Ông đánh giá như thế nào về thực trạng các công trình thủy điện mọc lên như nấm ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên thưa Giáo sư?
Phải thừa nhận rằng thủy điện là giải pháp làm tăng nguồn điện trong quá trình phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, đây là yếu tố tích cực. Thế nhưng do Việt Nam phát triển thủy điện vừa và nhỏ quá nhiều nên phát sinh yếu tố tiêu cực. Phát triển nhiều thủy điện vừa và nhỏ đã dẫn tới thực trạng là các địa phương có thủy điện mất đi nhiều diện tích rừng và đất.
Thứ đến, hiện các chuyên gia trên thế giới đã phát hiện các công trình thủy điện không phải là không tác động xấu đến môi trường như trước đây như chúng ta thường nghĩ bởi chúng không sử dụng than, mà người ta đã tính ra được thủy điện thậm chí còn làm hại đến môi trường rất nhiều, đây là vấn đề rất đáng quan ngại.
Theo ông thủy điện sẽ tác động xấu đến môi trường như thế nào ?
Tác động lớn nhất đến môi trường là các công trình thủy điện đã gây úng ngập các cánh rừng, các thung lũng. Chính chuyện gây ngập úng nước này là nguồn phát thải rất lớn. Thêm vào đó, các công trình thủy điện hầu như đã hủy hoại hoàn toàn hệ sinh thái của các con sông mà chúng đứng trên đó do bị thay đổi dòng chảy.
Nếu 1 con sông chỉ cần đặt 1 công trình thủy điện thì đã làm thay đổi hoàn toàn hệ sinh thái của con sông đó. Đằng này có những con sông phải “gánh” đến hàng chục công trình thủy điện, chúng được đặt ở nhiều tầng nước khác nhau, nhiều thang bậc khác nhau thì hệ sinh thái của con sông đó gần như vỡ toang. Thực tế ở miền Trung cho thấy có nhưng con sông dù nhỏ nhưng có đến 3-4 công trình thủy điện, thậm chí có những con sông được đặt đến hàng chục thủy điện như sông Kôn ở huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.
Một con sông được đặt nhiều công trình thủy điện thì càng có nhiều hồ chứa dùng để tích trữ nước. Mặc dù hồ chứa không lớn lắm, nhưng cũng là hồ chứa, chính các hồ chứa này đã làm thay đổi hệ sinh thái của con sông. Khi con sông bị thay đổi hệ sinh thái sẽ dẫn tới hiện tượng sụt lún, sạt lở bờ sông.
Bởi, trong quá trình ngập nước đã khiến cho tính vật lý của đất, đá bị thay đổi. Cụ thể như trong mùa mưa lũ năm vừa qua ở miền Trung có nhiều địa phương bị sạt lở đất, thậm chí đến núi cũng bị sạt lở. Thêm vào đó, tác động của nước từ các công trình thủy điện xả ra cộng với nước của mưa lũ gây ngập úng nhiều ngày đã gây tổn thất không ít về người và tài sản của nhân dân ở cận kề các công trình thủy điện và ở phía hạ du.
Có thể khẳng định tác động lớn nhất do các thủy điện gây ra là làm thay đổi hệ sinh thái dẫn tới tai biến thiên nhiên khi xảy ra lũ lụt. Chúng ta vẫn biết là việc xả lũ của các công trình thủy điện phải được vận hành theo quy trình, thế nhưng thực tế cho thấy là những công trình thủy điện vừa và nhỏ hầu hết là của tư nhân, chính vì vậy, sự quản lý, phối hợp giữa các thủy điện và ngành chức năng, chính quyền địa phương hầu như không được chặt chẽ. Kể cả nếu như các công trình thủy điện có sự phối hợp chặt chẽ đi chăng nữa thì cùng một lúc 4-5 thủy điện đồng thời xả lũ cũng sẽ dẫn tới ngập lụt về phía hạ du gây thiệt hại sinh mạng người dân và làm tổn hại đến nhiều ngành kinh tế khác.
Tóm lại, tác hại của thủy điện hiện nay là khá lớn, đặc biệt là đối với khu vực miền Trung, nơi có nhiều con sông nhỏ, ít sông lớn. Chính vì vậy, tác hại của thủy điện đến hệ sinh thái là rất lớn.
Có giải pháp nào khắc phục thực trạng trên không thưa giáo sư?
Hiện nhiều nước trên thế giới đang đi theo xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo là năng lượng gió và năng lượng mặt trời để tạo nguồn điện năng. Thế nhưng năng lượng mặt trời không nên phát triển diện rộng, bởi các công trình điện mặt trời cũng rất “ngốn” đất. Đồng thời chất thải từ năng lượng mặt trời như các tấm pin và các ắc quy chứa điện đều là những chất thải nguy hại. Thế nên trên thế giới hiện nay người ta chỉ phát triển năng lượng tái tạo về phía biển, nhất là khu vực biển xa để tận dụng năng lượng gió ngoài khơi xa, năng lượng sóng biển, năng lượng thủy triều và năng lượng các dòng biển. Đây là hướng mới trong phát triển năng lượng tái tạo. Như vậy, vấn đề năng lượng được giải quyết, đồng thời có thể trả lại sự bình yên cho các cong sông như trước đây.
Về vấn đề thủy điện, chúng ta cần có cách ứng xử như thế nào trong thời gian tới đây?
Tôi nghĩ, trong thời gian tới đây, khi các thủy điện đã khai thác đến mức độ đã hoàn vốn thì chúng ta cần mạnh dạn cho dừng hoạt động để khôi phục lại nguyên trạng của các con sông như thuở ban đầu chúng vốn có. Trước mắt, chúng ta không phê duyệt thêm những công trình thủy điện vừa và nhỏ, nếu có công trình nào cần làm thì chỉ làm những cái lớn. Đặc biệt, khi làm cần phải kết hợp việc phân tích kỹ càng về tác động môi trường để khắc phục tác động của công trình đến con sông đó.