóa mầm hoa. Mỗi một năm một ha tiêu phun thành hai đợt, mỗi lần phun khoảng 1.000 lít thuốc hòa với nước. Chỉ tính riêng tiền phân, tiền thuốc đã tốn hàng trăm triệu đồng, những gia đình làm nhiều sẵn sàng đầu tư tiền tỷ.

Phải đến khi cả ngàn ha tiêu đồng loạt chết thì người dân ở thủ phủ hồ tiêu mới nhận thức được nguyên nhân là do bón phân hóa học, phun thuốc BVTV hóa học nhiều quá. Đất đai dù tốt đến mấy mà sản xuất kiểu bóc lột như thế không thể nào chịu nổi. Ông Tình vừa nói vừa chỉ hướng về một ngôi nhà khang trang phía bên kia triền dốc, ngay cạnh vườn tiêu bạt ngàn đã chết rũ.

Căn nhà Thái thiệt bự đó là của chú, xây hết hơn 3 tỷ hồi năm 2013, nhưng giờ ngân hàng đã siết nợ và bán thanh lý, gia đình chú phải chuyển ra đây mua lại mảnh vườn này. Ở đây số gia đình trồng tiêu bị ngân hàng siết đất nhiều lắm. Thời điểm tiêu có giá, khả năng đáng chỉ vay được một hai thì ngân hàng cho vay đến ba đến bốn. Nhà nhà đi vay đổ hết vào tiêu. Phân hay thuốc đều “chơi” hóa học không à. Đến khi tiêu chết, bán cả vườn đi cũng không đủ để trả nợ ngân hàng thì lâm vào cảnh mất cửa mất nhà.

Hiện gia đình ông Tình còn khoảng 1 ha đất, hỏi có tiếp tục trồng tiêu nữa hay không, ông ngậm ngùi cho biết, còn tiền nữa đâu mà đầu tư chú ơi, còn cũng làm gì dám đầu tư nữa, trồng lên rồi lại chết, đất đai ở đây khó mà phục hồi lại được như xưa nữa rồi.

Sự đơn độc của những người tử tế

Sau những biến cố, những hậu quả nặng nề của một thời kỳ đầu độc, bóc lột đất đai, mấy năm gần đây ở Nâm N'Jang cũng đã bắt đầu xuất hiện một số mô hình liên kết để trồng tiêu sạch, bền vững, hữu cơ. Nhưng có lẽ cũng phải mất nhiều năm nữa đất chết ở thủ phủ hồ tiêu may ra mới có hi vọng phục hồi.

Những nông dân tiên phong ở Nâm N'Jang. Ảnh: Minh Quý. 

Những nông dân tiên phong ở Nâm N'Jang. Ảnh: Minh Quý. 

Vất vả lắm ông Đào Văn Tình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nâm N'Jang mới dẫn chúng tôi tìm được mấy ông nông dân đang liên kết trồng tiêu hữu cơ trong xã. Là vì, như ông Tình nói, mấy năm nay thủ phủ hồ tiêu cũng có thành lập hợp tác xã đấy, các doanh nghiệp vào liên kết với nông dân để vận động làm các mô hình tiêu sạch đấy, nhưng hiệu quả không ăn thua, chủ yếu là trên giấy. Trồng tiêu mà yêu cầu không được bón phân hóa học, không sử dụng thuốc BVTV hóa học thì khó lắm. Sâu bệnh biết làm sao? Sản lượng thấp thì thế nào? Cho nên dù trên danh sách có nhiều hộ tham gia hợp tác xã nhưng thực tế người dân vẫn phải canh tác theo kiểu cũ. Cỏ tốt vẫn phải phun, sâu bệnh vẫn phải phun, vẫn phải dùng thuốc hóa học để trị.

Có lẽ đó cũng là lý do mà cả xã Nâm N'Jang có hàng nghìn hộ trồng tiêu nhưng hiện chỉ còn có 4 ông nông dân đang kiên trì với mô hình tiêu sạch. Đó là các ông Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Thành Phước, Hồ Sỹ Hòa, Nguyễn Văn Sáu. Họ cũng chính là những người còn diện tích đang trồng tiêu nhiều nhất ở đây, mỗi người khoảng 10 ha, liên kết với Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà trồng tiêu sạch.

