| Hotline: 0983.970.780

Chính sách trên cao, dân sao với tới

[Bài 1] Tàu đã vươn khơi, tiền hỗ trợ còn... trên giấy

Thứ Hai 23/08/2021 , 08:17 (GMT+7)

Nghệ An có 3 tàu đóng mới theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP, với quy mô trên 1.000 CV nghiễm nhiên được hỗ trợ 8 tỷ đồng/chiếc, tuy nhiên số tiền này đang còn nằm… trên giấy.

Nghệ An sở hữu "rừng vàng biển bạc", việc Trung ương và địa phương ban hành các chính sách hỗ trợ để tạo động lực kích cầu thực sự rất cần thiết. Dù vậy trên thực tế hàng loạt chính sách lại đang nằm "tít trên cao", dân loay hoay mãi chẳng thể nào với tới. 

Nghệ An có 3 tàu đóng mới theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP. Ảnh: Việt Khánh.

Nghệ An có 3 tàu đóng mới theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP. Ảnh: Việt Khánh.

Vết xe đổ lặp lại?

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã từng phản ánh, thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Nghệ An được phân bổ chỉ tiêu 110 tàu cá. Phần lớn phương tiện đã chính thức hạ thủy, có điều hiệu quả kinh tế thực sự rất đáng lưu tâm.

Theo thống kê, chỉ khoảng 1/3 trong số 104 tàu đã khai thác hoạt động tương đối ổn. Ngược lại có đến 59 tàu nợ quá hạn, trong đó 51 tàu buộc phải chuyển sang hình thức nợ xấu (10 tàu được xử lý rủi ro và theo dõi ngoại bảng với dư nợ 67,9 tỷ đồng; 41 tàu nợ xấu theo dõi nội bảng với dư nợ 298,7 tỷ đồng). Từ số liệu thực tế nêu trên, nhiều chuyên gia đều chung nhận định chủ trương đóng mới "tàu 67" đang… sa lầy tại Nghệ An.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, việc sửa đổi, bổ sung một số điều bất cập của Nghị định 67 là việc làm cấp thiết, đó là lý do ra đời Nghị định 17/2018/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 17).

Những con tàu được đóng mới theo Nghị định 17 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ hoàn toàn những nút thắt mà tồn tại của Nghị định 67 trước đó. Ảnh: Việt Khánh.

Những con tàu được đóng mới theo Nghị định 17 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ hoàn toàn những nút thắt mà tồn tại của Nghị định 67 trước đó. Ảnh: Việt Khánh.

Mang theo nhiều kỳ vọng lớn lao nhưng trên thực tế tình hình không theo ý muốn, với diễn tiến lúc này nguy cơ “giẫm vào vết xe đổ” đang hiển hiện trước mắt.

Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, Điều 4a của Nghị định 67 sẽ được bổ sung thêm “chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư”. Đối tượng được thụ hưởng là chủ tàu đóng mới và sở hữu tàu khai thác hải sản xa bờ (hoặc tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ) có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên.

Để tránh tình trạng chi “sai đối tượng”, Nghị định 17/2018/NĐ-CP mới đặt ra yêu cầu chặt chẽ về điều kiện được hỗ trợ. Cụ thể, chủ tàu phải là thành viên của tổ đội sản xuất, nghiệp đoàn nghề cá, HTX nghề cá được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.

Tàu cá đóng mới phải là tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép, vỏ composite; tàu đóng mới máy chính phải sử dụng máy thủy mới 100% chính hãng; tàu cá phải lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh, kết nối được với trạm bờ…

 Trên thực tế dù đã đưa vào khai thác được 2 năm nhưng ngư dân vẫn chưa được nhận số tiền hỗ trợ theo quy định (8 tỷ/ tàu). Ảnh: Việt Khánh.

 Trên thực tế dù đã đưa vào khai thác được 2 năm nhưng ngư dân vẫn chưa được nhận số tiền hỗ trợ theo quy định (8 tỷ/ tàu). Ảnh: Việt Khánh.

Đảm bảo đầy đủ các bước nêu trên, tỉnh Nghệ An bắt tay triển khai đóng mới 3 tàu cá (thuộc địa bàn thị xã Hoàng Mai) đáp ứng tổng công suất máy chính trên 1.000 CV/tàu. Áp dụng theo quy định, mỗi tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư, quy đổi ra mức 8 tỷ đồng.

Về phía chủ tàu đã tuân thủ đúng các quy định đặt ra, đến nay phương tiện đã chính thức đi vào hoạt động được trên 2 năm nhưng họ vẫn mỏi mòn trông ngóng khoản… hỗ trợ.

"Trói chân" ngư dân

Tổng chi phí đóng mới 3 tàu vỏ thép lên đến 69 tỷ 826 triệu đồng, vị chi mỗi phương tiện “ngốn” hơn 23 tỷ đồng. Trên thực tế để cáng đáng theo hình thức độc lập đơn lẻ là bất khả thi, muốn đáp ứng được chủ tàu phải triển khai dưới dạng liên kết, trong đó ngân hàng là đối tác cùng song hành.

