| Hotline: 0983.970.780

Nhà nước cho vay tối đa, biển cả mênh mông mà tàu 67 mắc cạn

Thứ Hai 29/03/2021 , 20:20 (GMT+7)

Số lượng tàu đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP trên địa bàn Nghệ An hoạt động cầm chừng, thiếu hiệu quả chiếm số lượng lớn. Vấn đề này cần sớm xử lý dứt điểm.

Tàu 67 giúp nâng cao sản lượng khai thác, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Ảnh: Việt Khánh.

Tàu 67 giúp nâng cao sản lượng khai thác, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Ảnh: Việt Khánh.

Nhiều tàu hoạt động cầm chừng

Sáng 29/3, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn khi thực hiện Nghị định 67/CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Đánh giá tổng thể, chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP là tiền đề để chuyển dịch đội tàu khai thác theo hướng công suất lớn, hiện đại, áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến nhằm đảm bảo quá trình đánh bắt xa bờ.

Theo Chi cục Thủy sản Nghệ An, toàn tỉnh có 104 tàu 67 được đóng mới, tổng công suất máy chính lên đến 83.832 CV (vỏ gỗ 90 tàu, vỏ thép 9 tàu, vỏ Composite 5 tàu).

Năm 2020 sản lượng khai thác biển của Nghệ An đạt đến 179.000 tấn, tăng gần gấp đôi năm 2014, điều này góp phần cải thiện thu nhập và đời sống cho người đi biển.

Bên cạnh lợi ích về kinh tế, Nghị định 67/2014/NĐ-CP còn trực tiếp nâng cao nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta. Bằng chứng, năm 2014 chỉ độc 1 tàu tham gia đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa thì đến nay tăng lên 203 tàu với 662 chuyến. Rõ ràng, bước chuyển là điều không thể phủ nhận.

Dù vậy nhiều tàu 67 trên địa bàn Nghệ An hoạt động không hiệu quả, công tác thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Việt Khánh.

Dù vậy nhiều tàu 67 trên địa bàn Nghệ An hoạt động không hiệu quả, công tác thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Việt Khánh.

Bên cạnh kết quả khả quan, quá trình thực hiện vẫn tồn tại nhiều mặt hạn chế, đến nay một số nội dung trọng tâm vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Đây cũng được xem là một trong những nguyên do ảnh hưởng đến công tác IUU trên địa bàn, do đó cần khắc phục càng sớm càng tốt.

Trở lại với nội dung cho vay, thu hồi nợ của các ngân hàng thương mại. Tính đến 28/02/2021 đã áp dụng cho 104 chủ tàu với tổng số tiền giải ngân là 860 tỷ đồng. Qua thống kê, 3 tàu gặp sự cố đã tất toán khoản vay, dư nợ của 101 chủ tàu trên 660 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn trên 121 tỷ,  nợ lãi tiền vay trên 27 tỷ.

Thật sự đáng lo khi biết rằng, chỉ 31 tàu hoạt động có hiệu quả và trả gốc/ lãi đúng cam kết. 59 tàu hoạt động cầm chừng, không hiệu quả (có 51 khách hàng bị chuyển nợ xấu với dư nợ xấu). 6 tàu đã bàn giao xử lý tài sản…

Cùng ngư dân gỡ khó

Trước tình hình đặt ra, trong thời gian tới Ban Chỉ đạo Nghị định 67 của tỉnh Nghệ An và các ngân hàng thương mai sẽ phối hợp với chính quyền địa phương đôn đốc, nhắc nhở, vận động ngư dân thực hiện đúng trách nhiệm và nghĩa vụ đã cam kết.

Chi tiết hơn, sẽ đấu mối với chính quyền địa phương để nắm bắt chặt chẽ tình hình hoạt động của các chủ tàu, qua đó từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giúp ngư dân trả nợ ngân hàng đúng hạn.

Song song với đó, sẽ thực hiện thẩm định đối với chủ tàu mới dựa trên căn cứ các quy định của pháp luật để có ý kiến với UBND tỉnh về việc bàn giao lại tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ sang chủ tàu mới theo cơ chế chuyển đổi chủ tàu tại Nghị định số 17/2018/NĐ-CP.

Vấn đề cốt lõi là tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các chính sách theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP để ngư dân hiểu đúng về chính sách của Nhà nước, đặc biệt phải quán triệt rõ cho các chủ tàu hiểu “trách nhiệm trước pháp luật về phần vốn vay của mình”.

Các bên liên quan cần phối hợp chặt chẽ, sớm tìm ra phương án tối ưu để giải tải áp lực cho ngư dân, qua đó tạo điều kiện để đẩy nhanh quá trình trả nợ. Ảnh: Việt Khánh.

Các bên liên quan cần phối hợp chặt chẽ, sớm tìm ra phương án tối ưu để giải tải áp lực cho ngư dân, qua đó tạo điều kiện để đẩy nhanh quá trình trả nợ. Ảnh: Việt Khánh.

Về phía Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy sản, với tư cách cơ quan chủ trì phải căn cứ chức năng nhiệm vụ để phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan nhằm tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức vận hành, khai thác thủy sản của tàu cá, nhất là tàu vỏ thép và vật liệu mới cho ngư dân.

Ngoài ra phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định, quy trình duy tu bảo dưỡng tàu cá vỏ thép, quy định về cải hoán, chuyển đổi nghề và thực hiện kiểm tra gia hạn đúng quy định.

Để triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP hiệu quả hơn nữa, nhất thiết  Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An phải có phương án phù hợp chỉ đạo các ngân hàng thương mại phối hợp với Ban Chỉ đạo 67 của tỉnh, chính quyền địa phương huyện xã và các chủ tàu, tránh tình trạng “cái sảy nảy cái ung” như thời gian đã qua.

Về hình thức áp dụng cho các chủ tàu “chây ỳ” trong quá trình thanh, quyết toán nợ vay, phải thấy rằng việc khởi kiện là giải pháp cần thiết nhưng cần cần thận trọng xem xét, đánh giá khách quan nguyên nhân gây nợ đọng. Trường hợp cần linh động nên tạo điều kiện để phương tiện vươn khơi, qua đó có cơ sở gom nguồn trả nợ.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.