Nói chuyện hợp tác xã, tổ liên kết tan rã, những nông dân tiên phong ở thủ phủ hồ tiêu chán nản, người ta dựng lên cho vui thế thôi chứ đất này giờ không thể trồng tiêu được nữa. Bao nhiêu năm tắm phân tắm thuốc hóa học như thế, dư lượng các chất hóa học đã ăn quá sâu, đất đã chết rồi, trong một vài năm chắc chưa thể nào cứu vãn được. Khi chuyển sang trồng tiêu hữu cơ, có những vườn chúng tôi bỏ hoang hơn 36 tháng mới mang mẫu đất đi test thử nhưng vẫn cứ dính các chỉ số vượt tiêu chuẩn cho phép như thường. Thành thử đất ở đây bây giờ có làm tiêu sạch được đâu, anh em tôi phải đi thuê đất ở những vùng khác, những nơi mới canh tác thì may ra còn làm được.

Chúng tôi thay đổi vì chúng tôi biết sợ. Ảnh: Hoàng Anh.

Chúng tôi thay đổi vì chúng tôi biết sợ. Ảnh: Hoàng Anh.

Mấy mươi năm canh tác trên đất Nâm N'Jang, đã từng giàu có nhờ đất rồi lại lao đao khốn đốn vì đất, ông Trung, ông Phước, ông Hòa, ông Sáu chia sẻ rất thật sở dĩ họ thay đổi vì đang còn biết sợ. Những năm tháng lạm dụng phân thuốc hóa học có nhiều bữa phun xong người ngất ngây, cơm không ăn nổi khiến họ thấy sợ. Nhìn dải đất đỏ bazan vốn đỏ au, màu mỡ ngày trước cứ chết dần chết mòn vì phân thuốc hóa học, họ biết rằng chính người nông dân rồi cũng sẽ chết theo đất mà thôi.

“Biết là vô cùng khó khăn, vất vả để thay đổi thói quen, thay đổi phương thức, tập quán canh tác, phải hi sinh lợi ích trước mắt nhưng chúng tôi xác định không có con đường nào khác. Từ 6-7 năm trước anh em tôi quyết định chuyển sang trồng tiêu hữu cơ. Mất mấy năm đầu bị đánh trượt vì các chỉ tiêu trong đất không đạt, nhưng những năm gần đây đã thành công rồi, ai cũng đã có giấy chứng nhận hộ nông dân sinh thái, túc tắc mỗi vụ cũng kiếm vài tỷ đồng”, lão nông Hồ Sỹ Hòa, quê ở Nghệ An vào đây từ những năm 1995 chia sẻ.

Dẫn chúng tôi đi một vòng qua những đồi tiêu chết chóc ở Nâm N'Jang, nhóm nông dân làm tiêu hữu cơ ngậm ngùi: Đất đai mênh mông thế này mà phải bỏ hoang đến 80%, không ai dám đầu tư vào nữa thì các chú bảo liệu có phải con người đang có tội với đất hay không? Đi qua thửa đất trồng tiêu rộng đến cả mấy mươi ha của một đại gia trồng tiêu đã từng rất nổi tiếng ở cả khu vực Tây Nguyên hiện đang chuyển sang trồng bắp cải, thuốc BVTV phun mù mịt, lão nông Nguyễn Thành Trung than thở: Vẫn cứ thế này thì đất Nâm N'Jang khó hi vọng được cứu rồi.

Xem thêm
Ông Trần Mạnh Dũng làm Bí thư Thành ủy Nha Trang

Ông Trần Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa được điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Nha Trang, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Sau đợt mưa lớn, hồ thủy lợi ở Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích

Nhờ đợt mưa lớn vừa qua, các hồ thủy lợi ở tỉnh Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích thiết kế, đảm bảo 100% diện tích kế hoạch sản xuất vụ đông xuân.