Nói như vậy để thấy áp lực kinh tế đặt ra vô cùng lớn, bởi thế chính sách chậm trễ ngày nào thì chủ đầu tư như ngồi trên lửa ngày đó. Chính quyền các cấp cùng cơ quan chuyên ngành tỉnh Nghệ An hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của ngư dân, có điều thẩm quyền quyết định không nằm trong tay họ.

Dẫu không muốn nhưng phải thừa nhận, những con tàu mang thương hiệu Nghị định 17 đang làm khó ngư dân. Ảnh: Việt Khánh.

Dẫu không muốn nhưng phải thừa nhận, những con tàu mang thương hiệu Nghị định 17 đang làm khó ngư dân. Ảnh: Việt Khánh.

Qua nắm bắt, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An về rà soát số liệu, kinh phí hỗ trợ một lần sau đầu tư đóng mới tàu cá khai thác hải sản xa bờ nhằm đảm bảo độ chính xác của thông tin, qua đó làm cơ sở đề xuất hỗ trợ. Ngày 17/3/2021, Sở NN-PTNT đã chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổ chức cuộc họp.

Đại diện pháp lý cho 3 chủ tàu, ông Lê Hội Hưng trình bày ý kiến: "Hiện tại do ngư trường truyền thống ít sản phẩm nên các tàu đóng mới theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP đang tiến hành khai thác tại ngư trường phía Nam, thuộc quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng).

Công suất các tàu đều trên 1.200 mã lực, có giá trị lớn nhưng trong bối cảnh bị tác động nặng nề do Covid-19 nên sản phẩm khó tiêu thụ, giá thành giảm. Trong khi đó nguồn vốn đóng mới thực chất là “chung chi” từ nhiều gia đình lại với nhau (khoảng 10 hộ/ tàu - PV), kinh phí này chủ yếu được huy động từ các tổ chức tín dụng. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước triển khai quá chậm, thành thử ngư dân phải đối mặt với muôn vàn áp lực".

Ông Hưng khẳng định các chủ tàu cam kết và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, trước cấp có thẩm quyền về tính chính xác của hồ sơ. Trên tinh thần đó, đề nghị các cấp ngành Trung ương, địa phương sớm triển khai phương án, bố trí kinh phí hỗ trợ theo quy định hiện hành.

Sau khi kiểm tra, rà soát các thành viên phụ trách kiểm tra hồ sơ, số liệu đều thống nhất: Hồ sơ, đối tượng, điều kiện được hỗ trợ, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục đảm bảo đúng theo quy định tại Nghị định 17/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Chi tiết hơn, tàu của ông Trương Quang Hòa (số đăng ký NA 98828 TS) có công suất hơn 1.271 CV, tổng giá trị đóng mới theo hợp đồng là 23 tỷ 500 triệu đồng; của ông Nguyễn Văn Hòa (NA 98829 TS) công suất hơn 1.332 CV, 23 tỷ 450 triệu đồng; của ông Nguyễn Văn Mười (NA 96899 TS) công suất 1200 CV, hơn 22 tỷ 875 triệu. Cả 3 tàu đảm bảo được hỗ trợ tại Khoản 3, Điều 4a, Nghị định 17/2018/NĐ-CP với mức 35% giá trị đóng mới nhưng không quá 8 tỷ đồng.

Chủ trì phiên họp, ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kết luận: Hồ sơ của 3 chủ tàu chính xác, đảm bảo đúng đối tượng, điều kiện được hỗ trợ.

Xét thấy nhu cầu hết sức cấp thiết, ngày 6/4/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu đã ký Công văn số 1922/UBND-NN về việc "Đề nghị cấp kinh phí hỗ trợ một lần sau đầu tư đóng mới tàu cá khai thác hải sản xa bờ" gửi đến Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và Bộ NN-PTNT kiến nghị xem xét, cấp 24 tỷ đồng hỗ trợ tàu cá ngay trong năm 2021.

Chính quyền sốt sắng là thế, tiếc thay mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ. Ngoài khơi xa, ngư dân vẫn canh cánh nỗi âu lo.

Ngày 21/8/2021, liên lạc qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Mười, chủ tàu NA 96899 TS không giấu nổi vẻ bất an: "Nguồn lợi thủy sản trên biển ngày một khan hiếm, muốn khai thác đủ sản lượng phải di chuyển đến những ngư trường tít ngoài khơi xa, thông thường là khu vực đảo Hoàng Sa. Chuyến rồi kéo dài trên chục ngày, thuyền mới cập cảng Đề Gi, Quảng Ngãi được 2 hôm. Tình hình chung thực sự khó khăn…".

Theo Điều 4, Nghị định 67 chủ tàu đóng mới tàu cá vỏ thép có thể vay vốn tối đa lên đến 95% (chỉ đối ứng 5%) tổng giá trị đầu tư thông qua các ngân hàng thương mại, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo từng năm. Nhưng với Nghị định 17 lại khác, chủ tàu bắt buộc phải bỏ ra 100% kinh phí đóng mới, sau đó sẽ được hỗ trợ một lần với định mức theo khung.

Chi tiết hơn, tàu cá có tổng công suất máy chính từ 800 CV đến dưới 1.000 CV được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu; tàu cá có tổng công suất máy chính từ 1.000 CV trở lên được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Bình luận mới nhất